Đi tìm sợi dây gắn kết những cảm xúc trong cuộc đời

An Nhiên
01/07/2022 - 22:42
Đi tìm sợi dây gắn kết những cảm xúc trong cuộc đời

Cuốn sách "Cảm xúc" của Osho

Cảm xúc là những bông hoa, và cả cuộc đời bạn là một vòng hoa. Phải có một sợi dây gắn kết, nếu không thì cuộc đời bạn đã rơi rụng từ lâu. Vậy sợi dây gắn kết ấy là gì?

Đó là câu hỏi, và tiếp theo đó là phần dẫn dắt, của đạo sư Osho trong cuốn sách Cảm xúc (tựa gốc: Emotional Wellness).

Theo Osho, con người không thể kìm nén cảm xúc - cách tiếp cận rất phổ biến và thường được đánh đồng với tính kỷ luật và trách nhiệm. Nén cơn giận và cố mỉm cười để giữ hình ảnh tốt đẹp, cố gạt qua nỗi buồn để bản thân "tích cực" hơn, người đàn ông không dám khóc lóc vì sợ bị cho là yếu đuối… Osho kịch liệt phản đối tất cả các kiểu kìm nén đó.

Tại sao việc đè nén cảm xúc tuyệt đối lại có hại? Osho lập luận rằng tâm trí con người bao hàm hai điều: cái đầu và trái tim. Suy nghĩ, logic được khởi sinh từ cái đầu, còn cảm xúc thì xuất phát từ trái tim. Khi bạn kìm nén, đè nén, hay kiểm soát cảm xúc, là cái đầu đang thắng thế trái tim, là bạn đang kìm nén một phần quan trọng của chính mình.

Theo vị đạo sư, khi bạn đè nén cảm xúc tiêu cực, cảm xúc đó chẳng thể biến mất. Nó chỉ bị "nhốt trong một căn hầm", năng lượng bị áp chế sẽ hòa vào máu của cơ thể, tạo nên những sự xung đột giữa những tế bào. Và chẳng chóng thì chầy, theo cách này hoặc cách khác, những cảm xúc đó sẽ làm phiền bạn.

Nhưng nếu không kiểm soát, không kìm nén, thì chúng ta phải làm gì với những cảm xúc mãnh liệt đang dâng lên trong lòng đây? Cái đầu không thể áp chế trái tim, nhưng theo Osho, trái tim cũng chẳng thể trở thành người làm chủ hoàn toàn, bởi vì trái tim rất mù quáng và nguy hiểm. Nên bạn cũng chẳng thể bộc lộ hoàn toàn cơn giận từ trái tim để rồi từ đó gây hại cho mọi người xung quanh.

Đạo sư Osho, tác giả cuốn sách "Cảm xúc"

Đạo sư Osho, tác giả cuốn sách "Cảm xúc"

Hãy vượt lên và trở thành người quan sát

Để đối mặt một cách đúng đắn với những cảm xúc luôn biến thiên, không phải tuân theo cái đầu hay trái tim, mà Osho cho rằng bạn cần "vượt lên trên chúng", tức vượt lên trên tất cả những gì thuộc về lý trí lẫn cảm xúc.

"Vượt lên trên" - có nghĩa rằng bạn tách ra để tạo nên một khoảng cách giữa bạn với tâm trí và trở thành người quan sát. Khi đó, bạn sẽ có đủ ý thức để thấy rằng mình không phải là cơn giận này, cũng không phải là nỗi sợ, nỗi buồn kia.

Theo vị đạo sư, một khi bạn trở thành người quan sát, có sự chứng kiến và đủ kiên nhẫn, mọi cảm xúc dù mãnh liệt tới đâu, cũng sẽ dần biến mất.

Càng về những phần sau của cuốn sách, độc giả càng nhận ra mình đang được dẫn dắt từ một chủ đề rất đương đại (cảm xúc, tâm lý của con người) để trở về với chủ đề cốt lõi của tâm linh, điều những bậc thầy và các nhà thần bí đã nói tới từ cổ chí kim - sự tỉnh thức và con đường dẫn đến sự tỉnh thức, tức thiền định. Ta cũng sẽ nhận ra rằng thiền và tỉnh thức chính là sợi dây cố định quý giá của "vòng hoa cuộc đời", là câu trả lời cho câu hỏi mà Osho đặt ra từ ban đầu.

Định nghĩa về thiền định của Osho rất đơn giản, nó chỉ là hành trình giúp con người vượt lên trên tâm trí, tách bạch khỏi suy nghĩ và cảm xúc của mình

Với cuốn sách Cảm xúc, Osho cung cấp những hiểu biết mới và hiệu quả, giúp chúng ta hiểu tường tận gốc rễ của cảm xúc, từ đó phản ứng với các tình huống theo cách có lợi cho bản thân và cho người khác, đồng thời ứng phó với những thăng trầm của cuộc sống bằng một thái độ tự tin và cân bằng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm