pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dị ứng với tập thể dục là có thật: Từ ngứa, sốc phản vệ tới tử vong, bạn cần đặc biệt cảnh giác nếu có các triệu chứng sau
"Một nam thanh niên 24 tuổi đang phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến được xe cứu thương đưa tới phòng cấp cứu vì triệu chứng hạ huyết áp trong khi đang chạy. Bệnh nhân cho biết sau khi chạy được 10 phút, anh ấy bắt đầu cảm thấy ngứa toàn thân, nổi mề đay lan tỏa, đánh trống ngực và choáng váng.
Bệnh nhân đã ngồi xuống và nghỉ trong vài phút, trước khi cố gắng đứng dậy chỉ để cảm thấy cơn choáng váng tồi tệ hơn. Anh chàng nói mình cảm thấy như bị "sập nguồn" tuy nhiên không hề bị mất ý thức".
Trên đây là báo cáo của các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Quân đội Hoa Kỳ ở Hawaii, đăng trên tạp chí Case Reports in Medicine, mô tả về một trường hợp bệnh nhân sốc phản vệ khi đang tập thể dục.
Các bác sĩ đã loại trừ tất cả các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đó cho nam thanh niên, bao gồm thức ăn, thuốc, các điều kiện môi trường như thời tiết hoặc phấn hoa… Chẩn đoán cuối cùng dành cho anh chàng này là bệnh dị ứng với tập thể dục.
"Dị ứng khi tập thể dục là một hội chứng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng", các bác sĩ viết. "Phương pháp điều trị chủ yếu là phải kiêng tập thể dục.
Tại sao lại có căn bệnh kỳ lạ như vậy: Dị ứng với tập thể dục?
Chắc chắn đó không phải là lời chống chế của những người lười tập luyện.
Mary Johnson, một vận động viên marathon người Mỹ cho biết cô cũng phải nhận chẩn đoán dị ứng với thể dục, dù vẫn thường xuyên tập chạy tới 6 buổi mỗi tuần. Mary có thể hoàn thành quãng đường marathon 42 km chỉ trong 3h08 phút, thành tích cho phép cô vượt qua vòng sơ tuyển để tham gia Boston Marathon, giải chạy lâu đời và uy tín nhất hành tinh.
Mặc dù vậy, cô gái 27 tuổi phải hết sức cẩn thận. Thi thoảng, chạy xong sẽ biến khuôn mặt cô ấy trở thành như thế này:
"Hôm đó, tôi vừa chạy xong thì cơn dị ứng ập tới. Tôi thở hổn hển trong khi lao vào nhà, xé toạc chiếc áo chạy bộ của mình, tôi gãi như điên vào những nốt mề đay đang dần hình thành trên bụng và vai mình", Mary kể về một trong những lần dị ứng nặng nhất của mình.
"Thỉnh thoảng, những cơn dị ứng thông thường chỉ khiến mặt tôi hơi húp lên và không de dọa tính mạng. Nhưng lần đó thì khác. Măt tôi đã ngứa từ lúc tôi đi chạy, ngay khi tôi dừng lại, lưỡi của tôi cũng tấy lên. Tôi cảm nhận được đó sẽ là một cơn dị ứng tồi tệ".
Chỉ vài phút sau đó, cổ họng của Mary đã cứng đơ lại, cô không còn có thể nói. Người nhà ngay lập tức phải đưa Mary đi cấp cứu. Tại bệnh viện, cô ấy đã nằm hôn mê và phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực (ICU) cả đêm.
"Bởi vì phản ứng của tôi quá nghiêm trọng, các bác sĩ sợ tôi sẽ lại biến thành một quả bí ngô, rồi nổ tung như một quả bóng bay vào lúc nửa đêm. Họ muốn theo dõi tôi thật chặt chẽ, đề phòng điều đó có thể xảy ra. Không cần phải nói, tôi đã dành cả một đêm với máy móc y tế xung quanh, những ống dịch truyền bơm đầy Benadryl và steroid vào tay", Mary kể lại.
Nghiên cứu trên tạp chí Reports in Medicine cho biết: "Sốc phản vệ là một hội chứng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể cùng lúc, có thể đe dọa tới tính mạng do sự giải phóng đột ngột của các chất trung gian từ tế bào basophil và tế bào mast".
Tế bào basophil và tế bào mast là những tế bào tham gia vào hệ thống miễn dịch. Cả hai đều chứa histamine, một hợp chất chứa nitơ hữu cơ đóng vai trò như một chất dẫn truyền thần kinh và hỗ trợ tiêu hóa.
Tuy nhiên, khi một lượng histamine lớn được giải phóng vào máu, nó sẽ gây ra phản ứng miễn dịch như dị ứng, sưng tấy, phát ban, nổi mề đay cho đến sốc phản vệ.
Các tác nhân thường kích thích cơ thể giải phóng histamine bao gồm thức ăn, nọc độc côn trùng, một số loại thuốc ví dụ như thuốc gây mê. Các tác nhân kỳ lạ khác như phấn hoa, thay đổi thời tiết, thậm chí tinh dịch cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng do histamine.
Đối với dị ứng tập thể dục, các nhà khoa học cho biết phản ứng giải phóng histamine đã bị kích thích bởi các yếu tố tự thân trong cơ thể người bệnh. Giả thuyết thứ nhất cho rằng tập thể dục đã làm tăng lưu thông máu, kích thích đường ruột và tính thẩm thấu của hệ tiêu hóa. Điều này làm tăng cơ hội một người tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
Sự thật là có một số người chỉ bị dị ứng tập thể dục nếu trước hoặc sau buổi tập, họ ăn một loại thực phẩm cố định nào đó, ví dụ như ngô, táo, thịt bò, cà chua, sữa...
Nếu họ chỉ ăn các loại thực phẩm này mà không tập thể dục, họ sẽ không bị dị ứng. Nếu họ tập thể dục mà không ăn chúng, họ cũng không bị dị ứng. Chỉ sau khi tập thể dục, tính thẩm thấu đường tiêu hóa tăng lên mới khiến họ hấp thụ nhiều thành phần gây dị ứng trong thực phẩm. Lúc này, ăn chúng mới khiến họ bị dị ứng.
Giả thuyết thứ hai giải thích tại sao một số bệnh nhân dù tập thể dục với bụng đói vẫn có thể bị dị ứng, đó là do bản thân các mô trong ruột của họ bị kích thích, sẽ tăng tiết Omega-5-gliadin. Omega-5-gliadin thì là một chất có thể gây dị ứng. Nó cũng xuất hiện trong lúa mì, vì vậy, người nào dị ứng với lúa mì thì khi tập thể dục cũng có thể bị dị ứng.
Giả thuyết thứ ba, và cũng là cuối cùng hiện tại có khả năng giải thích phản ứng dị ứng do tập thể dục là sự tái phân phối lưu lượng máu. Trong quá trình tập luyện, cơ thể bạn sẽ rút bớt máu ở các mô không hoạt động để chuyển chúng tới các mô phải vận động mạnh.
Có một số tế bào mast nằm trong cơ và xương, chúng có thể nhận được nhiều máu hơn trong quá trình tập luyện, từ đó bị kích thích và sản sinh ra histamine gây ra phản ứng dị ứng, từ việc khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy, nổi mề đay cho đến khó thở và sốc phản vệ.
Làm sao để biết bạn có bị dị ứng với tập thể dục không?
Sự thật là dị ứng tập thể dục thường khởi phát vào một thời điểm trong đời, nghĩa là trước đó, bệnh nhân vẫn có thể tập thể dục bình thường mà không có bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào. Nhưng tại một thời điểm nào đó, điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra.
Đối với Mary, đó là năm cô 18 tuổi. Mary nhớ lại đó là một buổi sáng, cô ra ngoài chạy bộ và trở về nhà với khuôn mặt sưng húp. "Mặt tôi phồng lên như một quả bóng bay và cổ họng tôi bắt đầu nghẹn lại", Mary nói. Ngay lập tức cô phải tới bệnh viện để xét nghiệm.
Vì Mary chưa ăn gì hôm đó, xét nghiệm máu không cho kết quả dương tính với bất kỳ tác nhân dị ứng nào, các bác sĩ đã kết luận cô bị dị ứng tập thể dục.
Đối với chàng lính hải quân ở Hawaii, anh ấy đã phát hiện những triệu chứng đầu tiên của mình năm 21 tuổi. Sau mỗi buổi tập, anh thấy cơ thể mình sẽ ngứa lên và sau đó thỉnh thoảng sẽ nổi mề đay. Các triệu chứng xuất hiện lẻ tẻ, lúc có lúc không trong suốt 3 năm. Khoảng 20-25 lần anh bị nổi mề đay và 4 lần bị sốc phản vệ.
Vì không phải lần tập thể dục nào cũng gặp phải triệu chứng nên anh chàng không nghĩ mình bị dị ứng với chính việc tập thể dục của bản thân. Đặc biệt, bệnh nhân cho biết mình chỉ bị dị ứng sau khi chạy, nghĩa là tập cardio, còn khi tập tạ, một bài tập thiên về sức mạnh thì không việc gì cả.
Các nhà nghiên cứu cho biết bạn cần đặc biệt cảnh giác với các triệu chứng của dị ứng tập thể dục. Chúng được chia ra thành hai loại:
Triệu chứng dạng nhẹ bao gồm ngứa, phát ban, nổi mề đay, phù mạch, sưng cơ thể, sưng môi, buồn nôn hoặc nôn. Triệu chứng dạng nặng bao gồm sưng lưỡi, khó nuốt, khó thở, co thắt đường thở, cảm thấy muốn ngất đi hoặc bất tỉnh.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện ngay trong quá trình tập luyện. Nhưng 90% bệnh nhân báo cáo họ bị lên cơn dị ứng sau 30 phút tập thể dục.
Làm thế nào để đối phó với căn bệnh?
Nếu bạn không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên, chúc mừng bạn vì bạn có thể tập thể dục thoải mái để tăng cường sức khỏe. Nhưng nếu bạn nằm trong số 0,05-2% dân số không may mắn mắc phải tình trạng dị ứng tập thể dục, dưới đây là những lời khuyên dành cho bạn.
Bất kể khi nào bạn thấy các dấu hiệu của tình trạng dị ứng, bạn cần phải ngừng tập luyện ngay lập tức và theo dõi triệu chứng của mình. Nếu đó là các triệu chứng nhẹ, ví dụ như cơn ngứa, vết mề đay hoặc phát ban, chúng thường sẽ biến mất sau vài giờ.
Nhưng nếu có dấu hiệu tăng nặng như khó thở, da trở nên nhợt nhạt, mạch nhanh và yếu, bạn sẽ cần cấp cứu hoặc dùng Epipen ngay lập tức.
Mary cho biết kể từ khi phát hiện mình bị dị ứng tập thể dục, cô luôn mang theo bút Epipen bên người. Đó là những mũi tiêm chứa epinephrine dành cho trường hợp dị ứng nặng đề phòng sốc phản vệ. Epinephrine có tác dụng kháng histamine, tác nhân gây dị ứng, làm thư giãn cơ trơn của đường hô hấp, làm tăng nhịp tim, làm giãn mạch máu, và giảm sưng.
Tất nhiên, đó chỉ là liệu pháp tạm thời và bạn vẫn nên đến cơ sở y tế ngay sau khi gặp phải tình trạng sốc phản vệ do tập thể dục.
Tin tốt là bạn không phải kiêng tập thể dục hoàn toàn, cho dù bạn là một người bị dị ứng với tập thể dục. Mary cho biết chỉ cần bạn ý thức được tình trạng của mình, luôn có những cách để vừa gặp hái được lợi ích từ thể dục, vừa phòng ngừa được tình trạng dị ứng.
Một số người chỉ bị dị ứng tập thể dục khi kết hợp với việc ăn một số loại thực phẩm nhất định. Phương pháp phòng ngừa rất đơn giản, đừng ăn chúng nữa. Danh sách này thường bao gồm: rượu, bia, táo, thịt bò, trứng, cá, đậu, sữa, nấm, đào, thịt lợn, động vật có vỏ, hải sản, cà chua, lúa mì…
Sàng lọc để tìm ra loại thực phẩm nào kích thích bệnh dị ứng thể dục sẽ giúp bạn phòng ngừa căn bệnh.
Đối với dị ứng thể dục do tái phân bổ lưu lượng máu, bạn có thể thử một số bài tập khác nhau để loại bỏ tình trạng này. Ví dụ như một số người chỉ bị dị ứng với bài tập chạy, còn không dị ứng với tập tạ như anh chàng lính hải quân ở Hawaii.
Kiểm soát các bài tập ở mức độ nhẹ, tránh làm tăng quá cao nhịp tim cũng sẽ giúp ích.
Cuối cùng, với kinh nghiệm hơn 10 năm sống chung với bệnh dị ứng tập thể dục, đồng thời là một vận động viện marathon, Mary nói rằng bạn luôn phải cảnh giác cho trường hợp xấu nhất. Ví dụ, bạn nên tìm một người bạn cùng tập thể dục, có thể là bác sĩ hoặc y tá, những người có khả năng sơ cứu cho bạn trong trường hợp xấu xảy ra.
Ngoài bút Epipen, bạn cần luôn mang điện thoại bên người, cài sẵn số điện thoại khẩn cấp để gọi trong trường hợp cần cấp cứu. Đối với Mary, cô còn đeo một chiếc vòng màu hồng mà cô gọi là RoadID bên cạnh đồng hồ thể thao của mình.
RoadID ghi sẵn thông tin y tế của cô ấy, bao gồm tên tuổi, nhóm máu, số điện thoại liên hệ và bệnh sử dị ứng để phòng trường hợp cô bị ngất giữa đường và được người lạ đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ sẽ dựa theo vòng tay RoadID của Mary và biết cách để giúp cho cô ấy tỉnh lại.
Đó là cách mà vận động viên marathon này chiến thắng căn bệnh. "Tôi là một vận động viên, một người chạy bộ. Các bác sĩ bảo tôi nên giải nghệ nhưng tôi không cho phép mình làm điều đó", Mary nói.
"Cái gì không thể giết chết bạn sẽ chỉ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Căn bệnh này cũng vậy, đừng để nó định hình con người bạn".