pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dịch Covid-19 có dấu hiệu tái bùng phát tại Châu Á, ghi nhớ ngay các triệu chứng bệnh mới nhất

Theo thống kê trong những tuần gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tại một số nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc,... đang gia tăng trở lại.
Cụ thể, tại Thái Lan, từ ngày 1/1 đến 10/5 năm nay, Thái Lan ghi nhận 53.676 ca mắc và 16 ca tử vong vì Covid-19. Trong đó, Bangkok là nơi báo cáo nhiều ca nhất với 16.723 người dương tính, đỉnh điểm là tuần từ 27/4 đến 3/5 với hơn 14.000 ca. Các tỉnh khác như Chon Buri, Nonthaburi và Rayong cũng ghi nhận số ca đáng kể. Tuy nhiên, số ca nhiễm đã giảm xuống 12.543 trong tuần tiếp theo (10/5).
Hay tại Singapore, số ca mắc Covid-19 tăng từ 11.100 ca tuần trước lên 14.200 ca trong tuần từ 27/4 đến 3/5. Số người cần chăm sóc đặc biệt giảm từ 3 còn 2, số người nhập viện tăng từ 102 lên 133 người.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), tình hình dường như đáng lo ngại hơn khi ghi nhận số ca nặng trong 3 tháng vừa qua là 75 người, tăng mạnh từ 3 ca trong tháng trước lên 26 ca trong tháng này. Trong đó có 85% là người trên 65 tuổi và gần 64% sống trong viện dưỡng lão. Đáng lưu ý, hơn 95% số ca nghiêm trọng là người mắc bệnh nền và chưa tiêm liều vaccine nhắc lại trong sáu tháng qua.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), số lượt khám và cấp cứu liên quan đến Covid-19 gần chạm mốc 10.000 trong tuần từ 4/5 đến 10/5, tăng 66% so với tuần trước. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp ghi nhận xu hướng tăng. Trong tuần đầu tháng 5, cũng ghi nhận 6 ca tử vong và 34 ca bệnh nặng, cho thấy vẫn cần giám sát dịch chặt chẽ.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong. Trong đó, TPHCM có 34 ca, Hà Nội 19 ca, Hải Phòng 21 ca, Bắc Ninh 14 ca, Nghệ An 17 ca,...
Theo WHO, một vài biến thể như JN.1 và các dòng biến thể phụ của virus Covid-19 là KP.1, KP.2 và biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đang ghi nhận có sự lây lan nhanh tại nhiều quốc gia tại Châu Á. Mặc dù cho tới thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa có đủ bằng chứng để khẳng định rằng các biến thể này có thể khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn nhưng dựa trên số liệu các ca lây nhiễm tăng thì các biện pháp phòng chống sự lây lan của COVID-19 là rất quan trọng.

Trong những tuần gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tại một số nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc,... đang gia tăng trở lại. Ảnh: ST
Thêm vào đó, đừng bỏ qua các dấu hiệu nhiễm Covid-19 cũng như tình trạng cho thấy cần được hỗ trợ chăm sóc khẩn cấp. Bắt đầu vào cuối 2019 và Covid-19 đã gây ra một đại dịch trên toàn cầu; tới nay loại virus này vẫn lưu hành nhưng hầu hết người mắc Covid-19 thường bị bệnh nhẹ hơn.
Nhưng, nguy cơ bệnh tiến triển nặng và cần phải nhập viện do Covid-19 vẫn cao ở các nhóm: Người trên 60 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch do ung thư hoặc đang có các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh gan, bệnh thận và phụ nữ có thai.
1. Các triệu chứng khi nhiễm Covid-19
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người nhiễm Covid-19 có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ tới nặng.
Triệu chứng của COVID-19 thường xuất hiện sau khoảng 2 - 14 kể từ khi tiếp xúc với virus và kéo dài từ 7 - 10 ngày. Một người có thể lây nhiễm cho người khác khoảng 48 giờ trước khi phát triển các triệu chứng cho tới khoảng 10 ngày tính từ khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.
Tùy theo mỗi biến thể của virus SARS-CoV-2 và tình trạng tiêm chủng mà triệu chứng nhiễm COVID-19 ở mỗi người có thể khác nhau cả về các triệu chứng có thể gặp phải hay mức độ bệnh. Nhưng COVID-19 có thể gây ra các triệu chứng kéo dài lâu hơn, còn gọi là COVID kéo dài hay hậu COVID.
Theo The Conversation, một nghiên cứu tại Anh vào tháng 10/2024 theo dõi sự tồn tại của các triệu chứng trên 5.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe cho thấy, các triệu chứng ít có khả năng kéo dài hơn 12 tuần trong các lần nhiễm trùng tiếp theo. Chẳng hạn, tình trạng mệt mỏi nói chung được báo cáo ở 17,3% số người mắc sau lần nhiễm đầu tiên, so với 12,8% sau lần nhiễm thứ hai và 10,8% sau lần nhiễm thứ ba. Và người chưa tiêm vaccine cũng có các triệu chứng bệnh dai dẳng hơn. Một đánh giá mới năm 2025 về hơn 4.300 nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine đầy đủ trước khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể giảm 27% nguy cơ mắc COVID kéo dài so với việc không tiêm vaccine ở người trưởng thành nói chung.

Người nhiễm COVID-19 có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ tới nặng (Ảnh: ST)
Trong thông tin cập nhật mới nhất của CDC Hoa Kỳ vào tháng 3/2025 thì CDC đã liệt kê một loạt các triệu chứng nhiễm COVID-19 mới nhất cho tới hiện tại có thể bao gồm:
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Ho, thường là ho khan.
- Khó thở hoặc thở hụt hơi.
- Đau họng.
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Mất vị giác hoặc khứu giác đột ngột.
- Mệt mỏi tựa như kiệt sức.
- Đau nhức cơ thể hoặc đau mỏi cơ bắp.
- Đau đầu.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Tiêu chảy.
Đối với biến thể JN.1, theo Everyday Health, đây là biến thể của virus COVID-19 có tính đột biến cao, dễ lây nhiễm và lan rộng. Nhiều trường hợp báo cáo rằng nhiễm biến thể JN.1 gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa cao hơn, chẳng hạn như bị tiêu chảy. Tuy nhiên chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh điều đó.
2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Khi phát hiện bị nhiễm COVID-19, hãy ở nhà và cách ly với các thành viên khác trong gia đình. Nếu như có các dấu hiệu nghiêm trọng dưới đây, hãy nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp từ cơ sở y tế gần nhất:
- Khó thở hoặc các tình trạng cản trở hô hấp khác.
- Cảm giác đau tức ngực dai dẳng, liên tục.
- Đột nhiên bị lú lẫn.
- Ngủ li bì hoặc khó khăn để duy trì trạng thái tỉnh táo.
- Da môi, móng tay chuyển màu nhợt nhạt hoặc xám xanh.
Cho tới hiện tại thì tiêm vaccine phòng ngừa COVIID-19 vẫn là một trong những cách an toàn và hiệu quả nhất để chống lại COVID-19. Tùy từng tình trạng sức khỏe, độ tuổi mà khuyến nghị tiêm chủng sẽ có một số khác biệt. Ngoài tiêm ngừa, cần chú ý bảo vệ đường hô hấp khi tới những nơi đông người, khu vực lưu thông gió kém bằng cách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với những người đang có các triệu chứng bệnh hô hấp như ho sốt, hắt hơi sổ mũi,... Một khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời.