Dịch Covid-19 tại Hà Nội: Không tìm được người giao hàng dù giá tăng gấp 3 lần

N.Vân
10/03/2020 - 15:57
Dịch Covid-19 tại Hà Nội: Không tìm được người giao hàng dù giá tăng gấp 3 lần
Gọi shipper trong mùa dịch đã khó, những ngày gần đây, khi một số khu phố tại Hà Nội bị phong tỏa, hạn chế đi lại, tìm mỏi mắt mới có người nhận giao hàng. Kéo theo đó, giá ship cũng tăng từ 10% đến 30%.

Bán pizza và mì Ý homemade, mỗi ngày chị Trần Phương Uyên (Q. Long Biên, Hà Nội) có hơn trăm đơn hàng cần giao. Chị cho biết, pizza và mì là món khoái khẩu của trẻ nhỏ. Từ đầu mùa dịch, học sinh được nghỉ ở nhà, nên chị bán rất chạy hàng. 

"Nhưng từ hôm 7/3, sau khi Hà Nội công bố trường hợp bệnh nhân thứ 17 dương tính với nCoV, và khoanh vùng, hạn chế đi lại ở một số tuyến đường, việc gọi nhân viên giao hàng càng khó khăn hơn. Mỗi ngày, tôi chỉ dám nhận dăm chục đơn ở các khu vực gần nhà thôi. Còn sang các quận nội thành như Ba Đình, Tây Hồ, khó gọi shipper lắm", chị Phương Uyên chia sẻ thêm.

Dịch Covid-19 tại Hà Nội: Mỏi mắt mới tìm được shipper  - Ảnh 1.

Những người shipper bận rộn hơn trong mùa dịch. Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Lan Phương (Phú Xá, Q. Ba Đình) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chị Phương cho biết, hôm qua thôi, chị có đơn giao đến Nguyễn Khắc Hiếu (khu vực gần phố Trúc Bạch, bị cách ly) nhưng cả tiếng đồng hồ không có shipper (người giao hàng) nào nhận. Đặt hết các ứng dụng nhận giao hàng, nhưng các shipper đều nhờ chị hủy đơn hộ vì "em sợ lây bệnh" lắm. Hàng là đồ ăn, không thể chờ đợi quá lâu, chị Phương phải gửi hàng xóm trông con nhỏ để tự đi giao hàng cho khách.

Dịch vụ giao hàng đắt giá

Tại Hà Nội, sau khi công bố các trường hợp bị dương tính với Covid-19, kéo theo đó là nhiều người bị xác định nằm trong diện F2, F3, phải cách ly, theo dõi tại nhà nên người dân hạn chế đi lại, mua sắm ở những nơi đông người. Nhiều người có xu hướng chuyển sang mua hàng online, gọi thức ăn qua mạng… Chính vì vậy, công việc của những người shipper trở nên bận rộn hơn. 

Dịch Covid-19 tại Hà Nội: Mỏi mắt mới tìm được shipper  - Ảnh 2.

Hình ảnh những người shipper chất đầy hàng trên xe xuất hiện trên mọi tuyến phố

Anh Nguyễn Hoan (tài xế GoViet) cho biết: Anh nhận chạy tất cả các ứng dụng của Go như: chở khách, giao hàng, giao đồ ăn. Từ ngày dịch bệnh Covid-19, đơn chở khách sụt giảm. Nhưng đơn giao hàng và giao đồ ăn tăng gấp 3, 4 lần. Vào các khung giờ trưa và tối, anh nhận được các đơn nhờ mua hộ đồ ăn. Còn các thời điểm khác trong ngày là chạy đơn giao hàng cho các shop thực phẩm, thời trang, đồ gia dụng… Một ngày, trung bình anh chạy được khoảng 30 - 40 cuốc.

Chị Nguyễn Thị Thu (Lạc Long Quân, Hà Nội) bán thực phẩm lấy từ quê ở Nghệ An ra. Chị Thu cho biết, trước đây, chị thuê ship là các bạn sinh viên trọ ở khu vực xung quanh. Mỗi đơn hàng sẽ tính phí ship từ 20.000 đến 40.000 đồng, tùy theo khoảng cách xa gần. Nhưng từ sau Tết, sinh viên nghỉ tránh dịch Covid-19, ở quê vẫn chưa lên, nên việc tìm shipper rất gian nan.

"Gọi công ty giao hàng thì họ luôn quá tải, không giao được đúng thời gian khách hàng yêu cầu. Mình thường phải vào các nhóm ship trên mạng để tìm người giao hàng. Người bán hàng online thì nhiều, mà shipper thì ít, nên mấy ngày nay giá ship nội thành Hà Nội đã tăng từ 10% đến 30%. Dù phí ship khách hàng phải chịu, nhưng mình rất khó xử, vì nếu giá ship tăng cao quá, dễ mất khách lắm", chị Thu than thở.  

Không chỉ lo ngại về giá ship, nhiều chị em bán hàng online còn lo lắng vì shipper là những người di chuyển, tiếp xúc với nhiều người. 

Hình thức giao tiếp với shipper đang được shop thực phẩm tại phố Đỗ Quang, Hà Nội sử dụng

Chính vì vậy, để bảo vệ cho mình và cho cả shipper, nhiều shop bán hàng nhắc nhau, hạn chế sử dụng thanh toán tiền mặt. Thay vào đó, họ khuyến khích khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Một số cửa hàng đã áp dụng hình thức thanh toán không chạm đối với shipper. Người bán và người giao hàng quy định khu vực nhận hàng, xịt sát khuẩn, trả tiền riêng, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu mua - bán online vẫn còn tăng cao. Dù bạn là người bán, người mua hay người giao hàng cũng cần thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm