Dịch giả Lê Quang trong buổi ra mắt sách do NXB Phụ nữ tổ chức |
Có ai dí súng vào đầu mình bắt dịch đâu?
Lê Quang là một trong những cái tên ấn tượng nhất của văn học dịch Việt Nam hiện nay, đặc biệt là với những tác phẩm chuyển ngữ từ tiếng Đức. Anh đã có hơn 30 đầu sách được xuất bản, trong đó có nhiều bản dịch nổi tiếng như Người đọc (Bernhard Schilink), Tình ơi là tình (Elfriede Jelink), Vị hạt táo (Katharina Hagena), Con sóng thứ bảy và Cưỡng cơn gió bấc (Dainel Glattauer)…
Tháng 5 này, anh lại tiếp tục mang đến cho độc giả Việt 2 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Áo Dainel Glattauer là Ân sủng của đời và Mãi yêu em.
Trong buổi giới thiệu 2 cuốn tiểu thuyết mới ra mắt độc giả Việt của Dainel Glattauer do NXB Phụ nữ tổ chức, dịch giả Lê Quang tiết lộ, dù “mang tiếng” là có nhiều tác phẩm đã xuất bản, nhưng dịch sách không phải là nghề mang lại tiền bạc cho anh. Anh khuyên một độc giả có ý định chuyển từ nghề hướng dẫn viên du lịch sang dịch sách rằng: Tiền internet, cà phê chắc chắn sẽ vượt quá tiền nhuận bút sách dịch. Trong tình cảnh thị trường xuất bản ở Việt Nam, mỗi đầu sách phát hành chỉ được vài ngàn bản thì việc trông chờ thu nhập từ nghề dịch gần như là không tưởng.
Tuy nhiên, Lê Quang – cũng như nhiều dịch giả khác – vẫn “đâm đầu” vào dịch sách. “Mọi người cứ kêu than rằng nghề dịch nghèo, nhưng là kêu cho vui thôi. Là do mình tự nguyện, có ai dí súng vào đầu mình bắt phải dịch đâu? Nhuận bút không ra gì vẫn làm. Thậm chí có người dịch không công vẫn làm”, anh nói. Bởi việc dịch sách, đặc biệt là sách văn học, mang lại cho dịch giả những niềm vui mà không tiền bạc nào mua nổi.
Bìa cuốn sách Mãi yêu em |
Đó là niềm vui của một người thích đọc sách, và có nhu cầu chia sẻ với người khác những cuốn sách hay nhưng vì rào cản ngôn ngữ mà họ không thể tiếp cận được. Mặt khác, theo dịch giả Lê Quang, dịch sách là một công việc có thể cho phép người ta phân chia thời gian theo ý thích của mình. “Chẳng hạn như so sánh với nghề cần đến ngoại ngữ là hướng dẫn viên du lịch, nhận việc là bạn phải đi, bất kế mưa nắng. Còn dịch sách, thích thì anh làm, bận rộn hay chán không thích dịch nữa thì anh bỏ đó, chẳng sao cả”, Lê Quang hóm hỉnh nói.
Say mê dịch văn học Đức ngữ sang tiếng Việt
Dịch giả Lê Quang lấy ví dụ về thu nhập “bèo bọt” của nghề dịch: Thù lao cho 2 tiếng dịch cabin của anh còn cao hơn cả nhuận bút cuốn Ân sủng của đời mà anh phải vật vã suốt nửa năm trời. Nhưng điều đó không làm giảm sự say mê của anh với việc dịch tác phẩm của Daniel Glattauer sang tiếng Việt.
Trước Ân sủng của đời và Mãi yêu em, Lê Quang đã khiến độc giả Việt, trong đó chủ yếu là độc giả nữ, “phát sốt” với 2 cuốn tiểu thuyết khác của Daniel Glattauer là Cưỡng con gió bấc và Con sóng thứ bảy. Lê Quang cho biết, Daniel Glattauer là một nhà văn Áo mà anh rất thích, bởi cây bút này không chỉ tạo ra được cốt truyện hay mà cách viết cũng rất hấp dẫn.
“Daniel Glattauer có văn phong hóm hỉnh và duyên dáng. Đây là một điều khá lạ đối với văn học Đức ngữ nói chung, văn học Áo nói riêng, bởi người Đức thường khô khan, thiếu hài hước, hay triết luận”, dịch giả Lê Quang nói. Một điều thú vị nữa, Daniel Glattauer không chọn những chủ đề quá “nặng đô” như phát xít, tù tội mà viết những chuyện nhẹ nhàng hơn như yêu đương, thất tình… “Daniel Glattauer là phóng viên ký sự pháp đình, chuyên ghi chép những vụ án nghiêm trọng và đưa lên báo. Nhưng ông lại viết truyện rất nhẹ nhàng, nhân bản”, Lê Quang chia sẻ thêm.
Bìa cuốn tiểu thuyết Ân sủng của đời |
Tuy nhiên, dịch giả Lê Quang cũng cho biết, sau Ân sủng của đời và Mãi yêu em, ông sẽ không dịch thêm tác phẩm của Daniel Glattauer nữa, dù tác giả này còn 12 cuốn khác đều rất hay. “Tôi nghĩ đã đến lúc tôi tìm các tác giả Áo khác để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam”, anh nói.
Nhưng có một vấn đề, có những nhà văn anh thích và được đánh giá cao ở Áo thì lại không phù hợp với Việt Nam, bởi nội dung của nó xa rời văn hóa Việt. Trong khi đó, Lê Quang thừa nhận, anh chỉ cảm thấy hứng thú nếu sách của mình dịch ra có nhiều người đọc. “Tôi không muốn dịch những cuốn sách chỉ có vài người bỏ tiền ra mua. Nhưng thực tế là có những tác phẩm chỉ để mình đọc chứ không phải để dịch”, anh nói.
Dịch giả Lê Quang sinh năm 1956 tại Hà Nội. Anh đi học ở CHDC Đức năm 1974, ngành kiến trúc. Anh đã làm nhiều nghề khác nhau trước khi đến với công việc biên dịch và phiên dịch. |