pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dịch sởi vẫn có nguy cơ bùng phát, cần sự chung tay của cả cộng đồng

Tọa đàm “Dịch sởi vẫn có nguy cơ bùng phát - cần sự chung tay của cả cộng đồng” do Báo Phụ nữ Việt Nam thực hiện.
Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận trên 4.200 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có trên 4.000 trường hợp dương tính với sởi tại 62 tỉnh, thành phố; 6 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước và Hà Nội.
Chia sẻ tại tọa đàm "Dịch sởi vẫn có nguy cơ bùng phát - cần sự chung tay của cả cộng đồng", TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giải thích, nguyên nhân dịch sởi bùng phát là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi giảm do nhiều người e ngại vaccine hoặc bỏ sót lịch tiêm chủng. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như: sự di chuyển của người dân giữa các khu vực, đặc biệt là giữa vùng có dịch và vùng chưa có dịch; miễn dịch cộng đồng suy giảm theo thời gian, khiến virus dễ dàng lây lan hơn. Điều kiện thời tiết, vệ sinh cá nhân kém và chế độ dinh dưỡng không đầy đủ cũng làm giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho virus sởi bùng phát.
Sở dĩ bệnh sở bùng phát theo chu kỳ 5 năm, theo TS.BS Thân Mạnh Hùng, bệnh sởi là một bệnh có miễn dịch bền vững sau khi mắc hoặc tiêm vaccine, nhưng mỗi năm lại có một nhóm trẻ mới sinh ra chưa có miễn dịch. Nếu tỷ lệ tiêm chủng không đủ cao, sau khoảng 4-5 năm, số trẻ chưa có miễn dịch tích lũy đủ lớn để virus sởi có cơ hội lây lan mạnh và gây bùng phát dịch. Đó cũng là lý do bệnh sởi tại Việt Nam đang bùng phát theo chu kỳ 5 năm và hiện đã đúng vào chu kỳ dịch.
Ai có thể mắc sởi?
Theo TS.BS Ngô Chí Cương - Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC; Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm & Y học Nhiệt đới, Hệ thống Y tế MEDLATEC - sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, thông qua dịch tiết mũi họng của người bị sởi khi hắt hơi hoặc ho thoát ra ngoài không khí. Bệnh này rất dễ lây lan, đặc biệt là những nơi đông đúc như trường học, bệnh viện, khu dân cư... Đây là nguyên nhân chính khiến bệnh sởi dễ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát tốt.

TS.BS Ngô Chí Cương - Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC; Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm & Y học Nhiệt đới, Hệ thống Y tế MEDLATEC - chia sẻ tại tọa đàm
Trong đó, trẻ em là một trong những đối tượng dễ nhiễm sởi nhất, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm phòng đầy đủ. Sau thời gian ủ bệnh từ 7 - 21 ngày, các dấu hiệu của bệnh thường biểu hiện đầy đủ và rõ ràng ở trẻ em như: sốt cao trên 39 độ C; ho khan kéo dài, khàn tiếng, chảy nước mũi, nhiễm trùng đường hô hấp trên, trong miệng xuất hiện đốm; chảy nước mắt; mắt có gỉ, nhèm; mí mắt sưng nề. Trên cơ thể trẻ xuất hiện các nốt phát ban nhưng mọc theo thứ tự, đầu tiên ban mọc ở vùng đầu, mặt và cổ; sang ngày thứ 2 lan xuống vùng ngực, lưng và cánh tay; đến ngày thứ 3 vùng bụng, mông, đùi đã xuất hiện các vết ban đỏ; đến khi hết sốt, ban mới bắt đầu xuất hiện ở tay.
Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng là đối tượng dễ nhiễm sởi, nhất là những người sức khỏe yếu, mắc bệnh mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc làm giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, ở người lớn, nguy cơ mắc sởi ít hơn vì được tiêm phòng và nếu mắc thì ít có biến chứng, có thể điều trị tại nhà; nhưng ở người lớn nếu biến chứng thì rất nặng.
Người lớn, sau khi nhiễm virus gây bệnh khoảng 7 - 21 ngày, triệu chứng bệnh mới xuất hiện bao gồm: sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn… Những triệu chứng này khá giống với cảm ốm thông thường nên thường bị nhầm lẫn. Cùng với đó là các dấu hiệu như: sưng nề mí mắt, mắt đỏ, cộm, tình trạng chảy nước mắt, sợ ánh sáng…; viêm long đường hô hấp trên như: ngạt mũi, ho khan, sổ mũi, chảy nước mũi…; xuất hiện phát ban, sớm nhất thường là trong khoang miệng, trên bề mặt niêm mạc má. Dấu hiệu là các hạt nhỏ có kích thước từ 0.5 - 1mm, có màu trắng xám, xung quanh là vầng ban đỏ nổi gồ lên.
Sau sốt cao từ 3 - 4 ngày, phát ban trên các vùng da của cơ thể sẽ đồng loạt xuất hiện, nổi cộm rõ ràng lên bề mặt da. Ban đầu, phát ban thường xuất hiện ở sau tai, sau gáy rồi tràn ra trán, mặt, cổ. Dần dần đến thân mình và tứ chi đều xuất hiện phát ban.

TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giải thích nguyên nhân dịch sởi bùng phát
TS.BS Thân Mạnh Hùng chia sẻ thêm, hiện nay, bệnh viện vẫn tiếp nhận nhiều ca sởi ở người lớn, với tình trạng thường nghiêm trọng hơn do biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp. Tỷ lệ mắc sởi giữa nam và nữ không có sự khác biệt đáng kể nhưng phụ nữ mang thai mắc sởi có nguy cơ biến chứng cao hơn. Nếu phụ nữ mang thai mắc sởi, người mẹ có thể xảy ra một số nguy cơ như dễ bị viêm phổi nặng do hệ miễn dịch suy giảm trong thai kỳ hay các biến chứng như viêm não, suy hô hấp cao hơn. Còn đối với thai nhi, khi mắc sởi có thể gây ra các nguy cơ như dị tật bẩm sinh, sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Nếu mẹ mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ dị tật bẩm sinh cao. Phụ nữ mang thai không thể tiêm vaccine sởi, do đó cần tiêm phòng từ trước khi mang thai để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Những biến chứng của bệnh sởi
Tại Tọa đàm, các bác sĩ đã đề cập đến những triệu chứng và biến chứng của bệnh sởi. Cụ thể:
Biến chứng sởi trên đường hô hấp:
Viêm phổi là một trong những biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất của bệnh sởi, nhất là khi xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi và người cao tuổi. Viêm phổi thường xuất phát do sự tấn công của virus sởi vào phổi hoặc bội nhiễm vi khuẩn khi suy yếu miễn dịch sau sởi.
Viêm phổi gây nên các triệu chứng: sốt cao kéo dài, thở nhanh và nông, khó thở, đau ngực, đôi khi có thể kèm ho khan hoặc ho có đờm.
Viêm phổi do sởi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em mắc bệnh sởi do tình trạng suy hô hấp. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm phổi có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.
Biến chứng thần kinh:
Viêm não - màng não - tủy cấp dễ để lại di chứng nặng nề, nguy hiểm nhất là nguy cơ tử vong, dễ gặp ở trẻ trong độ tuổi đi học. Biến chứng này thường xuất hiện vào giai đoạn ngày 3 - 5 khi ban mọc. Các triệu chứng của biến chứng viêm não - màng não - tủy cấp khởi phát rất đột ngột, trẻ sốt cao, mê sảng ảo giác, có thể bị co giật, lú lẫn, trằn trọc hoặc hôn mê, loạn hướng, bị liệt một bên chân tay hoặc nửa người, có triệu chứng ngoại tháp: tăng trương lực cơ, run, múa vờn, múa giật... thậm chí còn bị rối loạn phản xạ, dương tính với Babinsky.
Viêm màng não là biến chứng thần kinh khác của bệnh sởi, tồn tại dưới dạng viêm màng não mủ sau bội nhiễm viêm tai, viêm màng não kiểu thanh dịch.
Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa tuy là biến chứng ít gặp nhưng để lại di chứng nặng, khó tiên lượng, thường phải sau vài năm mắc sởi mới xuất hiện, chủ yếu gặp ở độ tuổi 2 - 20. Đây là bằng chứng cho thấy sự ẩn náu của virus sởi bên trong cơ thể người bệnh đáp ứng miễn dịch bất thường. Thời gian diễn tiến biến chứng có thể kéo dài từ vài tháng cho đến 1 năm. Người bệnh thường bị tăng trương lực cơ, co cứng mất não và tử vong.

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng có nguy cơ mắc sởi. Ảnh minh họa
Khi mắc bệnh sởi, cần làm gì?
Theo TS.BS Ngô Chí Cương, khi mắc bệnh sởi, chăm sóc đúng cách là rất quan trọng để giúp người bệnh hồi phục và ngăn ngừa các biến chứng.
Nếu chưa có biến chứng, bệnh sởi có thể điều trị tại nhà theo các bước sau:
Đầu tiên, cần cách ly người bệnh trong phòng riêng, hạn chế tiếp xúc. Thời gian cách ly thường từ khi có triệu chứng đầu tiên cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban xuất hiện.
Hạ sốt: Nếu sốt cao trên 38.5°C có thể dùng thuốc hạ sốt chứa paracetamol (acetaminophen) với liều lượng phù hợp theo cân nặng và độ tuổi. Tránh dùng aspirin cho trẻ em vì có nguy cơ gây hội chứng Reye.
Uống đủ nước và ăn các đồ ăn dễ tiêu, bổ sung vitamin A
Vệ sinh cá nhân: mắt, mũi, miệng thường xuyên, sạch sẽ.
Đảm bảo thông thoáng phòng: Giữ cho phòng của người bệnh luôn thoáng khí nhưng tránh gió lùa trực tiếp.
Tránh tự ý dùng thuốc kháng sinh, chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ nếu có bội nhiễm vi khuẩn.
Khi nào cần đến bệnh viện?
Mặc dù nhiều trường hợp sởi có thể được chăm sóc tại nhà nhưng cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức nếu xuất hiện các dấu hiệu sau, vì đây có thể là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm.
Một số dấu hiệu cụ thể: Khó thở, thở nhanh, thở nông, có dấu hiệu co kéo lồng ngực; Ho nhiều, ho ra đờm có màu xanh hoặc vàng; Sốt cao liên tục không hạ hoặc sốt trở lại sau khi đã giảm; Li bì, lơ mơ, ngủ gà, khó đánh thức; Co giật; Nôn mửa nhiều, không ăn uống được, có dấu hiệu mất nước (tiểu ít, môi khô, da nhăn nheo); Mắt đau nhức, sưng đỏ, có mủ hoặc có dấu hiệu giảm thị lực; Phát ban không điển hình hoặc có dấu hiệu xuất huyết dưới da; Người có hệ miễn dịch suy yếu (do HIV/AIDS, đang điều trị ung thư, dùng thuốc ức chế miễn dịch); Người có các bệnh lý nền mạn tính (tim mạch, phổi, tiểu đường...).
TS.BS Thân Mạnh Hùng chia sẻ thêm, hiện nay, vẫn còn tồn tại một số quan niệm sai lầm khi mắc sởi. Ví dụ như: kiêng gió, kiêng nước, không tắm; kiêng ăn đồ bổ, hay dùng các mẹo dân gian (xông hơi, đặp lá, uống thuốc nam không rõ nguồn gốc…). Tuy nhiên, nếu áp dụng những cách này có thể gây nhiễm trùng da, giảm đề kháng, hay nặng hơn, nếu dùng thuốc sai cách có thể dẫn đến suy gan, suy thận.
Do đó, khi có triệu chứng sởi: bình tĩnh, sử dụng hạ nhiệt vật lý, chườm ấm, lau người. nới rộng quần áo, đưa trẻ đến cơ sở y tế để chẩn đoán và áp dụng phương pháp điều trị theo bác sĩ. Bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo người bệnh không nên vội vàng cho truyền dịch vì truyền dịch tại cơ sở không đảm bảo quy trình có thể nguy hiểm và bội nhiễm qua đường tiêm truyền.
Phòng chống sởi không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà cần cả cộng đồng
Hai vị khách mời tham gia tọa đàm khẳng định: Phòng chống sởi không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà cần cả cộng đồng.
Trong đó, các bác sĩ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine. Khi tỷ lệ tiêm chủng cao, sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người không thể tiêm vaccine (trẻ sơ sinh, người có bệnh nền). Tại Việt Nam, vaccine sởi là một phần quan trọng của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia.

Tiêm vaccine là phương pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Ảnh minh họa
Theo khuyến cáo, trẻ nhỏ cần được tiêm 2 mũi vắc xin sởi. Mũi đầu tiên tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi thứ hai tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Đảm bảo tiêm đủ 2 mũi sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ trẻ tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra. Đồng thời, có thể tiêm liều thứ 3 nhắc lại lúc 4-6 tuổi. Nếu tuân thủ đủ 3 liều, trẻ sẽ có miễn dịch bền vững đến suốt đời.
Ngoài tiêm chủng, để hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng, theo các bác sĩ, đầu tiên, cần tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh sởi, các triệu chứng điển hình và tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh đó, cần thực hiện vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay thường xuyên, lấy tay che chắn miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng…; ăn uống đầy đủ, khoa học để nâng cao thể chất, sức đề kháng; cách ly, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Khi có dịch thì phải truy vết, cách ly ca bệnh, giám sát ổ dịch chặt chẽ; nâng cao năng lực hệ thống y tế, luôn đảm bảo nguồn cung ứng vaccine
Đối với người mắc bệnh, để tránh lây nhiễm cho cộng đồng, cần: cách ly tại nhà hoặc trong phòng riêng, không ra ngoài, không tiếp xúc với người khác, thực hiện vệ sinh cá nhân nghiêm túc; thông báo cho cơ sở y tế hoặc bác sĩ về tình trạng bệnh của mình để được hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ trong việc theo dõi, phòng ngừa lây lan; thông báo cho người tiếp xúc gần: Thông báo cho những người đã tiếp xúc gần (người thân, bạn bè, đồng nghiệp) về việc mình mắc bệnh để họ có thể theo dõi sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, đặc biệt nếu họ chưa có miễn dịch với sởi.