Diêm dân xứ Nghệ: Nếu chiều trời đổ mưa là 'treo niêu'

27/07/2019 - 10:20
Làn da xạm đen vì nắng gió, bộ áo quần thấm đẫm mồ hôi phả ra mùi mặn chát, bà Hồ Thị Lan, trú ở xóm 5 (Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang rải cát trên ruộng muối than thở: "Năm nay mưa nắng thất thường, diêm dân làm muối khổ hết chỗ nói. Anh coi, công sức hai thân già này làm cả ngày, chiều trời lại đổ mưa thế là "treo niêu".
Giữa nắng hè đổ lửa, cái nắng ở độ gay gắt nhất của xứ Nghệ cũng là thời gian vào “đại mùa” làm muối. Rẽ từ Quốc lộ 1A ở  ngã tư Cầu Giát, đi theo hướng Quốc lộ 48B về phía biển chừng hơn 4 cây số là đến vùng muối xã Quỳnh Thuận, huyện  Quỳnh Lưu (Nghệ An). Trong tiết trời mưa nắng xập xìu, chúng tôi vẫn thấy những bóng dáng diêm dân đang cần mẫn trên những cánh đồng muối mênh mông. Ngập mình vào ngọn gió khô ráp là vị mặn mòi của biển quyện với hương vị từ những sạp hàng nước mắm, ruốc, cá khô,... kê sát đường phục vụ nhu cầu du khách phương xa về thăm.
 
Tuyến Quốc lộ 48B hiện nay đang được sửa sang, mở rộng hơn để phục vụ nhu cầu phát triển cao của nền kinh tế công nghiệp. Nhiều hộ xưa làm muối nay cũng đã chuyển sang làm dịch vụ, buôn bán bởi lao động nghề muối quá vất vả trong khi giá trị kinh tế thu lại chẳng được bao nhiêu. Đồng muối vì thế mà cũng dần vắng những người quẩy gánh muối trắng về kho mỗi chiều muộn.
 
 
9.PNG
Để có được những hạt muối trắng ngần như thế này, những diêm dân phải dầm mình cả ngày trong cái nắng 40 độ.
Một chiều mùa hè tháng 7, chúng tôi đến cánh đồng muối Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong cái nóng như đổ lửa ở vùng quê miền biển này. Chân trần bước đi trên nền đất bỏng rát của ngày hè, ông Thanh, một diêm dân chia sẻ: “Đặc thù nghề muối của chúng tôi là ‘nắng làm, mát nghỉ’ vì nắng càng to sản lượng muối thu về càng nhiều. Do vậy, những tháng hè thường là thời điểm làm muối chính của bà con, nhờ đó chúng tôi có được những hạt muối trắng, mặn mòi”.
 
Ấy vậy mà, diêm dân Quỳnh Thuận dù quanh đi quẩn lại trong ruộng muối nhưng chẳng bao giờ có của dư thừa. Đưa tay lên lau những giọt mồ hôi lăn dài trên trán in hằn những nếp nhăn tựa vết chân chim, ông Tiến (người làm muối Quỳnh Thuận) cho biết: “Có lẽ không có nghề nào tốn công sức mà thu nhập lại thấp như làm muối, nhưng nếu không làm nghề này, chúng tôi chẳng còn biết làm gì nữa. Hiện nay, trung bình mỗi phương muối (khoảng 20kg) có giá từ 17.000 đến 20.000 đồng. Làm chăm chỉ mỗi ngày cũng chỉ được 10 phương muối, thu được vỏn vẹn 200.000 đồng. Tuy nhiên, số ngày thời tiết thuận lợi như vậy không nhiều, chỉ kéo dài trong mấy tháng mùa hè”.
 
 
7.PNG
Đối với người dân nơi đây làm muối được xem là nghề chính
Dưới cái nóng hầm hập trên cánh đồng muối xứ biển Quỳnh, chị Bùi Thị Hoa đầm đìa mồ hôi trên tấm áo bạc phếch vì muối, cho biết: "Hôm nay trời không mưa, thu được vài tạ muối là ngày mai có gạo anh ạ!" Chị Hoa kể: Nghề muối bao nỗi gian truân không phải ai cũng biết. Khi trời nắng to, người ta nghỉ ngơi mình lại xách đồ nghề ra đồng muối, làm quần quật đến tối mịt mới về. Phương pháp làm muối của Quỳnh Thuận vẫn theo kiểu truyền thống, thủ công. Diêm dân phải ra đồng muối từ khi gà chưa gáy sáng giữa trưa hè nắng gắt, nhiệt độ lên tới 35-40 độ C, gió Lào quạt cho phờ phạc thì người làm muối vẫn phải ra đồng. Chiều về cả cánh đồng muối lại nhộn nhịp tiếng cười nói, tấp nập xe cút kít đưa muối về kho.
 
Trong ráng chiều đỏ thẫm, phía ruộng muối bên kia, ông Chu Văn Túy dáng người tiều tuỵ, gầy xanh đang liêu xiêu đẩy cát. Vuốt những giọt mồ hôi trên mặt, ông nói khẽ: "Thu muối vào kho xong, lại tranh thủ chuẩn bị đẩy cát. Làm đến khi trăng lên mới về anh ạ." Mấy năm nay ông Túy bệnh tật liên miên, khiến thân hình gầy quắt chỉ có 32 kg, nhưng ông vẫn đẩy cả tạ cát, gần gấp 3 trọng lượng cơ thể ông. 
 
Cũng tại miền biển này, chúng tôi tìm gặp bà Hồ Thị Lan, trú ở xóm 5 (Quỳnh Thuận) vì qua tìm hiểu được biết, bà Lan đã có tuổi nghề chạm mốc 50 năm. Bà cũng là một trong số những “lão diêm dân” đang bám trụ trên đồng muối vì nỗi lo sợ rằng nghề truyền thống sẽ bị từ bỏ trong nay mai. Làn da xạm đen vì nắng gió, cả bộ áo quần thấm đẫm mồ hôi phả ra mùi mặn chát đang rải cát trên ruộng muối, bà Lan than thở: Năm nay mưa nắng thất thường, diêm dân làm muối tụi tui khổ hết chỗ nói. Anh coi, công sức hai thân già này làm cả ngày, chiều trời lại đổ mưa thế là "treo niêu".
 
 
8.PNG
Nơi đây, đa phần những người lớn tuổi làm việc, bởi các thanh niên trai tráng chọn công việc khác nhẹ nhàng, có thu nhập cao hơn.
Nghề muối vốn là nghề nặng nhọc, chỉ phù hợp với sức vóc đàn ông, trai tráng. Thế nhưng ở Quỳnh Lưu, sự nặng nhọc ấy vẫn được dồn lên những bờ vai gầy gò của phụ nữ, trẻ em và cả người già. Vì thương những đứa con vất vả làm nghề muối, bà Lan dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cứ phải cố sức để làm muối. Trong cái gay gắt của nắng hè xứ Nghệ, uống vội cốc nước lẫn mồ hôi, chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện của bà...
 
Thời Pháp thuộc, những diêm dân ở Quỳnh Thuận đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân. Ông nội bà Lan là một trong những người tiên phong đưa ra yêu sách trong cuộc đấu tố diễn ra ở đình Tám Mái. “Dân ở vùng muối, cứ tầm 7 - 8 tuổi là đứa nào đứa nấy đều được đưa ra đồng muối, chúng giúp cha mẹ làm những việc vặt. Ngày đó, tôi thường được giao công việc vun muối lại thành đống vào mỗi buổi chiều. Hôm nào cũng thế, hễ thấy muối kết trắng sân là phải đi gom lại.
 
Về sau lớn dần lên, thay vì cào muối thì tôi dần được luyện cho các công việc khác. Từ cào đất ra phơi cho đến việc chở đất, gánh muối về kho. Cứ như vậy, vừa học hỏi vừa làm mà kinh nghiệm dần được đúc kết lại cho đến khi thành thục nghề” - bà Lan hào hứng kể: “Dùng đất làm muối là “gọi tắt” cho tiện, khi người ta dùng đất sét trong khâu lọc nước, quan trọng ở chạt lọc, nước muối có nồng độ cao sẽ được tách ra và gom vào ô chứa rồi mới đem lên sân phơi. Việc sử dụng đất khiến nồng độ muối trong nước thấp và lâu kết tinh hơn.
 
 
6.PNG
Bây giờ, thay vì dùng đất sét thì dùng bằng cát. Việc sử dụng cát biển tạo những mạch nhỏ dẫn nước biển vào sân phơi, đồng thời còn giúp cho nước thẩm thấu nhanh hơn, quá trình cô đặc muối từ nước biển hiệu quả hơn. Sau đó muối trong cát mới được lọc lại để đem lên sân. Phương pháp này có thể tạo ra diện tích lớn tối đa. Vì vậy thời kỳ “hoàng kim” của nghề muối được cho là bắt đầu từ khi chuyển sang phương pháp mới này; ước tính, sản lượng sản xuất mỗi năm đạt xấp xỉ hàng chục nghìn tấn, diện tích đồng muối Quỳnh Thuận được mở rộng đáng kể, có thời điểm đạt tới 130 - 140 ha.
 
Bà Lan chia sẻ: “Mỗi vòng đời muối kéo dài 7 ngày kể từ khi tháo nước vào ruộng đến khi thành hạt muối trắng tinh, một người phụ nữ như chúng tôi phải cõng hàng nghìn đời muối, mỗi ngày gánh trên vai hàng tấn muối”.
 
Khi những dòng chảy mồ hôi làm áo của họ ướt đầm đìa cũng là lúc họ nghỉ giải lao. Ấy thế nhưng, chưa ráo mồ hôi, mây đen đã kéo về chiều muộn, chân cao chân thấp, chúng tôi lại nhói lòng khi thấy bóng dáng những diêm dân đang liêu xiêu đẩy xe cút kít "chạy mưa" trên cánh đồng muối ở xứ muối Quỳnh Thuận này - những cơn mưa chiều "chết muối".
 
Chia tay làng muối, nhìn những đứa trẻ ngơ ngác chiều tối mà vẫn chưa thấy bố mẹ về, nhìn những khuôn mặt hốc hác vì ngày mùa mà lòng chúng tôi như mang một nỗi buồn sâu lắng. Chỉ mong sao có một ngày không xa, khi có dịp quay lại làng muối, được nhìn thấy nụ cười của những diêm dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm