"Điểm nóng" ma túy Đông Nam Á và quân bài chiêu mộ phụ nữ làm "người vận chuyển"

Nhu Thụy
04/01/2021 - 14:07
"Điểm nóng" ma túy Đông Nam Á và quân bài chiêu mộ phụ nữ làm "người vận chuyển"
Ngày nay, Đông Nam Á là "điểm nóng" buôn bán ma túy đá toàn cầu. Hàng chục nghìn phụ nữ đã bị lừa gạt cuốn vào đường dây buôn bán ma túy để rồi phải vướng vào lao lý.

Biến phụ nữ thành người vận chuyển ma túy

Chuyến bay từ Phnom Penh (Campuchia) tới Hong Kong (Trung Quốc) khi trời đã tối đen. Noor Yuni (tên nhân vật đã được đổi) làm thủ tục và lấy hành lý nhưng lập tức bị hải quan giữ lại. Hành lý của cô gái 21 tuổi người Indonesia được đưa vào máy quét an ninh và cô nhớ đã đồng ý cho họ khám xét. Cho tới khi nhân viên hải quan kiểm tra balo của cô và phát hiện các viên màu trắng giấu bên trong, Yuni mới biết mình bị lừa.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Yuni đã từng mơ ước vào đại học chuyên ngành kinh tế, nhưng phải từ bỏ để làm bồi bàn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Mẹ cô bị ốm và đồng lương công nhân xây dựng ít ỏi của bố không thể trang trải hết các chi phí. Yuni kể người phụ nữ lớn tuổi người Indonesia phụ trách tuyển dụng đã đưa cô tới hòn đảo gần đó để phỏng vấn. Tại đây, cô được thông báo sẽ bắt đầu công việc ở Campuchia và sếp của cô tên là Peter.

Nhiều giờ trước chuyến bay, sếp mới của Yuni đưa cho cô chiếc túi có khóa ở Phnom Penh. Cô nói rằng người đàn ông trung tuổi người Nigeria Peter khẳng định đó "chỉ là quần áo" và hứa trả cô 1.000 USD nếu giúp mang tới Hong Kong. Tuy nhiên, cô chưa từng gặp lại Peter sau đó. Sau khi chờ lấy hành lý gửi ở sân bay, cảnh sát đã bắt cô vì trong hành lý có những viên màu trắng là 2 kg ma túy đá với tổng giá trị 140.000 USD. 

Cô đã bị cảnh sát đưa tới nhà tù nữ Tai Lam, nơi có an ninh nghiêm ngặt ở Hong Kong. Yuni trở thành một trong hàng chục nghìn phụ nữ bị bắt trong cuộc chiến chống ma túy ở châu Á. Cô bị tình nghi buôn bán ma túy, tội danh phải lĩnh án tù chung thân ở thành phố này và có thể bị tử hình ở một số nơi khác trong khu vực. Cô thừa nhận mình quá ngốc khi không kiểm tra chiếc túi mà Peter đưa ở Phnom Penh. Tuy nhiên, việc không có dấu vân tay phía trong túi đã hỗ trợ cho tuyên bố cô không biết về số ma túy được cất bên trong.

Phụ nữ bị bắt giam vì buôn bán ma túy - Ảnh 1.

Phụ nữ bị bắt giam vì buôn bán ma túy

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), tổng giá trị của thị trường ma túy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên tới 61,4 tỷ USD. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng của các quốc gia đã bắt giữ lượng ma túy lớn kỷ lục, ước tính lên tới 120 tấn. Chỉ riêng khu vực Đông Nam Á, cảnh sát các nước đã phối hợp với các lực lượng khác phát hiện 11.215 trường hợp, bắt giữ 15.775 tội phạm và thu giữ 235kg heroin, gần 1,6 tấn ma túy tổng hợp và 850.000 viên thuốc, 113kg cần sa.

Bọn tội phạm buôn bán ma túy sử dụng các trang web trên mạng để tìm kiếm, tuyển lựa phụ nữ tại khu vực Đông Nam Á làm người vận chuyển ma túy cho chúng. Đối tượng mà chúng hướng tới là những phụ nữ độc thân trong độ tuổi từ 20-30 không có tiền án tiền sự, không có công ăn việc làm hoặc đang làm công việc bàn giấy, bán hàng và dịch vụ. Do nhẹ dạ, cả tin, nhiều phụ nữ vô tình bị cuốn vào vòng xoáy ma túy, hủy hoại cả đời mình trong lao tù. 

Cần hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân của đường dây ma túy

Yuni đã gặp ông John Wotherspoon, linh mục 73 tuổi người Hong Kong chuyên giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh như cô bằng cách chia sẻ câu chuyện của họ. Ông tìm hiểu câu chuyện của họ, qua đó lần ra manh mối về trùm ma túy đứng sau. Thậm chí ông còn tìm đến nhà của họ để tìm kiếm bằng chứng cho thấy họ vô tội.

chịu án oan về buôn bán ma túy - Ảnh 2.

Ông John Wotherspoon, linh mục ở Hong Kong, chuyên giúp người chịu án oan về buôn bán ma túy

Năm 2018, sau khi nghe câu chuyện của Yuni, Wotherspoon phát hiện kẻ buôn ma túy trong câu chuyện của cô có nhiều điểm tương đồng với kẻ đứng sau vụ án của May Lazarus, một người Indonesia khác cùng bị giam ở nhà tù này. "Khi tôi đưa Yuni xem bức ảnh của Peter, cô ấy suy sụp. Cô bật khóc trong giận dữ", ông kể. Năm đó, Wotherspoon bay tới Campuchia tìm Peter với hy vọng bí mật ghi lại việc anh ta thừa nhận lừa người Indonesia. Ông không thể tìm thấy Peter nhưng đã chia sẻ phát hiện của mình với cảnh sát Hong Kong và Campuchia, cũng như các đội pháp lý dành cho phụ nữ. "Tôi hy vọng có thể ngăn người khác bị lừa bằng cách công khai các trường hợp này", ông nói.

Tháng 12/2016, cô Lazarus cũng bị bắt ở sân bay quốc tế Hong Kong vì vận chuyển ma túy ở tuổi 21. Giới chức phát hiện 2,6 kg ma túy đá trong va li cô mang theo từ Abidjan, thành phố ở Bờ Biển Ngà. Hành trình của cô cũng bắt đầu từ Phnom Penh. Lúc đầu, Lazarus nhận tội buôn bán ma túy nhưng sau đó đã kháng cáo với hy vọng có thể sớm trở về với đứa con mới chập chững. Cô cho biết hỗ trợ pháp lý miễn phí ở Hong Kong cùng sự giúp đỡ của Wotherspoon đã tiếp thêm sức mạnh cho cô chống lại cáo buộc này.

Vì nhẹ dạ, nhiều phụ nữ Đông Nam Á phải trả giá đắt - Ảnh 3.

Vì nhẹ dạ, nhiều phụ nữ Đông Nam Á bị vướng vòng lao lý

Sau 2,5 năm ngồi tù, cô đã được trả tự do hồi tháng 6/2020 khi một phiên tòa xác nhận cô vô tội. 4 tháng sau, Lazarus trở lại Hong Kong làm nhân chứng cho Yuni, người sau đó cũng được thả tự do. Yuni đang cố gắng xây dựng cuộc sống mới.

Một hậu quả bị bỏ qua trong cuộc chiến chống ma túy ở châu Á là tác động quá lớn mà chúng gây ra đối với phụ nữ. Ngày nay, các nhà tù ở Đông và Đông Nam Á có tỷ lệ nữ tù nhân lớn nhất thế giới. Tại nhiều quốc gia, phần lớn số tù nhân nữ này bị bắt vì phạm tội liên quan tới ma túy như Thái Lan là 82% và Philippines là 53%. Theo bà Delphine Lourtau - Giám đốc điều hành Trung tâm về Án tử hình toàn cầu Cornell, bất bình đẳng giới xuất hiện ngày càng nhiều trong các vụ xét xử phụ nữ phạm tội ma túy. Họ khó có khả năng tiếp cận đại diện pháp lý hoặc bảo lãnh. Phụ nữ bị buộc tội buôn bán ma túy, phải nhận mức án dài hơn so với nam giới vì họ ít có thông tin về các thỏa thuận bào chữa. Còn bà Samantha Jeffries - Giảng viên cấp cao về tội phạm học tại Đại học Griffith (Australia) cho rằng, các vụ xét xử cũng ít xem xét tới các yếu tố giảm nhẹ như hoàn cảnh cá nhân như bị lợi dụng thông qua lừa đảo hẹn hò qua mạng.



Nguồn: Theo CNN, SCMP, tellerreport.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm