“Điểm tựa” mùa xuân của người lính biên phòng

Hải Linh
11/02/2024 - 21:05
“Điểm tựa” mùa xuân của người lính biên phòng

Bộ đội Đồn Biên phòng Si Ma Cai bền bỉ đi tuần tra, bảo vệ binh yên biên giới trong những ngày mọi nhà đón Tết

Khi các gia đình quây quần bên nhau đón mùa xuân mới, trong tâm sự của những người lính biên phòng tôi vừa gặp, “điểm tựa” mùa xuân của họ là cha mẹ, vợ con đang ở quê nhà. Đó chính động lực vững vàng nhất để họ vượt mọi khó khăn, kiên tâm bảo vệ bình yên biên giới.

"Biên giới cần các con, lúc nào được nghỉ phép thì về với mẹ"

Hương vị ngày xuân ở các trạm, chốt biên phòng - Đồn Biên phòng Si Ma Cai (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) như đậm sắc hơn bởi cái lạnh se sắt dưới 10 độ C. Mỗi sáng mở cửa ra là những vạt sương mù đặc quánh, mang theo hơi ẩm ướt như mưa phùn tràn vào phòng.

“Điểm tựa” mùa xuân của người lính biên phòng- Ảnh 1.

Biên giới Si Ma Cai mùa này chìm trong sương mù trắng xóa

Khi nhiều góc phố, gia đình đã rộn rã đón năm mới, Tổ công tác biên phòng Lù Dì Sán, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai như trầm lắng hơn, bởi một số anh em đi tuần tra biên giới chưa về. Những người trực ở nhà quây quần bên chiếc bàn gỗ nhỏ đơn sơ, nhâm nhi từng ngụm trà nóng xua bớt giá lạnh vùng biên. Chiếc bàn kê ở góc nhà bày mâm ngũ quả đầy màu sắc, phía trên tường treo ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc, cùng cành đào phai xinh xắn mang đầy sắc xuân biên giới.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Tuấn, nhân viên kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Si Ma Cai quê ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cười tươi đón khách. Khi vừa tròn 20 tuổi, với hoài bão tuổi trẻ, chàng trai khi ấy đã rời xa Thủ đô, khoác ba lô tình nguyện lên biên giới làm nhiệm vụ. Anh bảo: "Đến nay, 30 năm tôi bôn ba dọc ngang miền biên ải tỉnh Lào Cai, đóng quân ở nhiều Đồn biên phòng, nên chuyện đón Tết xa nhà đã như thói quen".

“Điểm tựa” mùa xuân của người lính biên phòng- Ảnh 2.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Tuấn, người lính biên phòng quê ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã có 30 năm gắn bó với miền biên ải tỉnh Lào Cai

"3 năm gần đây, tôi đều ở lại đơn vị trực Tết cùng anh em. Lần về thăm nhà gần nhất cũng đã trôi qua nửa năm. Bố tôi nay đã 82 tuổi, mẹ 76 tuổi, đều đã ở tuổi "xưa nay hiếm", những năm Tết vắng nhà, tôi thương bố mẹ, cũng nhớ da diết mùi vị quê nhà ngày Tết. Lần nào gọi điện chúc Tết bố mẹ, kể cả có lúc đau yếu, mẹ vẫn bảo: "Mẹ không sao, mẹ ở nhà vẫn ổn. Con cứ yên tâm làm nhiệm vụ, biên giới cần các con, lúc nào được nghỉ phép thì về với mẹ" - Thiếu tá Nguyễn Hồng Tuấn nghẹn ngào kể.

Ngoài có sự động viên của bố mẹ, giọng Thiếu tá Nguyễn Hồng Tuấn còn đầy tự hào, trìu mến khi nhắc về vợ và 2 con ở quê nhà. Vợ anh Tuấn là giáo viên tiểu học, chị có bệnh nền bẩm sinh nên sức khỏe yếu. Dù vậy, vì là vợ của bộ đội biên phòng, chị phải kiên cường vượt qua tất cả khó khăn của bản thân, thay chồng chăm sóc bố mẹ già hai bên nội - ngoại, nuôi dạy các con học hành giỏi giang. Anh Tuấn bộc bạch: "Đời lính của tôi rất may khi có bố mẹ, có vợ con làm hậu phương vững chắc, động viên, tạo động lực giúp tôi hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tết năm nào được về với gia đình, đó là cái Tết sum vầy, hạnh phúc và đáng nhớ nhất trong đời lính chúng tôi".

Mỗi dịp ăn Tết xa nhà, tôi lại thương nhớ mẹ nhiều hơn

Cũng như anh Tuấn, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khởi, Tổ trưởng Tổ công tác Lù Dì Sán, quê ở Hải Phòng cũng có 3 cái Tết gần nhất vắng nhà. Anh tâm sự: "Bố tôi mất rồi, chỉ còn mẹ già đã  80 tuổi. Mỗi dịp đón Tết xa nhà, tôi lại thương nhớ mẹ nhiều hơn.

“Điểm tựa” mùa xuân của người lính biên phòng- Ảnh 3.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Khởi, Tổ trưởng Tổ công tác Lù Dì Sán (bên phải) dặn dò cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ trong dịp Tết

Rất may bây giờ có điện thoại thông minh, mạng wifi ở đơn vị cũng ổn, nên mỗi lúc hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi có thể hỏi thăm mẹ ở quê, chia sẻ mọi việc gia đình với vợ con. Cả nhà dù ăn Tết ở 2 nơi, nhưng vẫn thấy nụ cười và không khí Tết của gia đình, của đơn vị nơi  tôi công tác, nên cũng vơi bớt phần nào nỗi nhớ thương nhau".

Ở Hải Phòng, vợ anh Khởi làm nghề tự do, con trai lớn vừa đi nghĩa vụ công an về, hiện đang làm nghề riêng ở nhà, cô con gái nhỏ học trường Đại học Y Hải Phòng. Anh bảo: "Những năm vắng nhà, tôi vẫn gọi điện động viên gia đình. Dù tôi không về Tết, nhưng vợ con vẫn cùng gia đình nhà nội, ngoại hai bên đón Tết vui vẻ, dường như đã quen với việc tôi vắng nhà".

"Có năm tôi cũng như nhiều anh em nhận được thông báo Chỉ huy Đồn cho nghỉ phép về ăn Tết, nhưng gần đến ngày về, đơn vị lại có nhiệm vụ đột xuất. Dẫu nhớ mẹ già, thương vợ con, nhưng tôi là Tổ trưởng, trước tiên phải gương mẫu, vui vẻ ở lại trực Tết cùng anh em. Đợi khi được nghỉ phép, sẽ lại về thăm quê nhà" – Thiếu tá Khởi cho biết.

“Điểm tựa” mùa xuân của người lính biên phòng- Ảnh 4.

Nơi nào có bóng áo xanh biên phòng, nơi ấy bà con có một niềm tin yêu gửi gắm, yên tâm đón một mùa xuân đầy ắp tình quân – dân

Theo Thiếu tá Khởi, các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép về Việt Nam dịp trước và trong Tết thường xuyên hơn. Anh chia sẻ: "Những đối tượng này đa số là người địa phương khác, nhưng bị xúi giục, mua chuộc chở pháo lậu hoặc các đồ nhập khẩu trái phép qua biên giới về Việt Nam tiêu thụ dịp Tết. Dù thời tiết có lúc xuống 1 – 2 độ C, mưa dầm rất buốt giá, nhưng Tổ công tác Lù Dì Sán vẫn thay phiên nhau tuần tra khép kín đường biên 24/24h, không để các đối tượng vi phạm xuất nhập cảnh trái phép, mang pháo lậu hay hàng trái pháp luật về Việt Nam, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của người dân".

Anh Khởi cho biết thêm: "Chỉ trong tháng Chạp, Tổ công tác chúng tôi bắt gần 10 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới về Việt Nam".

Gác lại nỗi nhớ cha mẹ sang một bên để cống hiến cho Tổ quốc

Nhân lúc trời tan bớt sương mù, Trung úy Thào Xuân Tráng (SN 2000), quê ở Lào Cai ra vườn hái rau chuẩn bị cho bữa tối của Tổ công tác Lù Dì Sán. Hơn 2 năm làm nhiệm vụ ở biên giới, Tráng khá chững trạc, rắn rỏi hơn so với độ tuổi của mình. Tráng bảo, từ nhỏ đã yêu thích màu xanh áo lính, nên quyết tâm học giỏi để thi đỗ vào Học viện Biên phòng (năm 2018). Ra trường, Tráng được điều động về Đồn Si Mai Cai cho đến bây giờ.

“Điểm tựa” mùa xuân của người lính biên phòng- Ảnh 5.

Trung úy Thào Xuân Tráng xung phong trực thêm một cái Tết thứ hai ở đơn vị với anh em

Trung úy Tráng là anh lớn trong gia đình, sau Tráng là là 2 em còn nhỏ sống cùng ông bà nội và bố mẹ của Tráng. Bố mẹ Tráng làm nông nghiệp, gia cảnh còn khó khăn, nhưng luôn tự hào với hàng xóm vì con trai là bộ đội biên phòng.

"Nhà em cách Đồn Biên phòng hơn 30 km. Năm ngoái em không về ăn Tết, năm nay vẫn xung phong ở lại đơn vị, tạo điều kiện cho các đồng đội nhà xa hơn về đón Tết với gia đình" – Trung úy Thào Xuân Tráng cho biết.

Thêm một cái Tết vắng nhà, không làm tinh thần Tráng xao động. Tráng cười bảo: "Ông bà, bố mẹ và các em đều đã quen với việc em vắng nhà ngày Tết. Khi còn ở Học viện Biên phòng, chỉ có năm đầu tiên em về dịp Tết, năm thứ 2 và năm thứ 3, em phải tăng cường ở biên giới Tây Nam chống dịch Covid-19. Năm cuối ở Học viện em mới về quê đón Tết cùng gia đình. Từ lúc ra trường đến nay, hơn 2 năm lên biên giới nhận nhiệm vụ, em vẫn muốn ở lại trực Tết cùng anh em".

“Điểm tựa” mùa xuân của người lính biên phòng- Ảnh 6.

Cán bộ biên phòng Đồn Si Ma đến chia sẻ, chúc Tết bà con dân bản

"Hết ca trực, cũng là lúc giao thừa đã qua, em mới gọi điện về chúc Tết gia đình. Cả nhà thấy đơn vị cũng có mâm ngũ quả, bánh chưng, cành đào Tết, các anh em vui vẻ quây quần, nên gia đình em cũng yên tâm. Bố mẹ chỉ dặn dò, con trai đã nhận nhiệm vụ của Tổ quốc thì phải làm thật tốt, có trách nhiệm tham gia bảo vệ bình yên cho quê hương, đất nước" – Trung úy Tráng kể.

"Ai cũng có gia đình, ngày Tết nếu không thể về đều rất nhớ nhà, nhưng em là lính trẻ, chưa có gia đình riêng, nên phải biết gác lại nỗi nhớ cha mẹ sang một bên, để cống hiến cho Tổ quốc" - Trung úy Tráng cười tươi nói.

Tôi vẫn nhớ tâm sự của người sĩ quan biên phòng trên đường đi tuần tra cột mốc hôm ấy kể: "Có lần, chúng tôi đi tuần tra ngày Tết, bắt gặp những khoảnh khắc mùa xuân biên giới với lác đác cây đào rừng, hoa mận trắng, những vạt hoa cải vàng rộ trên nương khiến anh em rất hào hứng. Vậy mà phút dừng chân ở lưng chừng núi, chợt thấy ngọn khói lam chiều bay lên từ nóc nhà dân bản, tôi bỗng da diết nhớ nhà, rồi chợt nghĩ: Mọi nhà đang đón Tết sum vầy, còn mình đang cùng đồng đội đi tuần tra biên giới… Cảm xúc chợt đến, cũng chợt đi rất nhanh. Anh em lại động viên nhau, tiếp tục hành quân bảo vệ vững chắc biên giới".

“Điểm tựa” mùa xuân của người lính biên phòng- Ảnh 7.

Dẫu thời tiết se sắt trong cái lạnh đầu năm, bóng những người lính biên phòng đi tuần tra địa bàn, đường biên, cột mốc, hay đến từng nhà dân để sẻ chia tâm tình ngày Tết vẫn bền bỉ mỗi ngày

Mùa xuân biên giới bao giờ cũng đẹp đến nao lòng. Con sông Chảy – ranh giới giữa nước bạn và Việt Nam như in vào bầu trời mùa xuân biên ải một dải lụa màu xanh thăm thẳm. Trái với không khí náo nhiệt, cờ hoa rực rỡ ở thành phố, biên giới Si Ma Cai lúc này là sự bình yên vốn có. Dẫu thời tiết se sắt trong cái lạnh đầu năm, bóng những người lính biên phòng đi tuần tra địa bàn, đường biên, cột mốc, hay đến từng nhà dân để sẻ chia tâm tình ngày Tết vẫn bền bỉ mỗi ngày. Như sự tin yêu của người dân thôn bản - bất cứ nơi nào có bóng áo xanh biên phòng, nơi ấy bà con có một niềm tin yêu gửi gắm, yên tâm đón một mùa xuân đầy ắp tình quân – dân ở vùng biên giới Tây Bắc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm