Điện Biên: Nâng cao kỹ năng phòng, chống mua bán người

Lan Hương
07/04/2023 - 21:09
Điện Biên: Nâng cao kỹ năng phòng, chống mua bán người

Thành lập mô hình "Phòng, chống mua bán người tại xã Xa Dung (Điện Biên Đông, Điện Biên)

Trong những năm qua, tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức như: Tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn cả nam giới và trẻ sơ sinh. 

Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai... Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (chiếm 90%) thường tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nguyên nhân chủ yếu khiến nạn nhân rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người là do đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết.

Bộ Công an cho hay để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để tội phạm hoạt động.

Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Đặc biệt, người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

Người dân cũng nên cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. "Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa" - Bộ Công an khuyến cáo.

Nâng cao kỹ năng phòng, chống mua bán người - Ảnh 1.

Truyền thông về phòng chống mua bản người tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên)

Ngoài ra, Bộ Công an cũng nhấn mạnh việc cần thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán.

Một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.

Theo Bộ Công an, dưới góc độ quản lý, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhất là tập trung vào nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân để có các biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Nội dung tập trung tuyên truyền chủ yếu là chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa phát hiện… để nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Về phía nhà trường, các cơ sở giáo dục cần quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học; phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống mua bán người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm