Điện Biên: Tăng cường đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số toàn diện

Ngọc Ánh
22/07/2025 - 14:00
Điện Biên: Tăng cường đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số toàn diện

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiểm tra vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Điện Biên Phủ.

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh Điện Biên đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương phát triển bền vững dựa trên nền tảng vững chắc của khoa học - công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số (CĐS).

Hiện đại hóa hạ tầng số

Những năm gần đây, Điện Biên đã đạt được những chuyển biến tích cực trong việc phát triển hạ tầng số, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển đồng bộ và hiệu quả. Tỉnh luôn coi trọng nhiệm vụ phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số và công nghệ số, tuân thủ nguyên tắc "Hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí".

Đầu tư vào hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin được chú trọng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 1.090 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS), trong đó 1.052 vị trí có phủ sóng 4G và 38 vị trí có phủ sóng 5G.

Tổng số thuê bao điện thoại di động ước đạt gần 500.000 thuê bao, tương đương 78 thuê bao di động/100 dân. Sóng thông tin di động 4G đã phủ đến 100% trung tâm cấp xã và gần 95% khu vực có dân cư sinh sống, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin cho đại đa số người dân.

Về hạ tầng truyền dẫn, toàn tỉnh có 740 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 3.580km. Hạ tầng cáp quang đã vươn tới 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và trên 83% thôn/bản.

Điện Biên: Tăng cường đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số toàn diện- Ảnh 1.

Ki ốt dịch vụ công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Thanh Nưa (tỉnh Điện Biên) giúp rút ngắn thời gian của người dân khi đến làm thủ tục hành chính.

Tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định đạt trên 76.000 thuê bao, với tỷ lệ 54% hộ gia đình có kết nối Internet và tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 72%. Những con số này minh chứng cho sự nỗ lực của Điện Biên trong việc phổ cập Internet, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin và dịch vụ số.

Hạ tầng số của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng được đầu tư đồng bộ, đảm bảo hoạt động phục vụ phát triển chính quyền số, thông suốt giữa các cấp chính quyền. Đáng chú ý, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở đã kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Trung tâm dữ liệu của tỉnh được triển khai theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, là nền tảng hạ tầng quản lý tập trung, đồng bộ, thống nhất, đảm bảo an toàn an ninh thông tin, phục vụ hiệu quả các phần mềm và nền tảng dùng chung của tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và cung cấp dịch vụ công

Một bộ máy tinh gọn không thể vận hành hiệu quả nếu thiếu ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và cung cấp dịch vụ công. Nhận thức rõ điều này, cùng với việc tổ chức lại bộ máy, các địa phương tại Điện Biên đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ cán bộ.

Theo báo cáo, 100% cơ quan Nhà nước các cấp đều sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 98%, cho thấy mức độ số hóa cao trong hoạt động công vụ. Ngoài ra, 100% cán bộ, công chức đã được cấp tài khoản thư điện tử công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và thực hiện nhiệm vụ.

Điện Biên: Tăng cường đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số toàn diện- Ảnh 2.

Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Điện Biên được đưa vào vận hành từ năm 2023.

Đặc biệt, 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ một phần hoặc toàn trình và được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu thời gian, chi phí và công sức.

Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện đạt trên 90%, cấp xã trên 80%. Tỷ lệ TTHC được triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống của tỉnh đạt 100%, với tỷ lệ TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 89,06% và tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 64,4%. Những con số này thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của Điện Biên trong việc số hóa và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ

Bên cạnh việc đẩy mạnh hạ tầng và chính quyền số, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm phát triển hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trong đó có Dự án đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm Khoa học và Đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; dự án xây dựng phòng thí nghiệm, thử nghiệm và thực nghiệm công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng, hoàn thiện Cổng dữ liệu mở, các cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu ngành, làm nền tảng cho việc triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong các lĩnh vực.

Việc triển khai nền tảng công nghệ thành phố thông minh (IOC) bao gồm cơ sở hạ tầng, trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh; thiết bị và phần mềm họp không giấy tờ; phần mềm phản ánh hiện trường; hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng; phần mềm quản lý Camera… IOC tỉnh đã kết nối thử nghiệm thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo tiền đề cho việc xây dựng một thành phố thông minh toàn diện.

Điện Biên cũng đặc biệt chú trọng hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn nhằm hỗ trợ chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh thông qua cơ chế ưu đãi đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp số, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo từ khu vực tư nhân.

Ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên

Điện Biên đã hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các lĩnh vực ưu tiên như du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp.

Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh đã triển khai dùng thử phần mềm du lịch thông minh "Cổng du lịch thông minh tỉnh Điện Biên" nhằm hình thành hệ sinh thái du lịch, tạo lợi ích tương hỗ giữa du khách, chính quyền và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành du lịch chất lượng cao.

Điện Biên: Tăng cường đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số toàn diện- Ảnh 3.

Nhân viên ở điểm di tích đồi A1 hướng dẫn khách tham quan sử dụng phần mềm thu phí điện tử.

Đối với lĩnh vực y tế, Điện Biên đã trang bị đầu quét mã QR-code trên CCCD cho 139/139 cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện, xã với tổng số 173 thiết bị. 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh, tiêm chủng, HIV... giúp nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ y tế.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã triển khai thực hiện hệ thống quan trắc, thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, phục vụ công tác ứng phó phòng ngừa thiên tai; phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRM... Những ứng dụng này góp phần nâng cao khả năng quản lý tài nguyên, phòng chống thiên tai và phát triển nông nghiệp bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm