Điều gì xảy ra khi sếp ít tuổi hơn nhân viên?

Bích Loan
19/09/2022 - 14:59
Điều gì xảy ra khi sếp ít tuổi hơn nhân viên?
"Làm việc với leader là người nhỏ tuổi hơn, mình tin tưởng họ vì sự nhiệt huyết thay vì năng lực..."

Sinh ra là đã người "bản địa số", thế hệ dân văn phòng trẻ tuổi bây giờ có nhiều tài năng và đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả thị trường lao động mà bất cứ thế hệ nào cũng phải công nhận.

Hơn nữa, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng người trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, dự kiến sẽ đóng góp vào 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam, và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước. 

Với số lượng nhân sự trẻ đông đảo hiện nay cộng với năng lực cao, không khó để thấy họ đang ngồi ở các cấp bậc quản lý trong nhiều công ty lớn nhỏ. Vì "tuổi đời, tuổi nghề" còn khá nhỏ và là thế hệ được nuôi dưỡng trong một môi trường khác với các thế hệ trước, ít có sự tương đồng,... không biết khi một người nhỏ tuổi làm lãnh đạo của những người lớn tuổi hơn mình sẽ sinh ra sự tình gì?

Điều gì xảy ra khi sếp lại nhỏ tuổi hơn nhân viên? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Pexels

 Khi cần góp ý, dù nóng lòng nhưng phải kiên nhẫn lựa lời

Chị Thúy Phan, 24 tuổi, hiện đang làm việc ở cấp bậc quản lý của một công ty thương mại điện tử cho hay: "Cá nhân mình nhận thấy, khi quản lý các bạn nhỏ tuổi hơn thì họ sẽ lắng nghe cấp trên khi giao "task" xuống, nếu deadline gấp cũng sẵn sàng chạy kịp tiến độ. Nhưng một số anh/chị khi giao task lại khá ngại nhận deadline gấp, trình bày nhiều lý do để dời task. 

Đối với nhân sự lớn tuổi hơn khi đóng góp ý kiến mình phải lựa ngôn từ giao tiếp khéo léo nhất để tránh làm đối phương khó xử, không thể nói chuyện thẳng thắn, thoải mái như những nhân viên bằng tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn được. Chính vì có một số người thường có tâm lý họ lớn tuổi hơn nên sẽ có nhiều kinh nghiệm, biết nhiều hơn và hiểu rõ đâu là đúng đâu là sai. Họ sẽ khó nhìn nhận góp ý của mình một cách tích cực."

Điều gì xảy ra khi sếp lại nhỏ tuổi hơn nhân viên? - Ảnh 2.

Chị Thuỳ Trâm

Về các khó khăn và cách để làm việc được với nhân sự lớn tuổi hơn mình, chị Thuỳ Trâm - hiện là quản lý về nội dung truyền thông của một công ty tại TPHCM tiết lộ: "Thông thường mình luôn tìm hiểu về đồng nghiệp trước khi bắt đầu làm việc cùng, đối với nhân viên team mình khi biết bạn ấy lớn hơn không quá nhiều tuổi, mình thường xưng hô bằng tên gọi và tránh việc đề cập đến tuổi tác để thoải mái hơn trong việc góp ý kiến hay khiển trách deadline, công việc. 

Tuy nhiên, với anh/chị lớn tuổi hơn nhiều thì khó khăn duy nhất là mình phải giữ đúng chuẩn mực kể cả khi đang nóng lòng vì công việc không đúng ý, luôn phải kiềm chế cảm xúc khi cần đóng góp ý kiến với họ. Bên cạnh đó, một vài lần mình buộc phải thông cảm khi tiến độ công việc không đúng deadline vì lý do gia đình, con cái,... cũng khiến mình cảm thấy khó hoà hợp."

Vậy một người lớn tuổi như anh Trung Kiên khi làm việc với quản lý nhỏ hơn mình cả chục tuổi thấy trở ngại gì trong việc giao tiếp?

"Mình thuộc thế hệ 8X nhưng từng làm việc khá nhiều với các bạn leader thế hệ 9X cũng như Gen Z. Sau vài năm, mình nhận thấy khi làm việc với các leader nhỏ tuổi hơn thì có hai trở ngại thường gặp. Thứ nhất là mình thường để leader chủ động trong việc nêu vấn đề mà ít khi phản biện hoặc mở rộng nội dung câu chuyện. Thứ hai, khi gặp phải vấn đề trong công việc thì mình thường xử lý theo kinh nghiệm bản thân, có thể không sai nhưng đôi lúc không phù hợp với cách làm việc chung của họ nên dẫn đến công việc không trôi chảy."

Được tín nhiệm giữ vị trí quản lý, vẫn cần chứng minh năng lực

Anh Thanh Giang, 28 tuổi - nhân viên thiết kế đang làm việc với một bạn quản lý Marketing còn khá trẻ cho hay: "Một phần mình nghe bạn quản lý nhỏ tuổi hơn giao việc là do mình tin tưởng chị founder của công ty. Cá nhân mình thấy bạn ấy chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để góp ý/đưa ra các yêu cầu trong task mà mình được giao. Dần dần làm việc cùng nhau, mình cảm nhận bạn vô cùng tôn trọng mình, luôn hỏi ý kiến mình thấy phải làm như thế nào mới hợp lý đối với task đó, còn để mình tự do quyết định cách sáng tạo trong thiết kế... Nên teamwork khá thuận lợi, mình cũng không quan tâm kiến thức chuyên môn bạn có đủ hay không."

Điều gì xảy ra khi sếp lại nhỏ tuổi hơn nhân viên? - Ảnh 3.

Anh Ken Hoàng Huy

"Hoài nghi vốn dĩ là "phản xạ tự nhiên" đến trong trường hợp khi người ta phải đối diện với một điều gì đó hơi khác biệt, vì chính mình lần đầu làm quản lý cũng có những lo lắng riêng. Mình thấy cách hiệu quả nhất để xua tan những lo lắng, nghi ngờ đó là việc lao vào hành động. Việc quản lý đối với mình là câu chuyện tương tác liên tục, không giới hạn cùng với nhân viên của mình, không chỉ là người lập kế hoạch, nghiệm thu kết quả mà còn trực tiếp đưa giải pháp ngay lập tức khi đội nhóm đang gặp khó, việc hướng toàn bộ nhân sự đi đúng hướng theo mình là một điểm cộng để củng cố niềm tin của mọi người.

Mình luôn tôn trọng quan điểm cá nhân của nhân viên cấp dưới song song đó là chứng minh năng lực bản thân, những điểm mạnh thông qua việc hoàn thành đúng deadline và làm thật sự tốt có thể vượt target, thể hiện những điểm mạnh mà các quản lý khác họ chưa có để nhận được sự tin tưởng của nhân sự lớn tuổi hơn và team." - Anh Ken Hoàng Huy, 24 tuổi, quản lý trong một công ty truyền thông tại TPHCM.

Anh Trung Kiên chia sẻ mình cảm thấy tin tưởng leader nhỏ tuổi chính vì sự nhiệt tình và nhiệt huyết của họ dành cho công việc. "Có những leader sẵn sàng trao đổi công việc trong nhóm chat hoặc với từng cá nhân đến 1, 2 giờ sáng là rất bình thường khi có những dự án cần thực hiện gấp. Ngoài ra, leader nhỏ tuổi bây giờ đa số đều là những người có trình độ rất giỏi nên làm việc với họ cũng giúp tôi biết thêm được nhiều kiến thức mới mẻ, thú vị và bổ ích."

Vì là một "sếp" thuộc thế hệ có cái tôi cao, vội vàng và áp lực thành công sớm

"Không phải chỉ những bạn quản lý còn non kinh nghiệm mới có cái tôi cao, tính tình đôi lúc nóng nảy và thiếu khéo léo, điều này tuỳ thuộc vào phẩm chất của mỗi người. Nhưng nếu leader là người nhỏ tuổi hơn mình, tỏ thái độ tiêu cực "quá đà" khi góp ý hay chất lượng công việc đi sai mong muốn, mình đôi lúc cảm thấy không được nể trọng và khó chịu đựng được họ như lắng nghe các leader lớn tuổi hơn mình..." - Anh Thanh Giang.

Điều gì xảy ra khi sếp lại nhỏ tuổi hơn nhân viên? - Ảnh 4.

Anh Ken Hoàng Huy

Anh Ken Hoàng Huy: "Khi được mọi người tín nhiệm, thời gian đầu sẽ là giai đoạn còn có nhiều vấn đề, nhưng sau một quá trình làm việc với nhiều lứa tuổi, mình nhận thấy việc khó khăn nhất đó chính là "cân bằng cảm xúc". Việc một người leader phải thấu hiểu, bình tĩnh, giải quyết mọi vấn đề một cách khéo léo nhất là một bài học lâu dài cho mình nếu muốn ở vị trí này và đặc biệt quan trọng trong việc quản trị con người - ở đây còn là nhân viên lớn tuổi hơn.

Có thể nói mình là 1 workaholic - mình yêu và dành phần lớn thời gian cho công việc nên mình có yêu cầu khá khắt khe trong công việc với nhân viên, khối lượng việc nhiều, cần tức thời và chính xác. Và dĩ nhiên, không phải toàn bộ nhân viên đều có thể đáp ứng được. Khi mới trở thành "sếp" thời gian đầu, mình khá không kiên nhẫn, không biết cảm thông cho những vấn đề cá nhân và xảy ra những tình huống thiếu kết nối với nhân viên. 

Sau này mình dành nhiều thời gian hơn để thấu hiểu, quan tâm và tôn trọng quan điểm cá nhân để mối quan hệ giữa hai bên có sự kết nối mật thiết hơn. Bây giờ ngoài những người cộng sự tốt, mình còn có cả những người bạn lớn tuổi ở ngoài đời khá ăn ý."

Điều gì xảy ra khi sếp lại nhỏ tuổi hơn nhân viên? - Ảnh 5.

Chị Thuý Phan

"Mình thừa nhận mình là một người đôi khi vội vàng, nóng nảy và chịu nhiều áp lực về thành công sớm. Điều này rất ảnh hưởng đến công việc của mình vì đôi khi vội vàng, nóng nảy đã dẫn đến những quyết định sai lầm trong thời điểm lúc ấy hay có cách cư xử không được tốt với đồng nghiệp và cấp dưới của mình. Chính sự áp lực thành công làm mình tìm mọi cách để đạt được điều mà mình mong muốn nhanh nhất có thể mà đôi khi quên mất cái gì ở hiện tại. 

Hiện tại mình biết cách điều tiết hơn khi dừng lại lúc đang mất bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc bằng cách học hít thở, tự kiểm tra lại quan điểm của bản thân và nhận lời khuyên, góp ý của những người xung quanh" - Chị Thuý Phan.

Sự "đổi vai" tạo nhiệt trong công việc

"Khi làm quản lý trong 1 đội nhóm có hai thế hệ lứa tuổi, mình thấy thú vị. Anh chị lớn có cái nhìn bao quát bởi kinh nghiệm vốn có kết hợp cùng với sự táo bạo, đầy lửa của một người trẻ tuổi như mình sẽ cho ra nhiều ý tưởng, dự án hay ho." - Anh Ken Hoàng Huy.

Điều gì xảy ra khi sếp lại nhỏ tuổi hơn nhân viên? - Ảnh 6.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Pexels

Chị Thuỳ Trâm: "Anh/chị lớn tuổi mà mình làm việc cùng rất thận trọng, lý trí và quyết đoán. Nếu chúng mình ngay lập tức lên mạng tìm hiểu về những gạch đầu dòng được brief, thì anh chị thế hệ lớn tuổi hơn sẽ cẩn thận suy nghĩ về tính hợp lý của yêu cầu, giá trị nhận được là gì và có điều gì cần thay đổi, gần như họ sẽ chú trọng tìm kiếm, phân tích và giải đáp vấn đề trước. Đồng thời khi làm việc cùng tụi nhỏ chúng mình, anh chị có xu hướng tự học, tìm tòi thông tin và áp dụng vào thực tế công việc để hoà hợp rất tốt."

Chính anh Trung Kiên cũng thừa nhận sự đổi vai, cấp bậc không theo độ tuổi này khi cọ nhiệt rất tốt: "So cách làm việc của thế hệ mình và các em nhỏ tuổi bây giờ, tôi thấy sự khác biệt lớn nhất đó là sự quyết tâm và hăng say với công việc. Như mình cảm thấy tương đối ổn định với công việc mà mình lựa chọn, và phần nào xem đó như một công việc phải làm để có thu nhập lo cho bản thân, gia đình thôi. Trong khi đó các leader trẻ tuổi đều là những người trẻ trung, có tài năng và khát khao chứng tỏ bản thân rất lớn. Chính vì vậy nên sự nhiệt tình dành cho công việc ở những người này là vô cùng cao.

Mặc dù làm việc cùng leader lớn tuổi hơn thì những vấn đề mình chưa hiểu, những tình huống phát sinh trong mảng công việc đó thì các leader lớn tuổi đều đã trải qua nên câu trả lời của họ trọng tâm hơn, làm việc với họ cảm giác rất yên tâm. Nhưng làm việc cùng các leader nhỏ tuổi sẽ bị sự nhiệt tình của các bạn ảnh hưởng, muốn lười cũng khó lười được."

Điều gì xảy ra khi sếp lại nhỏ tuổi hơn nhân viên? - Ảnh 7.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Pexels

Khi đi làm thì dù tuổi tác chỉ là con số, đồng nghiệp sẽ làm việc với nhau căn cứ vào vị trí, trách nhiệm và đánh giá nhau dựa trên thái độ, năng lực làm việc. Ngoài ra dẫu dân văn phòng thế hệ trước và nay có khác biệt về tính cách từ ảnh hưởng môi trường sống, nhưng trong văn phòng hiện tại phần lớn là người trẻ thì những người nhiều năm đi làm cũng rất dễ để hoà nhập và ảnh hưởng quan điểm làm việc mới từ họ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm