"Làm văn phòng cứ đúng giờ hành chính là về, không phải cứ tăng ca là sẽ hiệu quả!"

TRANG MINT - THIẾT KẾ: HOÀNG SƠN
08/09/2022 - 11:25
"Làm văn phòng cứ đúng giờ hành chính là về, không phải cứ tăng ca là sẽ hiệu quả!"
Đó là suy nghĩ của một số dân công sở trước xu hướng "nghỉ việc trong im lặng".

Không tăng ca bằng tình nghĩa

"Sau khi ra trường, tôi lựa chọn làm freelance (làm việc tự do) khoảng 1 năm. Khi sắp xếp được thời gian làm tự do vào buổi tối, tôi nhận thêm công việc toàn thời gian khác vào ban ngày. Và công việc đó kéo dài được 1,5 tháng.

Ban đầu, tôi cảm thấy mình may mắn vì trúng tuyển vào một công ty lớn ở tỉnh. Theo chính sách của công ty, không cần bấm thẻ ra vào, không quy định giờ giấc. Mặc dù công ty có thông báo, giờ làm việc kéo dài 8 tiếng từ 7h-17h. Nhưng luôn có người đi sớm, có người đi muộn, và chiều thì không bao giờ về đúng giờ.

Làm văn phòng cứ đúng giờ hành chính là về, không phải cứ tăng ca là sẽ hiệu quả! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đi làm được một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu việc này. Có những ngày, 16h45 tôi đã hoàn thành công việc trong ngày, nhưng đùng cái, sếp lại giao việc để bắt tôi tăng ca. Ảnh hưởng đến việc dạy thêm của tôi sau giờ làm, cũng như đảo lộn cuộc sống của tôi sau đó.

Giờ nghỉ trưa cũng nhắn tin, giao việc rồi giục làm. Nếu tôi không cập nhật ngay thì sẽ bị sếp nói là không tập trung. Trong quá trình làm việc, tôi đều phải tự tìm hiểu và không nhận được sự chỉ bảo hay giúp đỡ, đôi khi sếp còn nói với tôi: "Đây là doanh nghiệp chứ không phải là nhà tình thương." 

Khoảnh khắc đó, thực sự tôi thấy chạnh lòng. Rất nhiều lần phát sinh việc ngoài giờ, bất chấp thời gian và địa điểm, thậm chí là cả cuối tuần. Lại còn trễ lương, và quy định không có phép năm cho nhân viên. Chính điều này đã khiến tôi chán nản và có suy nghĩ nghỉ việc nhiều lần. Mặc dù thời gian đầu, tôi được đánh giá cao về hiệu quả công việc, tôi cũng lấy đó làm niềm vui và động lực đi làm mỗi ngày. Nhưng cứ phát sinh việc ngoài giờ miết, mà không có trợ cấp tăng ca, khiến tôi kiệt sức.

Thời điểm cảm thấy công việc đang làm cuộc sống của tôi xáo trộn, chiếm quá nhiều thời gian trong ngày. Tôi bắt đầu tắt hết thông báo sau khi hết giờ làm việc. Vì giờ làm của tôi chỉ có thế thôi, sau đó là thời gian để học, chơi, làm thêm. 

Tôi bắt đầu đặt lại mối quan hệ bình đẳng giữa 2 bên, không cống hiến ngoài giờ nữa. Nếu sếp cần hỗ trợ thì hãy nói trước để tôi có thể sắp xếp công việc. Chứ không phải đến giờ nghỉ rồi mới nói cần tăng ca. Tôi cũng đề nghị với sếp, nếu muốn nhân viên tăng ca thì cần có thêm trợ cấp. Nhưng sếp lại bảo với tôi rằng: "Em còn trẻ thì phải chịu khó, phải dấn thân, bất kể cuối tuần hay ngoài giờ phát sinh việc không được ngại, thế mới được ghi nhận và thăng tiến."

Làm văn phòng cứ đúng giờ hành chính là về, không phải cứ tăng ca là sẽ hiệu quả! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Khi nghe sếp nói vậy, tôi đã lựa chọn xin nghỉ việc. Vì với tôi, công việc nếu cần tăng ca, thì cần có chế độ lương thưởng và sự động viên từ sếp. Chứ không thể tăng ca bằng tình nghĩa được. Gánh nặng trên vai tôi tính bằng tiền, nên tôi không thể sống bằng tình nghĩa của công ty. Tình nghĩa không thể quy ra sữa, quy ra thức ăn cho mèo, quy ra nước hoa hay kem dưỡng da cho nhiều giờ làm tăng ca được".

Đó là chia sẻ của T.D (sinh năm 1999, Đà Nẵng) khi chia sẻ về câu chuyện "nghỉ việc trong im lặng" của mình. 

 Góc nhìn đa chiều từ người từng làm nhân viên lên vị trí làm sếp

Khác với T.D (1999, Đà Nẵng), những chia sẻ từ Nguyễn Anh Thịnh 27 tuổi, Marketing, Hà Nội) được trình bày dựa trên 2 góc nhìn: Nhân viên và Quản lý.

"Tôi đã từng trải qua nhiều lần thay đổi vị trí trong công việc, từ vị trí thực tập sinh, lên chính thức, rồi tiến đến là cấp quản lý. Phải nói là chưa có "khủng hoảng" nào tôi chưa gặp qua kể từ khi đi làm.

Tôi từng làm việc quá 8 tiếng một ngày trong một khoảng thời gian dài. Nhưng chính những lúc như thế, công việc lại KHÔNG đạt được hiệu quả như mong muốn, đôi khi còn tệ hơn những gì tôi nghĩ. Sau đó, tôi nhận thức được việc làm quá giờ mỗi ngày chỉ NÊN diễn ra khi công việc quá cấp bách hoặc gặp trục trặc nào đó cần giải quyết ngay. Khi công việc đó ảnh hưởng đến cả 1 hệ thống lớn thì tôi mới ưu tiên làm, nhưng luôn phải đảm bảo được trợ cấp tăng ca.

Làm văn phòng cứ đúng giờ hành chính là về, không phải cứ tăng ca là sẽ hiệu quả! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Đối với tôi, mọi công việc cần xuất phát dựa trên mối quan hệ 50-50. Khi sự tăng ca của bạn được sếp đề cao, mang lại hiệu quả cho công ty, bên cạnh đó bạn cũng được nhận thành quả xứng đáng, thì áp lực về công việc sẽ được giảm xuống đáng kể. May mắn, trong khoảng thời gian tăng ca triền miên, tôi luôn được sếp đánh giá tốt.

Nhưng cũng có khoảng thời gian tôi mệt mỏi vì cường độ công việc quá cao. Khi công việc chiếm phần lớn trong cuộc sống, nó khiến tôi quên đi rằng: Có nhiều điều khác cũng cần được "chăm sóc". Ví dụ như sức khỏe tinh thần và thể chất, ví dụ như các mối quan hệ xã hội hay đơn thuần là gia đình.

Thời điểm đó chính là lúc tôi nhận ra mình cần dừng cách làm việc điên cuồng lại. Tôi bắt đầu không còn quan tâm đến suy nghĩ của sếp, không lo lắng việc "chậm lại" trong công việc bị đánh giá ra sao, cứ làm đủ lượng công việc được giao trước đó là được. Cứ tan làm là như bốc hơi khỏi công ty vậy. Khi đó, tôi quan niệm rằng: "Làm văn phòng thì cứ đúng giờ hành chính là về. Không phải cứ làm quá giờ là sẽ có hiệu quả!"

Đến khi rời bỏ vị trí công việc đó, bằng kinh nghiệm tích lũy được, tôi tiến xa hơn bằng việc tự thành lập đội ngũ riêng của mình. Thời điểm hiện tại, tôi đang quản lý 1 nhóm Marketing 10 người (chưa kể team cộng tác viên trong và ngoài nước). Trong quá trình làm quản lý, tôi cũng đã gặp trường hợp "quiet quitting" (tạm dịch: nghỉ việc trong im lặng) giống mình khi trước. Mỗi khi nhân viên có trạng thái bị "chậm lại" trong công việc, tôi sẽ có cách giải quyết của riêng mình.

Trước hết, tôi sẽ sắp xếp 1 buổi họp cùng nhân viên đó, chủ động trao đổi cùng nhân sự xem họ đang gặp vấn đề gì không? Vấn đề trao đổi thường sẽ xoay quanh: Cách quản lý, cách làm việc, về bản thân tôi và cuối cùng là vấn đề mà nhân sự đó đang gặp phải.

Làm văn phòng cứ đúng giờ hành chính là về, không phải cứ tăng ca là sẽ hiệu quả! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Nếu vấn đề họ gặp phải là do cách quản lý, thì tôi sẽ tự chiêm nghiệm lại bản thân trước. Nhưng nếu là nguyên tắc trong cách làm việc thì không thể thay đổi. Tôi sẽ ngồi xuống, thảo luận cùng họ để nhân sự có thể hiểu, đồng cảm, và làm sao để nhân sự có thể cân đối giữa công việc và cuộc sống. Không thể để nhân sự mất cân bằng giữa công việc và đời sống hàng ngày được, vì nếu kéo dài thì ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của cả công ty.

Còn nếu đó là vấn đề của nhân sự thì nói rõ ra điều hướng, tìm cách giải quyết. Sau 1 thời gian để họ thích nghi, nếu không có chuyển biến mới trong công việc, tôi sẽ lựa chọn một người khác để thay thế vị trí đó. Tránh trường hợp "1 con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ". Nếu ai từng ở vị trí quản lý, có thể nhận thấy việc 1 cá nhân ảnh hưởng đến tập thể rất rõ ràng, kéo theo hệ lụy không chỉ công việc kém chất lượng, mà còn lan truyền không khí tiêu cực ra cả nhóm, hoặc cả phòng ban mà nhân sự đó đang làm việc.

Ở vị trí quản lý, tôi luôn muốn nhân viên của mình cứ thẳng thắn trong mọi vấn đề."

"Nghỉ việc trong im lặng" (Từ gốc: Quiet quitting) là một xu hướng đang được thảo luận nhiều hơn trên các nền tảng mạng xã hội. Các chuyên gia nhận định rằng đây không phải là một dấu hiệu tốt.

Định nghĩa về "Nghỉ việc trong im lặng" có thể được tóm gọn lại như sau: Khi một nhân viên bắt đầu không hài lòng với công việc chiếm quá nhiều thời gian trong cuộc sống, họ có xu hướng giảm sự nỗ lực xuống mức tối thiểu nhất - đủ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các biểu hiện thường thấy nhất có thể kể đến như không còn hứng thú tham gia các dự án mới, tắt hết thông báo công việc sau giờ hành chính, hoặc đơn giản là không còn tìm thấy niềm vui trong công việc mà họ đang làm nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm