pnvnonline@phunuvietnam.vn
Diệu kỳ những vần thơ "Xuyên tuyết"
Thi sĩ người Mỹ Louise Gluck
Xuyên tuyết
Ta là ai, đã sống ra sao
Biết chăng người, đã tận cùng tuyệt vọng
Nếu quen trải những mùa hè rát bỏng
Khi đông sang người sẽ hiểu vì sao?
Ta tưởng về cái chết thảm thế nào
Dưới sức nặng khối khổng lồ vùi lấp
Còn mong chi một ngày hé mắt
Và mạch nguồn cơ thể sinh sôi
Vẫn ước chi thêm lần nữa ra đời
Lắng thầm thấy những tế bào sống dậy
Tưới đẫm ta những khô khan nát bấy
Như bao lần ta đã lại hồi sinh.
Và ta mơ trong ánh sáng xuân lành...
Dẫu tâm trí vẫn cồn cào run rẩy
Bởi ta biết bao người còn trông đợi
Điều diệu kỳ trong gió dựng... bừng xuân.
MỘC ANH (Dịch)
Mùa xuân mang tới nhiều khoảnh khắc kỳ diệu. Với người xứ lạnh, một trong số đó là cảnh tượng vừa kỳ vĩ vừa xúc động khi những đóa hoa thân thảo tưởng đã bị tuyết vùi lấp trong đông giá bỗng nhất loạt bừng dậy chào xuân.
Thơ của chủ nhân Nobel văn chương 2020 Louise Gluck đưa độc giả vào một hành trình nội tâm bằng cách khám phá những cảm xúc sâu kín nhất, gần gũi nhất. Mượn hình ảnh loài hoa quen thuộc của xứ tuyết quyết trụ đông chào xuân, bài thơ "Xuyên tuyết" của Louise Gluck không chỉ kể lại xuất xứ, sức sống xuyên tuyết mà hơn thế còn kể về nỗi lo sợ, xáo trộn, tưởng kiệt cùng và cuối cùng là tin tưởng, gắng gỏi - những "chướng ngại vật" trên hành trình vượt qua và hồi sinh của vạn vật, con người.
Trên hành trình ấy, cũng như con người, cây cỏ có sự kiêu hãnh riêng, cũng có khi cảm thấy mình bé mọn, rệu rã, kiệt quệ, chán nản, bất lực, buông xuôi. Nhưng khi cận kề sự tiêu trừ, tan biến, hơn bao giờ hết, khao khát được sống lại bừng dậy, mãnh liệt khôn nguôi. Nhà thơ không gắng công xây dựng một "nhân vật" hoa xuyên tuyết lý tưởng, mà không ngừng xáo trộn, biến động, trầm mặc, nghi ngờ, căng mình, ngóng đợi. Ban cho cỏ thảo một linh hồn, nhà thơ đã khơi dậy được những cảm xúc tinh tế và sống động như thế.
Khả năng sáng tạo khiến nhiều người có thể thấu hiểu những trải nghiệm của chủ nhân Nobel văn chương 2020 qua bài thơ viết về hoa xuyên tuyết, có thể chưa mạnh bạo, bất ngờ như một số bài thơ khác của bà như "Hoa diên vĩ dại", "Cam dỏm" nhưng lại gần với cảm nhận của số đông độc giả, công chúng hiện đại. Họ không cần tới áng thơ miêu tả đơn thuần hay đi quá sâu vào cảm xúc của tác giả.
Điều cần thiết là điều ẩn sâu trong hình ảnh, biểu tượng, những cử động, chuyển động, cảm xúc đa chiều rất đời, rất con người. Ngôn ngữ, giọng thơ thẳng thắn, phát hiện độc đáo từ một hiện tượng, cảnh tượng quen thuộc tạo cho bài thơ viết về hoa xuyên tuyết cũng như nhiều sáng tác khác của Louise Gluck một hình hài, vóc dáng riêng, không lẫn vào các phong cách thơ đương đại Mỹ và thế giới.