Điều tra viên cao cấp phân tích vụ nữ sinh 14 tuổi bị xâm hại tình dục tập thể

13/10/2018 - 07:05
Đây là một vụ việc đáng lên án vì trong số những đối tượng phạm tội có người là cán bộ ngành công an, có sự hiểu biết về pháp luật… nạn nhân lẽ ra phải được bảo vệ, nhưng đối tượng phạm tội vẫn bất chấp luân thường đạo lý khi tổ chức dâm ô, cưỡng dâm một nữ sinh chỉ mới 14 tuổi.

Thời gian qua, dư luận tỉnh Thái Bình nói chung và dư luận cả nước nói riêng đang xôn xao về vụ việc nữ sinh 14 tuổi bị xâm hại tình dục tập thể. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình sau đó đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 4 bị can về hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Điều đáng nói là trong số nhóm đối tượng phạm tội có bị can là Thượng tá công an giữ chức Phó Trưởng phòng cảnh sát tội phạm về Kinh tế và Chức vụ công an tỉnh Thái Bình và những đối tượng còn lại đều là những người có địa vị trong xã hội.

Liên quan đến vụ việc này, phóng viên báo PNVN đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên Điều tra viên cao cấp – Công an TP Hà Nội để cùng làm rõ hơn về vấn đề này.

Thưa ông, nhận định cá nhân của ông như thế nào khi tiếp nhận thông tin về những vụ việc như thế này?

Ngày ngày trên báo chí cũng xuất hiện đầy rẫy những thông tin như: Bố xâm hại con đẻ, ông xâm hại cháu hay nữ sinh bị xâm hại tập thể… Và theo tôi nghĩ thì báo chí cũng mới chỉ mới phản ánh được “phần nổi của tảng băng chìm” của xã hội hiện nay, bởi có nhiều vụ việc vẫn bị bưng bít hoặc cơ quan công quyền khi tiếp nhận vụ việc không đủ cơ sở pháp lý để truy tố các đối tượng ra trước pháp luật khiến tôi cũng thấy vô cùng bất bình.

Trong vụ án này, tôi cảm thấy “đau đớn” khi trong số những đối tượng phạm tội lại có người đang công tác trong ngành công an và có sự hiểu biết về mặt luật pháp. Lẽ ra, nạn nhân phải được bảo vệ trước những hành vi đồi bại, biến thái về mặt đạo đức của những kẻ có tiền, có chức sắc trong xã hội.

Trên thực tế, nhiều vụ việc tương tự xảy ra cũng cho chúng ta thấy rằng, không ít người dân đã quá “cả tin” và “mất cảnh giác” trước những người thân quen, có học thức hay địa vị xã hội… Chỉ đến khi vụ việc đau lòng xảy ra hoặc đi quá xa thì mới ngã ngửa ra thì đã quá muộn. Do đó, chính bản thân các bậc làm cha mẹ cũng phải tìm cách tự bảo vệ con em mình trước những nguy cơ bị xâm hại, thường xuyên chú ý đến con cái và xem con chơi với những ai để định hướng cho con, tránh để những vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra.

pn.jpg
Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên là cán bộ điều tra viên cao cấp, Công an TP Hà Nội (ảnh nvcc).

Đối với vụ việc trên, dư luận cho rằng một cô bé mới chỉ 14 tuổi nhưng bị 4 người bằng tuổi cha, chú mình xâm hại nhưng khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT khởi tố tội danh là “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” mà không phải là “Hiếp dâm”, xin ông cho biết quan điểm cá nhân của ông về vấn đề trên?

Vụ án này, tôi cũng chỉ nắm được thông tin thông qua kênh báo chí và cũng không được trực tiếp tiếp cận hồ sơ vụ án nên cũng khó có thể phân tích nhiều hơn về việc xác định tội danh của các đối tượng.

Tuy nhiên, trong vụ việc này dư luận họ cũng có quyền đặt câu hỏi có hay không sự bao che, chạy án cho các đối tượng vì họ nghĩ rằng một đứa trẻ 14 tuổi, đang tuổi ăn tuổi lớn không thể “tự nguyện” đồng ý cho nhóm đối tượng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác suốt nhiều ngày liền như vậy nên cần phải truy tố các đối tượng theo Điều 142 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" (Có khung hình phạt cao nhất là tử hình) chứ không phải truy tố theo Điều 145, 146 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 về “Giao Cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” có khung hình phạt thấp hơn sẽ tạo “tiền lệ xấu”, do đó cần phải xử lý thật nghiêm minh…

Trước đây, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định: Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, quy định này chưa tương thích với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (QTE). Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong khi Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em chỉ quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Do đó, không có cơ sở pháp lý để đảm bảo các QTE đồng thời là quyền con người đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Vì vậy, việc sửa đổi tên điều luật bằng cụ thể độ tuổi của nạn nhân nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trên. Để chứng minh tội phạm có phạm tội hiếp dâm theo Điều 142 Bộ Luật Hình sự hay không thì điều quan trọng nhất là phải căn cứ vào độ tuổi của nạn nhân và khái niệm “Hiếp dâm trẻ em” được xác định là “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” để phân tích, đánh giá.

Trong vụ án này thì nạn nhân trên tuổi 13 có nghĩa là Cơ quan CSĐT đã vận dụng điểm mới và khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo Điều 145, 146 là có căn cứ và được VKSND phê chuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, nếu có thêm các tình tiết mới thì Cơ quan điều tra cũng sẽ ra quyết định thay đổi khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc khởi tố bổ sung tội danh khác để điều tra…..

Vụ án này có liên quan đến một cán bộ trong ngành công an… Từng là một điều tra viên có nhiều năm kinh nghiệm ông có chia sẻ gì thêm đối với vụ việc này hay không thưa ông?

Trong các vụ án thuộc nhóm tội phạm theo Điều 142,145 và 146 của Bộ luật hình sự năm 2015 với kinh nghiệm của mình tôi nhận thấy: Để khởi tố vụ án và khởi tố bị can và ra lệnh bắt các bị can tạm giam để điều tra, xử lý trước pháp luật, thường Cơ quan CSĐT sẽ khẩn trương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, hoạt động điều tra trên cơ sở pháp luật cho phép như: Khám nghiệm hiện trường, trích xuất camera, ghi lời nạn nhân, nhân chứng (nhân viên khách sạn), người liên quan, người biết việc và ghi lời khai các đối tượng, giám định thương tích (âm hộ) nạn nhân... Bên cạnh đó cần đấu tranh lảm rõ những người liên quan, ai là chủ mưu? ai xúi giục thực hiện hành vi phạm tội? Lúc đó, sẽ xác định vai trò của kẻ chủ mưu đứng đầu, kẻ giúp sức, đồng phạm với tội danh của từng bị can để định tội danh và mức hình phạt ở Điều nào, Khoản nào cho vụ hợp với bản chất vụ án.

Quá trình hoạt động điều tra vụ án. Để tránh oan sai và xử lý đúng người đúng tội nhất thiết phải có những điều tra viên, cán bộ điều tra có bản lĩnh, am hiểu pháp luật, phải thận trọng khi thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ. Vừa thu thập chứng cứ phạm tội, khách quan để buộc tội, vừa thu thập tài liệu chứng cứ gỡ tội. Có vậy sẽ không để xảy ra oan sai trong quá trình hoạt động điều tra.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ngày 2/9 Công an TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình) có nhận được đơn trình báo của gia đình ông C. về việc con gái họ là cháu T.M. (SN 2004, trú tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), đang là học sinh lớp 9 bỗng nhiên mất tích sau khi đi chơi cùng bạn không thể liên lạc được.

Mấy ngày sau, cháu M. mới trở về trong trạng thái sức khỏe suy kiệt, có biểu hiện bất thường về tâm sinh lý, sau đó gia đình gặng hỏi mới biết nữ sinh này đã bị một số đối tượng thực hiện hành vi Hiếp dâm tập thể.

Ngay khi nhận được đơn trình báo, Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối kết hợp cùng Công an TP. Thái Bình điều tra làm rõ.

Công an tỉnh này sau đó đã ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bị can Phạm Như Hiển (tên gọi khác là Phạm Như Kiểm, SN 1974, trú tại khu đô thị Kỳ Bá, tổ 50 khu đô thị Kỳ Bá, TP Thái Bình) và Phạm Văn Lam (SN 1972, ở phường Tiền Phong, TP Thái Bình, là Phó trưởng phòng Cảnh sát tội phạm về Kinh tế và Chức vụ công an tỉnh) cùng Từ Minh Tuyên (47 tuổi, ở TP Thái Bình) về tội "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" quy định tại Khoản 1, Điều 145 Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, ra lệnh bắt tạm giam đối với bị can Phạm Đức Việt (SN 1974, trú tại đường Trần Thái Tông, tổ 20, phường Tiền Phong, TP Thái Bình) về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” quy định tại Khoản 1, Điều 146 Bộ Luật Hình sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm