Định hướng nghề cho học sinh tiểu học: Mức độ nào là phù hợp?

Nhật Lam
16/10/2020 - 06:00
Định hướng nghề cho học sinh tiểu học: Mức độ nào là phù hợp?

Ảnh minh họa

Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT mới đưa ra, lần đầu tiên học sinh tiểu học sẽ được hướng nghiệp, giới thiệu về vấn đề việc làm trong trường học. Nội dung này đang thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh.

Mở rộng cái nhìn về bức tranh nghề nghiệp cho học sinh

Theo dự thảo Thông tư này, các trường tiểu học có nhiệm vụ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội; hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Các trường cũng rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản như: quản lý bản thân, kỹ năng xã hội, tìm hiểu về gia đình, cộng đồng; phát hiện năng khiếu của học sinh và có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho các em.

Thực tế, hiện nay, chương trình học của học sinh tiểu học cũng được lồng ghép nhiều tiết học kỹ năng sống, giới thiệu về các ngành nghề, được tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm hướng nghiệp, nông trại. Bức tranh về nghề nghiệp đã không còn đóng khung trong khuôn mẫu sách giáo khoa và giới hạn ở các nghề như phi công, bộ đội, bác sỹ, lính cứu hỏa mà nay đã được mở rộng ra nhiều ngành nghề như ca sỹ, nhạc sỹ, cầu thủ bóng đá, diễn viên... Tuy nhiên, để quy định hóa vấn đề hướng nghiệp cho học sinh tiểu học bằng một thông tư cụ thể là điều mà ngành giáo dục đang nghiêm túc nhìn nhận.

Ảnh: báo nghệ an

Ảnh: báo nghệ an

Mong có nhiều cách làm sáng tạo

Là phụ huynh có con học lớp 4 trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội), chị Nguyễn Thúy Hằng cho biết, chị ủng hộ nội dung dự thảo. Bởi theo chị, định hướng nghề ở lứa tuổi tiểu học là vô cùng cần thiết. Điều quan trọng là cách thức, mức độ triển khai như thế nào cho phù hợp. "Chỉ riêng việc giới thiệu các ngành nghề trên cơ sở cập nhật, mở rộng theo đúng thực tế thay vì đóng khung những nghề kiểu mẫu như thời chúng tôi đi học đã là một điều thú vị. Các con hoàn toàn có thể tiếp cận để hiểu về nghề, hiểu về công việc mà bố mẹ, người thân đang làm. Tôi nghĩ hoàn toàn phù hợp, bổ ích. Định hướng nghề theo tôi nên ở mức độ giới thiệu để giúp trẻ nhận diện nghề cũng như những đặc thù, kỹ năng cho từng ngành nghề cụ thể", chị Thúy Hằng cho biết.

Anh Nguyễn Minh Duy, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học tư thục ở quận 1, TP.HCM, tỏ ra hào hứng, bởi theo anh đây là nội dung thiết thực. Nếu được quy định "cứng" trong chương trình học thì sẽ quy củ hơn là cách làm "mạnh ai nấy làm" của một số trường hiện nay. "Trường con tôi có tổ chức hoạt động tham quan để giới thiệu về nghề nghiệp nhưng không nhiều. Các con cũng chưa có tiết học nào để tìm hiểu về ngành nghề xung quanh mà gần gũi nhất là nghề của bố mẹ. Đơn giản, chỉ cần cô giáo tập hợp lại danh sách nghề nghiệp của bố mẹ trong lớp rồi để các con nói về hiểu biết của mình đối với nghề đó, từ đó giới thiệu một cách bài bản đã là cách làm hay rồi. Vì thế, tôi rất ủng hộ và mong nhà trường có thêm nhiều sáng tạo trong triển khai", anh Minh Duy chia sẻ.

Theo ghi nhận, định hướng nghề nghiệp trong chương trình của học sinh tiểu học bắt đầu có ở lớp 1 năm nay, trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng còn khá mờ nhạt, chủ yếu kết hợp với giáo dục nghề nghiệp địa phương. Hiện các trường chưa đi sâu vào chuyên môn hay dạy theo một chương trình nào cụ thể. Điều mà nhà trường cần bám sát khi thông tư nêu trên ra đời là phải có những cách làm hay, sáng tạo để giới thiệu về nghề nghiệp, gắn với chương trình học hàng ngày và tăng hoạt động trải nghiệm để trẻ tiếp cận, tìm hiểu về nghề nghiệp, thay vì đưa ra lý thuyết "suông".

Một số giáo viên tiểu học cho biết, hiện chương trình học chưa có nội dung nào về định hướng nghề nghiệp, trong khi các tiết hoạt động trải nghiệm thì không bắt buộc. Vì vậy, cần có quy định cụ thể, rõ ràng, có mức độ cho từng khối học về công tác định hướng nghề, từ đó thu hút học sinh tham gia tìm hiểu, có những nhận diện phù hợp về các ngành nghề.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm