pnvnonline@phunuvietnam.vn
Rèn kỹ năng sống độc lập, không dựa dẫm cho con
Nhiều trẻ học bài lúc nào cũng phải có bố mẹ kè kè bên cạnh. Ảnh minh họa: Mindtech
Chị Nguyễn Thu Hồng (Hà Đông, Hà Nội) rất lo lắng khi Bông (con gái chị) không chịu suy nghĩ khi phải làm bài toán có lời văn. Với những bài làm phép tính, con không gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi đến những bài tập toán có lời giải, con luôn cầu cứu đến mẹ. Chị Hồng bảo con động não suy nghĩ nhưng con "đơ" ra và nói không biết làm. Chị Hồng cho biết, đó không phải là những bài tập khó mà chỉ là những bài tập đơn giản. Thế nhưng, con rất lười suy nghĩ mà chỉ thích làm những bài đơn giản nhất.
Chị Hồng cũng thường xuyên được cô giáo phản ánh việc con gái không chịu làm hết bài tập ở lớp. Trong khi những bạn khác đều làm xong, Bông chỉ làm những bài có phép tính đơn giản, dù thừa thời gian em cũng "để dành" về nhà. Thế nên, buổi tối, khi các bạn khác không có bài tập về nhà thì Bông vẫn phải làm những bài tập trên lớp chưa xong. Và hôm nào Bông cũng bắt mẹ ngồi cạnh để "mớm" cách làm cho em. Những hôm mẹ đi công tác thì Bông cũng chơi nguyên cả buổi tối. Kết quả học tập của Bông luôn trong top cuối của lớp cũng là điều dễ hiểu.
Chị Hồng thừa nhận, hậu quả của việc con gái lười học, lười suy nghĩ, ý thức học tập rất kém là do từ nhỏ con đã được cả nhà nuông chiều. Bông là con gái út, lại xinh xắn nên bố mẹ đều rất cưng, không bắt con "động tay động chân" vào việc gì. Thế nên, với việc học, con cũng lười. Con không bao giờ nghĩ đấy là việc của mình mà nghĩ là việc của người khác, việc của mẹ.
Chính vì vậy, từ lúc con bắt đầu đi học, tối nào chị Hồng cũng ngồi vào bàn học cùng con. Chỗ nào con làm sai, làm chưa đúng, bài tập nào hơi khó một chút, chị Hồng lập tức trợ giúp con khiến con không có thói quen suy nghĩ. Thế nên, nếu không có mẹ ngồi cùng, Bông không tự giác học, tính ỷ lại vào mẹ ngày càng lớn trong Bông.
Theo các chuyên gia tâm lý, với đứa trẻ quen dựa dẫm như Bông, bố mẹ cần chú ý bồi dưỡng khả năng sống độc lập của trẻ, dạy trẻ biết tự làm mọi việc vừa với sức của mình như: thay quần áo, gấp quần áo, quét nhà, giúp mẹ dọn cơm, sắp xếp sách vở gọn gàng… Khi mới bắt đầu làm, trẻ sẽ bỡ ngỡ và vụng về nhưng dần dần sẽ quen. Bố mẹ cần quy định thời gian chơi và học của trẻ để trẻ biết sống có kỷ luật, dần hình thành thói quen sống độc lập, không dựa dẫm vào bố mẹ.
Bố mẹ cũng đặt ra kế hoạch học tập cho con với mục tiêu rõ ràng. Hàng ngày, bố mẹ đặt kế hoạch làm việc và học tập rõ ràng, sắp xếp thời gian hợp lý và cố gắng tiết kiệm thời gian. Các bài tập trên lớp đều hoàn thành đủ số lượng theo quy định thời gian của thầy cô và cần làm bài với tốc độ nhanh, hiệu quả cao.
Bố mẹ cũng nên đặt ra chế độ khen thưởng con. Nếu trong vòng một tháng con hoàn thành mục tiêu đã đặt ra thì sẽ thưởng quà. Nhưng có một số trẻ không cần quà vì nếu bố mẹ không thưởng thì cũng có người như ông bà, cô chú mua cho con. Thế nên, bố mẹ cần kiểm soát vấn đề này, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến con. Để thay đổi thói quen ỷ lại, dựa dẫm của con, bố mẹ cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài mới đạt hiệu quả.