Gặp người lạ, con co rúm lại đầy sợ sệt

K.Minh
06/10/2020 - 07:07
Gặp người lạ, con co rúm lại đầy sợ sệt

Trẻ nhút nhát, ra ngoài co rúm người vào vì sợ sệt. Ảnh minh họa

Thấy con nhút nhát nên chị Nguyễn Minh Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên cho con ra ngoài chơi. Thế nhưng, cứ gặp người lạ, con co rúm lại, núp sau lưng mẹ và tỏ ra rất sợ sệt.

Chị Thủy vô cùng lo lắng trước tính nhút nhát của con. Nhìn những đứa trẻ khác bạo dạn, tự tin, xông xáo, chị thèm con mình cũng được như vậy. Chị quá hiểu, con nhút nhát sẽ gặp rất nhiều bất lợi, trở ngại trong cuộc sống. Chính vì vậy, chị luôn cố gắng giúp con mạnh dạn hơn khi đi ra ngoài.

Theo chị Nguyễn Thị Thu (trường Mầm non Tsubaki), để khắc phục tính nhút nhát của con, cha mẹ cần kiên trì, khích lệ và yêu con vô điều kiện để giúp con vượt qua những điểm yếu của bản thân. 

Thứ nhất, cha mẹ hãy cho con sự tin tưởng và an toàn. Khi đứa trẻ gặp một người lạ, đến chỗ đông người, cảm giác ban đầu là rụt rè, sợ hãi vì lạ lẫm, vì chúng chưa cảm thấy an toàn, thế nên việc trẻ bám sau lưng mẹ, trả lời lí nhí là điều rất đỗi bình thường. Điều trẻ cần chính là thái độ ĐỒNG CẢM và THỪA NHẬN những yếu đuối ấy của con "Con ngại khi gặp người lạ đúng không? Không sao đâu, có mẹ ở đây rồi" chứ không phải là những lời thúc giục của bố mẹ "Nói to lên, có gì phải ngại, nói bé thế ai nghe thấy…".

Đứa trẻ phải cần một quá trình tiếp xúc, một thời gian đủ dài chúng mới làm quen được môi trường mới, mới cảm thấy an toàn để bắt đầu thể hiện bản thân mình.

Mẹ lo lắng khi con là đứa trẻ nhút nhát - Ảnh 1.

Cha mẹ đừng giục trẻ hãy nói to lên khi trẻ nói lí nhí. Ảnh minh họa

Thứ hai, cha mẹ chấp nhận mọi điều ở con vô điều kiện. Có những việc dù muốn chúng ta cũng không thể làm được, và con trẻ cũng vậy. Khi ấy điều đứa trẻ cần chỉ là sự thừa nhận, chấp nhận những yếu đuối ấy của trẻ vô điều kiện, để trẻ cảm thấy được an toàn và che chở. 

Một đứa trẻ chỉ có thể tự lập khi nó cảm nhận được tình yêu thương và thừa nhận con người thật của mình một cách đầy đủ. Chắc chắn đến một thời điểm khi cảm giác an toàn, tin tưởng ở bản thân đã đủ đầy, trẻ sẽ thể hiện nó ra.

Thứ ba, hãy luôn làm mẫu cho con, hướng dẫn cách làm cho trẻ. Bên cạnh việc thừa nhận và chấp nhận những điểm yếu của con, bố mẹ cũng nên dạy con những kỹ năng mềm mà mình muốn con hoà nhập và tự lập.

Nếu bạn muốn con chào hỏi, việc đầu tiên là bạn hãy cứ làm mẫu trước. Khi gặp ai đó bạn chỉ cần cúi chào to, rồi nhắc con là con chào bà đi, lâu dần đứa trẻ cũng sẽ bắt chước theo. Nếu con trả lời lí nhí, bạn chỉ cần xoa đầu con, ghé sát tai lại gần con một chút để nghe, rồi động viên "Con đã làm tốt lắm. Lần sau mình cố gắng chào to hơn một chút nữa con nhé".

Thứ tư, đừng bao giờ so sánh con mình với con người khác. Hầu hết các bố mẹ cảm thấy stress vì con nhút nhát đều xuất phát từ tâm lý so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Tại sao cũng tầm tuổi này, con nhà người ta thì mạnh dạn tự tin, con mình thì nhút nhát. Mỗi đứa trẻ có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Và sứ mệnh làm cha mẹ của chúng ta là nhìn ra được điểm mạnh và điểm yếu của con, để giúp con vượt qua những giới hạn của bản thân.

Theo chị Nguyễn Thị Thu, trước khi làm điều đó thì việc giúp con xây dựng hệ giá trị như niềm tin vào bản thân, tin rằng mình là người có giá trị, mình sẽ làm được chỉ cần mình cố gắng, chính là vai trò của cha mẹ ở giai đoạn 0-10 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm