Độ phân hóa đề thi thể hiện ra sao qua phổ điểm?

D.H
27/08/2020 - 22:05
Độ phân hóa đề thi thể hiện ra sao qua phổ điểm?

Ảnh: BGD

Một số chuyên gia giáo dục nhìn nhận, kết quả phổ điểm cho thấy một sự phân hóa rất rõ ràng trong đề thi, rộng đường giúp các trường ĐH, CĐ có cơ sở dữ liệu quan trọng để đề ra mức điểm chuẩn phù hợp. Đây được xem là câu trả lời cho những người nghi ngờ kỳ thi này không phục vụ được cho mục đích tuyển sinh.

Theo TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - việc các môn thi (trừ Ngữ Văn) thi theo hình thức trắc nghiệm với ngân hàng câu hỏi ngày càng lớn, độ tin cậy cao là yếu tố quan trọng giúp cho phổ điểm thi ngày càng đẹp hơn.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn ra, ông Lê Viết Khuyến cho rằng, đây là sự nỗ lực lớn của ngành giáo dục, khi xã hội chao đảo với nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí, không ít người, không ít địa phương muốn tạo ra áp lực để không tổ chức kỳ thi.

"Tôi cho rằng việc tổ chức kỳ thi là đúng đắn và chính xác. Chúng ta thử hình dung nếu không có kỳ thi này, trong điều kiện bệnh thành tích vẫn còn ở không ít địa phương, cơ sở giáo dục thì việc xử lý kết quả cho tuyển sinh đại học và phân luồng học sinh như thế nào", ông Lê Viết Khuyến nói.

Độ phân hóa đề thi thể hiện ra sao qua phổ điểm? - Ảnh 1.

TS Lê Viết Khuyến ủng hộ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh: Báo Lao động

Cũng theo ông, nhiều người ban đầu không tin và cho rằng giao về địa phương có thể có gian lận nhưng thực tế đã diễn ra không phải như thế. Qua đây cho thấy, lãnh đạo các địa phương đều có ý thức đảm bảo kỳ thi an toàn, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh.

Trước khi kỳ thi diễn ra khá nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tổ chức kỳ thi với mục đích là để xét tốt nghiệp thì đề thi sẽ không thể hiện được sự phân hóa giúp các trường đại học dựa vào đó để tuyển sinh được.

Nhưng kết quả phổ điểm cho thấy một sự phân hóa rất rõ ràng trong đề thi, và đó là câu trả lời cho những người nghi ngờ kỳ thi này không phục vụ được cho mục đích tuyển sinh.

Đồng quan điểm, TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, tuy mục đích chính của kỳ thi là đánh giá tốt nghiệp, nhưng kết quả điểm thi và phổ điểm thi không chỉ "đẹp" cho phần thi tốt nghiệp mà còn giúp cho công tác tuyển sinh của các trường đại học được thuận lợi.

Lí giải về việc đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái để phù hợp với bối cảnh thực tế nhưng không có "mưa điểm 10", ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng, đó là do việc ra đề thi tốt. Đề thi năm nay vừa đảm bảo sàng lọc học sinh, vừa phục vụ tốt cho hoạt động tuyển sinh của các trường đại học.

"Việc tổ chức kỳ thi bình thường là cần thiết, vì nếu bỏ thi sẽ thiệt thòi cho những học sinh có mong muốn xét tuyển vào đại học. Trong điều kiện khó khăn, có thể nói, chúng ta đã có một kỳ thi thành công, tạo công bằng cho các em học sinh, nhất là những học sinh có nguyện vọng vào đại học", ông Ngọc nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm