Đoàn giám sát phòng, chống xâm hại trẻ em họp phiên thứ nhất

19/07/2019 - 08:14
Để nâng cao hiệu quả giám sát, một số ý kiến đề nghị Đoàn giám sát cần đi xâm nhập thực tế, tìm hiểu những trường hợp, vụ việc cụ thể, không chỉ nghe cơ sở báo cáo.

Chiều 18/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" đã họp phiên thứ nhất, công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát và thống nhất các nội dung sẽ triển khai trong thời gian tới.

1807_uong_chu_luu.jpg
Quang cảnh phiên họp. (Nguồn: daibieunhandan.vn)

Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Theo Nghị quyết số: 81/2019/QH14 thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em,” bà Lê Thị Nga, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn Thường trực; ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn; bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn.

Đoàn giám sát được chia thành ba Đoàn công tác. Đoàn công tác số 1 có 16 người do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng Đoàn giám sát. Đoàn công tác số 2 có 15 người do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm Trưởng Đoàn. Đoàn công tác số 3 có 15 người do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình làm Trưởng Đoàn công tác.

Phát biểu tại phiên họp, các kiến tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào đề cương giám sát, cách thức tổ chức giám sát.

Để nâng cao hiệu quả giám sát, một số ý kiến đề nghị Đoàn giám sát cần đi xâm nhập thực tế, tìm hiểu những trường hợp, vụ việc cụ thể, không chỉ nghe cơ sở báo cáo. Có ý kiến đề nghị, báo cáo giám sát cần tập trung vào bốn phần: phần 1 đánh giá chung tình hình xâm hại trẻ em; phần 2 quá trình triển khai thực hiện các văn bản; phần 3 tổ chức thực thi; phần 4 giải pháp.

Đặc biệt, cần tập trung đánh giá chính sách được thực hiện trên thực tế để có giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đoàn giám sát có thể thực hiện các cuộc tọa đàm, hội thảo hay các phiên giải trình liên quan đến vấn đề này để có thêm lượng thông tin.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, tổ giúp việc đã chuẩn bị tài liệu liên quan đến chuyên đề giám sát công phu, đầy đủ. Thành viên Đoàn giám sát cơ bản tán thành với kế hoạch chi tiết và nội dung chính, kế hoạch đã đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ Quốc hội giao Đoàn giám sát mục tiêu, xem xét đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Qua đó xác định nguyên nhân trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Mục tiêu yêu cầu đối với chương trình giám sát rất cao, nhưng thời gian lại hạn hẹp (so với các Đoàn giám sát tối cao khác thời gian giám sát lần này ít hơn 5 tháng), nếu ngay từ bây giờ, không xác định tinh thần quyết liệt, khoa học, trách nhiệm, thì khó đạt được mục tiêu đặt ra cho kết quả giám sát lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Đoàn giám sát cần thực hiện linh động bằng hình thức khảo sát thực tế để nắm tình hình. Theo đó, cử thành viên Đoàn giám sát để thực hiện việc này.

Nhấn mạnh Bình Dương và Đồng Nai là hai tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều trường mẫu giáo, mầm non, xảy ra những vụ xâm hại, do đó Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Đoàn nên chọn một trong hai tỉnh để giám sát.

Trong quá trình giám sát, Đoàn đến trường học, trường nội trú, thôn, bản, xã phường, nơi có bức xúc về vấn đề xâm hại trẻ em và cả những nơi làm tốt công tác này để khảo sát, nắm nhiều thông tin. Báo cáo giám sát lần này phải có địa chỉ cụ thể, hoặc phải có phụ lục đi kèm, không được chung chung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm