Tôt nghiệp đại học loại ưu, Kiều Anh được một tổ chức phi chính phủ mời về làm việc ngay, sau đó cô cưới người bạn gắn bó từ hồi phổ thông, mọi thứ mở ra với cuộc sống của cô dường như rất thuận lợi. Cưới được hơn 1 năm thì mang bầu, ông bà hai bên hỗ trợ cho hai vợ chồng mua được 1 chung cư mini xinh xắn, khỏi phải thuê nhà tốn kém, vất vả. Kiều Anh vốn khéo tay, thích trang trí nhà cửa, tổ ấm của vợ chồng cô là niềm ao ức của tất cả lũ bạn.
Sinh con gái xong, Kiều Anh bỗng thấy sức khoẻ kém hẳn. Sau 6 tháng nghỉ sinh, cô không tự dắt xe máy được nên chồng đưa đón cô đi làm hàng ngày. Và trong 1 buổi sáng hối hả đi làm cách đây hơn 3 năm, Kiều Anh bị rơi từ xe máy của chồng xuống đường mà chồng không biết. Cô bị đập đầu mạnh, ngất luôn. May mà không có xe nào cán qua. Mọi người hò hét gọi chồng Kiều Anh quay lại…
Xe cấp cứu đến ngay sau 10 phút vì cô bị rơi ngay gần bệnh viện, lại có bác sĩ quen nhưng cô vẫn trong tình trạng hôn mê. Cả nhà nháo nhác hết cả. Bà ngoại và một cô giúp việc được thuê cấp tốc làm nhiệm vụ chăm sóc em bé còn mẹ chồng rồi chồng và em dâu cô thay phiên nhau túc trực trong phòng cấp cứu. Chồng cô quyết định thuê một bác sĩ vật lý trị liệu massage cho cô đều đặn mỗi ngày 2 lần 30 phút để máu huyết lưu thông. Mỗi ngày, anh đều bật đài cho cô nghe các bài hát về gia đình, anh kể chuyện con gái ăn uống, ngủ, chơi như thế nào, anh kể về từng người thân, người bạn đến thăm cô thế nào. Buổi tối, anh cầm tay cô ngủ… Ai cũng thương xót cho hoàn cảnh của cô nhưng cũng mừng vì chồng và cả gia đình sát cánh yêu thương cùng cô chiến đấu với tử thần.
May mắn là sang ngày thứ 8 thì cô tỉnh lại. Chưa kịp mừng thì bác sĩ vật lý trị liệu phát hiện ra cô bị liệt bên trái. Nhìn gương mặt hoảng hốt của chồng, tự nhiên nước mắt chảy tràn trên má cô. Nhưng mẹ cô đã tinh ý nhìn ra, bà vỗ vỗ lưng chàng rể “Mừng quá nên con không biết làm gì à? Lấy nước ấm rửa mặt cho vợ đi con!”. Rồi bà ôm con gái vào lòng thì thầm “Chào mừng con đã thức dậy. Rồi chúng ta sẽ cùng tập đi, đừng sợ, con không chỉ có bố mẹ mà có cả hai gia đình ở bên cạnh”. Sự bình tĩnh của mẹ đã kéo cô ra khỏi nỗi sợ, trấn tĩnh lại mình. Trong khi chồng cô cầm khăn ấm quay lại, cô mỉm cười “Anh chờ em có lâu không? Giờ thì có cả hai rồi, tốt hơn nhiều đúng không anh?”...
Nhìn con từ xa, thấy chồng bế con gái vào, cô nghẹn ngào, dường như cô đã xa con lâu lắm rồi, càng nhìn vào con cô lại càng cảm thấy phải nỗ lực ngồi dậy để tự bế bồng con.
Nhờ tư vấn của bác sĩ, chồng cô đã mua các loại thuốc bệnh và thuốc bổ để cô điều trị. Ngoài bác sĩ vật lý trị liệu, anh còn nhờ cả bác sĩ đông y đến bấm huyệt và làm thuốc cho cô. Các cuộc nói chuyện của hai vợ chồng cũng nhiều hơn, anh kể về con, về những lúc con bé nhớ mẹ, thèm ti mẹ đến như thế nào. Anh ghi hình mọi sinh hoạt của con vào cho vợ xem. Nhờ những động lực đó mà hơn 1 tháng sau, cô đã được xuất viện về nhà, dù vẫn phải gắn với xe lăn.
Cô giúp việc trở thành bảo mẫu của cả 2 mẹ con, tắm rửa, massage và đẩy 2 mẹ con đi dạo hàng ngày. Bản năng người mẹ muốn bảo vệ con đã cho cô sức mạnh điều khiển tốt hơn nửa bên trái đang yếu ớt, cứ vậy cô tiến bộ mỗi ngày, khi con gái 11 tháng tuổi thì cô đã tự đi được.
Cô buộc phải rời bỏ công việc đang làm rất tốt, trở thành một tư vấn viên tổng đài điện thoại. Giờ con gái cô đã gần 4 tuổi, biết làm nhiều thứ còn cô có thể tự đi xe đạp điện đi làm mỗi ngày. Cô thầm nghĩ, trong rủi ro của cuộc đời, cô lại được trải nghiệm sức mạnh của tình ruột thịt, của tình yêu vợ chồng, của bản năng người mẹ, của sức khoẻ, của sự kiên cường. Có thể sức khoẻ của cô luôn có nguy hiểm rình rập nhưng cô biết mình không bao giờ đơn độc.