Đoàn liên ngành thực phẩm đến kiểm tra, chủ cơ sở đóng cửa không tiếp

12/01/2018 - 18:21
“Khi Đoàn liên ngành đến kiểm tra, chủ cơ sở sản xuất chốt cửa không cho vào. Có cơ sở, giấy phép cấp một địa chỉ, nhưng chủ cơ sở lại vào rừng dựng tường cao, kín mít và sản xuất trong lô cốt đó”.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tại buổi họp báo chiều ngày 12/1.

Theo ông Phong, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội 2018 đang đến gần. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm như rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo… tăng mạnh, kéo theo nhu cầu sản suất, kinh doanh tăng.

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về Vệ sinh An toàn thực phẩm (ATTP) đã thành lập 6 đoàn liên ngành để thanh kiểm tra tại 12 địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra.
26782277_1947643901964526_1351730881_o.jpg
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Theo ông Phong, năm nay công tác kiểm tra sẽ có nhiều điểm mới. Theo đó, các đoàn của TƯ không làm thay địa phương. Thay vào đó, các đoàn liên ngành sẽ kiểm tra các địa phương xem họ có đi kiểm tra hay không. Nếu tỉnh, thành nào không triển khai thanh kiểm tra thì đánh dấu, đôn đốc, nhắc nhở. Ngoài ra, các đoàn cũng có thể kết hợp để kiểm tra thực tiễn 1-2 cơ sở/tỉnh, thành.

Các đối tượng thanh kiểm tra sẽ tập trung sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thịt cá, bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm tươi sống… tại mỗi nơi kiểm tra, sẽ lấy mẫu để xét nghiệm. Các phòng xét nghiệm sẽ làm việc hết công suất để kết quả xét nghiệm có sớm nhất. Khi có kết quả, cơ quan chức năng sẽ công bố ngay. Nếu kết quả cho sản phẩm không đạt thì ngoài dừng lưu thông còn công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
26853329_1947643935297856_193434715_o.jpg
Toàn cảnh buổi họp chiều ngày 12/1

 Từ thực tế kiểm tra, ông Phong cho biết, có những cơ sở cố tình vi phạm. Đã có trường hợp khi Đoàn liên ngành đến kiểm tra, nhưng cơ sở sản xuất chốt cửa không tiếp, không cho đoàn vào dù trong thành phần có cả lực lượng công an. Có cơ sở, giấy phép cấp một địa chỉ, nhưng chủ cơ sở lại vào rừng dựng tường cao, kín mít và sản xuất trong đó. 

“Sắp tới, chúng tôi sẽ thanh, kiểm tra một số cơ sở như vậy. Nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý. Đối với các cơ sở đảm bảo tốt, thực hiện sản xuất, quản lý theo chuỗi, Đoàn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu để người dân được biết”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, trong thời gian tới, công tác tuyên tuyền cũng sẽ tập trung ở các tỉnh miền núi. Bởi đây là khu vực người dân hay tổ chức lễ hội, ăn uống. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản thực phẩm kém hơn người miền xuôi, nhất là các sản phẩm động vật bảo quản không tốt dễ bị ôi thiu.
 
Đối với phía Nam, do đặc thù khí hậu nên người dân không nên trữ nhiều đồ ăn dịp Tết. Bởi thực phẩm hiện nay rất dồi dào, thậm chí ngày mùng 1 Tết cũng đã có nơi mở cửa bán thực phẩm.

Đối với lễ hội mùa xuân, do có hàng vạn người tham gia nên vấn đề ATTP rất quan trọng. Thực tế, nhiều nơi nhà xưởng, hệ thống cung cấp nước đôi khi không đảm bảo thì Ban quản lý lễ hội ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Họ phải đảm bảo cung cấp nước ăn, vệ sinh, nước thải không để ô nhiễm môi trường nhằm ngăn chặn, hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm