Doanh nghiệp "chậm lớn" vì… vướng cơ chế

Hải Yến
19/09/2023 - 15:19
Doanh nghiệp "chậm lớn" vì… vướng cơ chế

Doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên

Doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên cho rằng, trừ một số doanh nghiệp làm liều, sử dụng thuốc "tăng trọng", còn rất nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc vẫn còn bị vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.

"Tuổi thọ" của doanh nghiệp không cao

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 diễn ra ngày 19/9, tại hội thảo chuyên đề ''Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó", các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về những vấn đề doanh nghiệp đang phải đối mặt, từ đó đề xuất một số giải pháp. Khơi thông nguồn lực và củng cố niềm tin của doanh nghiệp là những điều các chuyên gia nhấn mạnh tại phiên thảo luận.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường xấp xỉ 70-75% số đăng ký thành lập. Đây là một tỷ lệ không bình thường, cho thấy "tuổi thọ" của doanh nghiệp không cao và cũng có nghĩa là cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp Việt, bị suy giảm mạnh và khó được bù đắp kịp thời.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, "sống dai" nhưng "chậm lớn", khó trưởng thành.

Doanh nghiệp "chậm lớn" vì… vướng cơ chế - Ảnh 1.

Các đại biểu chăm chú lắng nghe hội thảo 'Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó"

Một nghịch lý khác được PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra là nền kinh tế "khát vốn" nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm khi chỉ đạt 39,6% kế hoạch. Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng đề cập một số rào cản, khó khăn tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó các vấn đề như: (1) Chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; (2) Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi; (3) Chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; (4) Chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; (5) Các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả và (6) Doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Cần có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên cho rằng, trừ một số doanh nghiệp làm liều, sử dụng thuốc "tăng trọng", còn rất nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc vẫn còn bị vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh "đổ thừa" do cơ chế để doanh nghiệp có thể thực hiện những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.

Doanh nghiệp "chậm lớn" vì… vướng cơ chế - Ảnh 2.

Hội thảo có sự tham gia trao đổi, thảo luận của nhiều chuyên gia quốc tế

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất về chính sách thuế tài chính, hỗ trợ lãi vay cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, cần có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn. Nữ doanh nhân cũng đề xuất dỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.

Về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất xem xét ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch như chính sách thương mại trong khu phi thuế quan, xây dựng và thiết lập các trung tâm bán hàng giảm giá trong khu phi thuế quan và cửa hàng miễn thuế dưới phố, cho phép áp dụng chính sách "duo price" đối với hàng hóa miễn thuế. Đồng thời, đề nghị các cơ quan sớm ban hành chính sách để triển khai trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm