pnvnonline@phunuvietnam.vn
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ

Ảnh minh hoạ
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) - nhận định, việc áp mức thuế trần với Việt Nam lên đến 46% gây bất ngờ và là "cú giáng" lên các doanh nghiệp xuất khẩu như thuỷ sản, dệt may…
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ của Việt Nam hiện có mặt hàng chịu thuế 0%, có mặt hàng 7%, 12%, hoặc như mặt hàng áo khoác là 27%. Việt Nam không có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ nên nền tảng thuế đã có rồi, không phải hiện nay mới áp.
"46% là đánh thuế vào tổng quan các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, sắp tới sẽ có chi tiết từng dòng hàng để áp thuế. Chính phủ đang triển khai hàng loạt giải pháp, tiếp tục đàm phán để xem xét vận dụng, áp dụng các dòng thuế ra sao trong thời gian tới. Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp bình tĩnh chờ đợi sự đàm phán giữa hai chính phủ. Các nhãn hàng cũng sẽ đưa ra quan điểm của họ để không gây ảnh hưởng nhiều tới tổ chức sản xuất", ông Giang nói.
Ngoài ra, ông Vũ Đức Giang cho rằng, cần kiểm soát việc nhập khẩu nguyên vật liệu, tránh bị "rửa", bị luồn lách. Do đó, chúng tá cần hết sức cẩn trọng để đảm bảo uy tín của hàng dệt may với tất cả thị trường, không riêng Mỹ. Tiếp đó, cần chủ động nâng cao năng lực, tìm kiếm khách hàng mới, đa dạng hoá thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường lớn nào;
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), lo ngại, thuế suất chung cho Việt Nam lên đến 46% sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ và khiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm sút.
Ngay trong sáng nay, Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TPHCM cũng đã họp gấp các thành viên hiệp hội và doanh nghiệp để bàn thảo và có những đánh giá thêm, từ đó có phương án ứng phó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, lo ngại, chính sách thuế quan của Mỹ khiến các doanh nghiệp không dám mở rộng đầu tư trong năm nay, đa số co cụm và làm các đơn hàng đã có trước đó. Trong quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành có tăng, nhưng nỗi lo vẫn còn phía trước.
Về phía doanh nghiệp của mình, ông Phạm Xuân Hồng cho biết, đã có cuộc họp với khách hàng Mỹ để thông tin tình hình và thương lượng lại chính sách giá, tinh thần là chia sẻ khó khăn cùng nhau. Hướng sắp tới, doanh nghiệp buộc phải tiếp tục tối ưu hóa sản xuất để giảm chi phí. Đặc biệt, doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh phát triển các thị trường mới, đặc biệt là thị trường châu Âu thông qua các Hiệp định thương mại như EVFTA.
Theo thống kê, năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt khoảng 43,5 tỷ USD và tăng trưởng 11% so với năm trước, đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may tốt nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may thế giới.
Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 tỉ USD hàng dệt may và tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ vẫn ở mức 40%.
Công ty Chứng khoán KBSV đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra nếu Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các đối tác bị áp thuế đối ứng.
Kịch bản thứ nhất: Việt Nam bị áp thuế đối ứng không tính đến thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Mỹ có thể tăng mức thuế bình quân thêm 5,8% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Kịch bản thứ 2: Việt Nam bị áp thuế đối ứng có tính đến thuế VAT. Mỹ có thể xem xét đến cả những rào cản thương mại khác mà các quốc gia khác đang áp dụng, điển hình như thuế VAT, theo đó, mức thuế đối ứng có thể lên tới xấp xỉ 11%.
Kịch bản thứ 3: Việt Nam không bị áp thuế đối ứng. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang có những kế hoạch cụ thể nhằm tăng mua hàng hóa từ Mỹ… nên kịch bản này đang được kỳ vọng nhất.