Doanh nghiệp địa ốc ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai như thế nào?

Trần Lân
09/08/2020 - 13:35
Doanh nghiệp địa ốc ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai như thế nào?

Nguồn ảnh: Thương trường 24h

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19 lần hai, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết đã phải tạm ngưng hầu hết các hoạt động, đồng thời thay đổi lại kế hoạch mới mang tính phát triển dài hơi. Một số khác duy trì kinh doanh qua online với nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn, ưu đãi chiết khấu…

BĐS nằm trong Top 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho biết, nhóm cộng sự của ông đã thực hiện một cuộc khảo sát về tác động của  dịch 19 đối với 15 ngành nghề chính tại Việt Nam, chiếm tới 80% GDP. Kết quả cho thấy bất động sản (BĐS) là 1 trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cũng theo khảo sát này, tổng giá trị sang nhượng BĐS đã giảm 0,4% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm trong khi giá cổ phiếu ngành giảm tới 16% so với đầu năm, là 1 trong 10 lĩnh vực có giá cổ phiếu giảm mạnh nhất (chỉ số VNIdex giảm 14% so với đầu năm). Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh do Covid-19 tăng tới 98% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, dịch Covid-19 trước mắt đã gây ảnh hưởng nặng đến hầu hết các lĩnh vực nói chung và BĐS nói riêng. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 lần này đã được dự liệu từ trước, về cơ bản tâm lý đã có sự chuẩn bị nên không quá bất ngờ và hoang mang như lần 1.

Theo ông Châu, với BĐS, tác động từ dịch bệnh chỉ là khó khăn trước mắt, về lâu dài không thể kìm hãm sự phát triển của thị trường. Bởi nguồn cung hiện tại đang bị nghẽn, nhu cầu lớn, nên khi dịch bệnh được kiểm soát, các chủ đầu tư ra hàng, sức cầu sẽ bung ra với lượng khách hàng cơ hữu rất nhiều.

Kế hoạch ứng phó của doanh nghiệp địa ốc

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết, khi dịch bệnh bùng phát đợt 2 phần nào đã nằm trong kịch bản ứng phó của các doanh nghiệp cũng như của Chính phủ chứ không còn bị bất ngờ như giai đoạn đầu. Các doanh nghiệp xác định phải "sống chung" với dịch bệnh trong vòng 6-12 tháng sắp tới khi mà vaccine chính thức vẫn chưa được công bố và tình hình dịch bệnh ở các nước vẫn còn phức tạp. Cần ít nhất 12-24 tháng sau đó để từng bước hồi phục nền kinh tế và nối lại chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp địa ốc ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai như thế nào? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land.

"Hiện chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đầu tư phát triển dự án, có kịch bản điều chỉnh trong tình huống mới khi xảy ra. Tuy nhiên, ưu tiên của doanh nghiệp hiện nay là áp dụng các biện áp phòng dịch an toàn nhất để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, cho tiến độ công trình và chuẩn bị chu đáo các kế hoạch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Dự kiến cuối năm nay, công ty sẽ ra mắt sản phẩm căn hộ với giá trị phù hợp với thu nhập của khách hàng", bà Hương cho hay.

Đại diện Thắng Lợi Group cho biết, trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, với kinh nghiệm lần trước, công ty luôn chủ động, bình tĩnh xử lý mọi phát sinh. Trước hết, tất cả các biện pháp chống dịch đều tuân thủ theo chỉ định của ngành y tế như: Rửa tay thường xuyên ngay từ cửa vào lễ tân, đeo khẩu trang, đo nhiệt độ toàn nhân viên trong công ty ngày 2 lần... Các hoạt động giao tiếp, kinh doanh được công ty điều hướng từ bán hàng trực tiếp chuyển dần sang hình thức bán trực tuyến, tư vấn từ xa để đảm bảo an toàn mùa dịch cho khách. Các chính sách an toàn mùa dịch được đồng loạt tiến hành đồng bộ tại tất cả các chi nhánh của công ty.

"Dịp này, công ty cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng. Đơn cử là dự án J-Dragon, bên cạnh những chính sách ưu đãi thông thường khi mua dự án, công ty còn hỗ trợ thêm gói ưu đãi tài chính đặc biệt như chiết khấu ngay 8% và miễn thanh toán trong 6 tháng khi mua dự án và nhiều chính sách hỗ trợ gia hạn thanh toán…" - đại diện Thắng Lợi Group chia sẻ.

Đại diện Công ty CP đầu tư BĐS Rio Land cho biết, ngoài việc tái khởi động các phương án chống dịch như đợt đầu và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị, công điện khẩn từ các cơ quan nhà nước, công ty cũng đưa ra nhiều chương trình trong đợt dịch này như: Thanh toán 30% đến khi nhận nhà, chiết khấu khi thanh toán nhanh, hỗ trợ lãi suất của ngân hàng, ân hạn nợ gốc trong năm đầu, tặng quà…

Bà Tạ Thị Thu Hương, Trưởng phòng truyền thông Tập đoàn Nam Group, cho biết, mặc dù hầu hết các hoạt động kinh tế trong nước đều chịu ảnh hưởng nặng của đợt dịch Covid-19 lần này, tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn nếu xét ở góc độ tích cực thì đây cũng là cơ hội kinh doanh "ngược sóng" đối với một số doanh nghiệp hiện sở hữu các sản phẩm BĐS giá trị thật với tiềm năng sinh lời bền vững trước bối cảnh thị trường đang khan hiếm nguồn cung.

Doanh nghiệp địa ốc ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai như thế nào? - Ảnh 2.

Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi trong đợt dịch Covid-19 thứ hai. Ảnh: Chủ đầu tư Nam Group cung cấp

"Nhằm kích cầu thị trường trong giai đoạn đại dịch, Tập đoàn cũng triển khai chương trình với chính sách cam kết mua lại với lãi suất 12% cho khách hàng trong đợt ra mắt nhà phố thương mại biển The Sound (dự án Thanh Long Bay) mới đây, cùng với đó là chính sách ưu đãi về tài chính như: Chỉ cần thanh toán 30%, được ưu đãi lãi suất 0%, ân hạn nợ gốc cho đến khi nhận nhà", bà Tạ Thị Thu Hương thông tin.

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho biết, ở thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại thì việc kinh doanh của các doanh nghiệp có 2 góc độ: Một là doanh nghiệp tìm thấy trong "nguy" có "cơ hội"; hai là doanh nghiệp không thể chờ được nữa, buộc phải kinh doanh.

Ở góc độ thứ nhất, ông Hiển cho rằng doanh nghiệp cần phải có 3 yếu tố: thứ nhất tung ra được sản phẩm mới trong khi những doanh nghiệp khác tạm hoãn lại các kế hoạch ra hàng; thứ hai sản phẩm ra mắt phải thỏa đáng với những điều kiện về chất lượng, giá cả, vị trí tốt…; thứ ba có được một đối tác (đại lý bán hàng) có uy tín và năng lực bán hàng tốt để cùng đồng hành với doanh nghiệp. Nếu hội đủ 3 yếu tố nêu trên thì doanh nghiệp có thể vững vàng trong việc kinh doanh và có thể đi "ngược sóng" trong giai đoạn này.

Còn ở góc độ thứ hai, đối với những dự án không thể dừng do doanh nghiệp bị sức ép về lãi vay ngân hàng cũng như là nhu cầu thu hồi vốn để tái đầu tư nên buộc doanh nghiệp phải kinh doanh. Ở hoàn cảnh này doanh nghiệp sẽ dễ đi vào những sai lầm do phải đẩy mạnh quảng cáo, tạo một chi phí truyền thông rất lớn, tạo ra những thông điệp, thậm chí sẽ hứa hẹn những điều tốt đẹp và hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế có thể doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng hết những hứa hẹn này dẫn đến nhiều khó khăn và dễ thất bại.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm