Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ thiếu vốn hơn 1 tỉ USD

29/09/2017 - 14:55
Rào cản tiếp cận tài chính kìm hãm sự tăng trưởng và đóng góp cho nền kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Ước tính các doanh nghiệp nữ này thiếu vốn 1,19 tỉ USD khiến họ không có cơ hội mở rộng và phát triển.
Ngày 29/9, tại Thừa Thiên - Huế đã diễn ra “Diễn đàn Hành động Kết nối Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với các thị trường khu vực Đông Á” do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng tổ chức WEConnect tổ chức. Diễn đàn diễn ra song song với Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC. 
ket-noi-doanh-nghiep-do-phu-nu-lam-chu-1.JPG
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Tại diễn đàn, các đại biểu thảo luận về những giải pháp kết nối các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và các dịch vụ tài chính liên khu vực Đông Á, góp phần hỗ trợ các mục tiêu của APEC và Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) về bình đẳng giới và tài chính toàn diện.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò thiết yếu trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp và 50% tổng số lao động cả nước. Tuy nhiên, một phân khúc quan trọng của thị trường này - DNNVV do phụ nữ làm chủ - chưa được nhìn nhận đầy đủ. Quản lý và điều hành hoạt động hoạt động của gần 45.000 DNNVV thuộc các lĩnh vực khác nhau, các nữ doanh nhân tạo ra lợi nhuận trung bình hàng năm tương đương với các nam doanh nhân và các doanh nghiệp của họ đang tăng trưởng với tốc độ trên 20%. Tuy nhiên, khi cần vay vốn ngân hàng, phụ nữ thường gặp rất nhiều khó khăn hơn so với nam giới.

img_2361.JPG
Bà Greta Schettler - Giám đốc điều hành Tổ chức WEConnect quốc tế phát biểu


Thiếu tiếp cận tài chính kìm hãm sự tăng trưởng và đóng góp cho nền kinh tế của các DNNVV do phụ nữ làm chủ. Ước tính nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng của DNNVV do phụ nữ là chủ tại Việt Nam hiện lên tới 1,19 tỉ USD, hạn chế các cơ hội dành cho phụ nữ để mở rộng và phát triển doanh nghiệp của mình. Đó là kết quả khảo sát thị trường do IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, thực hiện.

ket-noi-doanh-nghiep-do-phu-nu-lam-chu-2.JPG
Bà Joanna Romero - chuyên gia DNNVV và tài chính theo giới của IFC - trình bày báo cáo nghiên cứu

Bản báo cáo với tiêu đề "Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Quan niệm và tiềm năng" của IFC chỉ ra rằng trong 2 năm vừa qua, chỉ 37% DNNVV do phụ nữ làm chủ tiếp cận được các khoản vay ngân hàng so với 47% doanh nghiệp thuộc sở hữu của nam giới. Dù môi trường đầu tư trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, đa phần các ngân hàng hoặc cho rằng không cần đưa ra một cách tiếp cận riêng đối với các nữ doanh nhân hoặc đánh giá phân khúc này là ít lợi nhuận hơn, nhiều rủi ro hơn và thiếu kỹ năng quản lý tài chính.

kyle-kelhofer-ifc.jpg
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào


“Khảo sát này đã thay đổi nhìn nhận về khu vực DNVVN do phụ nữ làm chủ khi chỉ ra những thách thức khi phục vụ phân khúc này thật ra lại chính là cơ hội cho các ngân hàng và các nhà cung ứng dịch vụ nói chung, tạo điều kiện cho họ nắm bắt được một thị trường đang tăng trưởng của các nữ doanh nhân có năng lực; khai thác tiềm năng lớn còn chưa được phát huy của các nữ doanh nhân Việt Nam. Đã đến lúc các ngân hàng cần nhìn nhận DNNVV do phụ nữ làm chủ là một phân khúc khách hàng chiến lược và riêng biệt, với những sản phẩm và dịch vụ được thiết kế phù hợp”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết.

Nhìn nhận các nữ doanh nhân là lực lượng quan trọng trong khối DNNVV tại Việt Nam, nghiên cứu khuyến nghị các ngân hàng hãy tìm hiểu kỹ hơn phân khúc chưa được chú trọng đầy đủ này, bằng cách xác định các nhu cầu và cơ hội tài chính cũng như phi tài chính cụ thể của họ. Cần đào tạo về tính nhạy cảm giới cho nhân viên ngân hàng để họ hiểu rõ hơn các khía cạnh về giới trong hoạt động ngân hàng, ví dụ những khác biệt về giới trong nhu cầu, sở thích, hành vi tài chính và khắc phục bất cứ định kiến nào có thể tác động đến hoạt động cung ứng dịch vụ. Các ngân hàng có thể cải thiện sản phẩm và dịch vụ dành cho DNNVV do phụ nữ làm chủ bằng cách hỗ trợ các hình thức cung cấp dịch vụ phi tài chính thích hợp dành cho nữ doanh nhân, qua đó giải quyết các vấn đề như thiếu cơ hội tiếp cận tài chính, thông tin, kỹ năng và các thị trường mới.

Khảo sát "Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Quan niệm và tiềm năng" được thực hiện với sự hỗ trợ từ Goldman Sachs 10.000 Phụ nữ - một sáng kiến toàn cầu mang lại cho các nữ doanh nhân cơ hội được đào tạo về quản trị và kinh doanh, được cố vấn và kết nối mạng lưới và được tiếp cận nguồn vốn; Quỹ Bảo vệ Bình đẳng Giới (UFGE) - một quỹ ủy thác đa phương do Nhóm Ngân hàng Thế giới quản lý, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ, đưa ra những giải pháp phát triển để đẩy mạnh thịnh vượng và gia tăng cơ hội cho mọi đối tượng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm