pnvnonline@phunuvietnam.vn
Doanh nghiệp nữ làm chủ tích cực chuyển đổi xanh trước nhiều thách thức
Nữ giới ngày càng tích cực trong phát triển kinh tế xanh
Nhằm hướng tới Net Zero, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh - bền vững, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược, là lợi thế cạnh tranh, đạt mục tiêu kép: đạt được hiệu quả kinh doanh và tác động tích cực tới môi trường. Nhờ vào đó, sự nhận thức và hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh bền vững, giảm phát thải nói riêng đã được nâng cao rõ rệt.
Tính tới năm 2022, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 98% số doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 24% là doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Tại tọa đàm về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tác động xã hội và DNNVV do phụ nữ làm chủ, bà Nguyễn Như Quỳnh - cán bộ quản lý chương trình dự án ISSE COVID, UN Women cho biết: Những lĩnh vực quy tụ nhiều doanh nghiệp SIB (Social Impact Business – doanh nghiệp có tác động môi trường) nhất có thể kể tới: nông – lâm - thủy sản chiếm 46%, dịch vụ chiếm 33,3%… Trong đó, tỷ lệ lao động nữ trong nhóm SIB đang ngày càng phát triển hơn, chiếm khoảng 37%. Điều này cho thấy nữ giới đang dần có sự đóng góp đáng kể trong việc phát triển kinh tế xanh.
Là nhóm doanh nghiệp chủ yếu của nền kinh tế, vì vậy: “Chính những đóng góp bảo vệ môi trường từ DNNVV do nữ làm chủ cũng đã góp phần phát triển kinh tế bền vững”, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Hiện nay, có những doanh nghiệp đã tích cực đổi mới, đặc biệt là tạo ra lợi nhuận kinh doanh song song với những tác động tác động tích cực tới môi trường, xã hội, hướng tới phát triển xanh, hướng tới mục tiêu kép.
Tuy nhiên, xu hướng xanh chủ yếu xuất hiện ở khối các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó, số lượng DNNVV chiếm khá nhiều, nhưng chưa có chuyển biến rõ nét. Vì vậy nhóm doanh nghiệp này cần phải được thúc đẩy để giúp lan tỏa mục tiêu phát triển bền vững.
Doanh nghiệp thiếu nguồn vốn để phát triển xanh
“Với các doanh nghiệp lớn, việc chuyển đổi xanh cũng không phải là điều dễ dàng chứ chưa nói tới những DNNVV”, bà Thủy cho biết.
Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SIB, tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP đã quy định những mức hỗ trợ cho doanh nghiệp SIB, bao gồm: hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ tư vấn, miễn học phí trong hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ giải quyết đầu ra… song vẫn chưa đủ. Đây là vấn đề mà phía Cục cũng như Bộ đang trăn trở và nghiên cứu tìm cách giải quyết.
Theo đó, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh vẫn đến từ nguồn vốn, khi cần tốn nhiều chi phí để đầu tư vào quá trình chuyển đổi, cùng với đó là đảm bảo mục tiêu kép: đạt hiệu quả lợi nhuận và tác động tích cực tới môi trường.
Với vị trí là Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp huyện Mỹ Đức, đồng thời, từ hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp dệt may của bản thân, chị Bùi Thị Hoàn cho biết: Khó khăn trong kinh phí và cách thức chuyển đổi xanh đang là trở ngại lớn nhất cho doanh nghiệp.
"Đi vào cụ thể ngành dệt may, cần xuất khẩu thì phải thông qua nhiều khâu sản xuất, đồng nghĩa với việc chuyển đổi số tất cả các khâu mới thành công được. Nhưng chính vì những khó khăn về kinh phí và cách thức làm đến nay cơ sở kinh doanh vẫn chưa chuyển đổi xanh được", chị Hoàn nói.
Xu hướng của thế giới hiện nay là phát triển xanh vì vậy để thu hút thị trường quốc tế, doanh nghiệp cũng đã phải định hướng sản xuất các sản phẩm xanh, đồng nghĩa với việc nguyên vật liệu cũng phải xanh, khi nhập nguyên liệu về, bản thân doanh nghiệp cũng phải có bước sơ chế để "xanh hóa" sản phẩm.
Chị Hoàn nhấn mạnh thêm, là người lao động, nữ chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhiều lao động nữ, để chuyển đổi xanh mà vẫn đảm bảo được hoạt động kinh doanh hiệu quả, mức giá hợp lý cho sản phẩm là điều chị vẫn chưa thể làm được khi nguồn vốn còn khiêm tốn.
Từ đó, chị mong muốn, phía cơ quan nhà nước, chính quyền sẽ có những quan tâm sâu sắc hơn nữa để khắc phục khó khăn, thúc đẩy chuyển đổi, thông qua những chính sách bứt phá hơn để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt nguồn vốn và nâng cao nhận thức cho chuyển đổi xanh.
Trước ý kiến này, bà Thu Thủy cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn muốn hỗ trợ hết mức có thể với khó khăn của doanh nghiệp. Song, những vướng mắc ở đối tượng hỗ trợ vì thời điểm ra quy định của quỹ phát triển kế hoạch chưa có nhắc tới DNNVV “xanh", mà chỉ nhắc tới một số đối tượng nhóm DNNVV nên chưa thể triển khai hỗ trợ thêm cho DNNVV kịp thời được.
Điều này thuộc về khung pháp lý, chính sách chưa cập nhật kịp thời, nên Bộ đang tiếp tục đẩy nhanh nghiên cứu để sửa đổi, hỗ trợ được những đối tượng cần thiết, ưu tiên dự án xanh và bền vững.
Đồng thời, bà đưa ra lưu ý, chuyển đổi xanh hay chuyển đổi số đều cần rất nhiều kinh phí, thậm chí lên tới tiền tỷ, nên các doanh nghiệp cần có sự tư vấn, chuẩn bị, lên kế hoạch kỹ lưỡng, quy chuẩn hóa trước khi quyết định thực hiện, đầu tư vào.
Tiếp nối vấn đề vốn, đại diện CLB OCOP toàn quốc chia sẻ, nguồn vốn quan trọng nhưng quản trị vốn còn quan trọng hơn, vì vậy các doanh nghiệp còn cần phải biết cách sử dụng và quản lý nguồn vốn sao cho hiệu quả, đặc biệt là đối với nhiều DNNVV xuất phát từ vùng sâu xa, nông thôn.
Ngoài ra, cần có sự đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho nhân sự trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số: “Chuyển đổi xanh cần có nguồn vốn, nhưng song song đó còn cần yếu tố cốt lõi là nhân sự số”.