Độc đáo, thiết thực 'CLB con dâu dòng họ'

04/10/2019 - 08:18
“CLB con dâu dòng họ đã xây dựng được khối đoàn kết trong dòng họ. Tại đây, các chị em thường xuyên gặp gỡ trao đổi, giúp nhau phát triển kinh tế, giúp các con học tập. Từ đó, đưa phong trào hoạt động phụ nữ của Xuân Liên đạt được nhiều kết quả nổi bật”, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) Trần Thị Hường chia sẻ.
Trước là gắn kết tình cảm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống
 
Xã Xuân Liên là địa phương có nét đặc thù khi số lượng người đi xuất khẩu lao động lớn với hơn 1.600 người. Tại đây, có đến 70% hộ gia đình có chồng đi xuất khẩu lao động, còn vợ ở nhà vừa quán xuyến việc nhà, chăm lo con cái, công việc nội tộc vừa phát triển kinh tế. Vất vả lo toan cho gia đình trong khi người chồng đi làm ăn kinh tế xa, thiếu thốn sự chăm sóc, chia sẻ, các chị em ở nhà đã có ý tưởng thành lập các CLB con dâu dòng họ để góp phần thêm phần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
 
Hiện toàn xã Xuân Liên có 12 CLB con dâu dòng họ với hơn 1.000 hội viên. Từ khi thành lập, các CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt để chị em nàng dâu gặp gỡ, hiểu biết lẫn nhau; từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của con dâu với trách nhiệm trong việc xây dựng dòng họ.
 
Chị Ngô Thị Xuân (SN 1977, thành viên CLB con dâu dòng họ Nguyễn Tiến Sĩ) có chồng đi làm ăn tại Đài Loan đã gần 3 năm nay. Một mình chị ở nhà vừa lo toan mọi việc trong gia đình, vừa chăm sóc mẹ chồng 78 tuổi, 4 người con đang tuổi ăn tuổi học, nhiều lúc hết sức khó khăn. “Chồng làm ăn xa, con cái còn nhỏ nên cũng có nhiều vất vả. Nhưng mỗi lúc mệt, ốm đau hay lúc gia đình có sự việc gì nhờ nhận được sự thăm hỏi, động viên, giúp đỡ của các chị em trong CLB con dâu dòng họ Hoàng Văn nên bản thân tôi cũng được an ủi phần nào và lại có thêm động lực để vượt qua. Các mẹ cũng thường xuyên cho cháu vui chơi, học nhóm, thi đua với nhau nên vui lắm” chị Xuân chia sẻ.
 
 
Hầu hết chị em đều có chồng đi làm ăn xa nên việc hương khói được các chị em trong CLB chăm lo chu đáo
Cũng như chị Xuân, chị Ngô Thị Mai (SN1980, hiện là chủ nhiệm CLB dòng họ Nguyễn Tiến Sỹ) có chồng đi xuất khẩu lao động ở Pháp đã hơn 13 năm. Hôm nay, đến ngày đầu tháng, chị cùng các chị em dâu trong CLB Con dâu dòng họ Nguyễn Tiến Sĩ lại về nhà thờ họ để lau rửa, dọn dẹp. Chị Xuân cho hay, đây là một phần công việc của thành viên trong CLB vào mỗi ngày rằm, mồng 1, hay ngày lễ, tết. CLB Con dâu dòng họ Nguyễn Tiến Sĩ ra đời năm 2010, là CLB đầu tiên ở xã Xuân Liên. Khi mới thành lập, CLB chỉ có 45 hội viên, đến nay có 162 chị em tham gia.
 
Nguyên là chủ tịch CLB con dâu dòng họ Nguyễn Tiến Sỹ đầu tiên, bà Lê Thị Hai (SN 1948) vẫn còn nhớ như in những ngày đầu mới thành lập và đảm nhiệm công việc cầm cán. “Khi đó CLB mới thành lập, chưa đi vào quy củ nên các chị em trong dòng họ cũng bỡ ngớ và chưa thạo trong các hoạt động. Tuy nhiên, nhờ sự đồng sức đồng lòng, chỉ một thời gian ngắn, CLB con dâu dòng họ Nguyễn Tiến Sỹ chúng tôi đã hoạt động đi vào khuôn khổ”.
 
 
Vào mỗi ngày rằm, mồng 1, hay ngày lễ, tết... CLB Con dâu dòng họ Nguyễn Tiến Sĩ lại về nhà thờ họ để lau rửa, dọn dẹp.
“Bắt đầu từ những cô dâu có chồng đi xa, nay tất cả con dâu của dòng họ đều tham gia CLB. Con, cháu dâu trong họ luôn làm tốt việc hương khói trong nhà, trong họ, nuôi dạy con cái nên người, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Mỗi người đều phấn đấu trở thành tấm gương sáng cho thế hệ nối tiếp học tập và noi theo. Hàng năm, CLB cũng có quỹ khuyến học đề động viên con em có thành tích cao trong học tập, lao động, thể dục thể thao”, ông Nguyễn Viết Xuân – Trưởng ban văn hóa dòng họ Nguyễn Tiến Sĩ cho biết.
 
Cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương
 
Không chỉ đoàn kết, chung tay chăm lo việc của dòng họ, các thành viên của CLB con dâu còn chủ động tìm kiếm việc làm, giúp đỡ nhau làm ăn, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
 
Được thành lập năm 2014, CLB con dâu dòng họ Trần Quý hiện có hơn 180 thành viên và là CLB có số thành viên đông nhất xã Xuân Liên. Chị Phan Thị Hòa – Chủ nhiệm CLB cho biết, từ khi thành lập, nhận thấy nhiều chị em có thời gian nhàn rỗi, CLB đã thành lập Tổ hợp tác đan lưới và nấu nướng. Tổ nấu nướng có từ 15 – 20 người chuyên đi nấu, làm tiệc, phục vụ đám cưới trong và ngoài xã. Còn Tổ đan lưới thì lúc nào cũng có từ 35 - 48 chị em thường xuyên tham gia. Đó là nhờ lợi thế là người dân nơi cửa biển, các chị trong CLB đều có tay nghề cao, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt. Tiếng lành đồn xa, ngoài những người trong huyện đặt hàng thì ngư dân ở các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên cũng tìm tới thuê các chị đan lưới.
 
Vừa đi giao lưới cho khách về, chị Nguyễn Thị Hiền (38 tuổi, thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên) - một thành viên của CLB Con dâu họ Trần Quý - lại tất tả bắt tay vào việc vá lưới. Chị Hiền chia sẻ: “Từ khi tham gia vào tổ hợp tác, mỗi tháng, ngoài số tiền chồng gửi về từ nước ngoài, mỗi người còn kiếm được từ 5-6 triệu đồng để trang trải thêm cho cuộc sống, tiền học hành của con cái. Hơn nữa, khi có công ăn việc làm, chị em cũng phấn khởi hơn”.
 
 
Công việc đan, vá lưới của các chị trong CLB Con dâu họ Trần Quý mang lại thu nhập mỗi tháng từ 4-6 triệu đồng.
Hiện nay, 12 CLB con dâu của xã Xuân Liên có nguồn quỹ khoảng 4 tỷ đồng từ sự đóng góp hàng năm của các thành viên. Trong đó, số quỹ của CLB con dâu dòng họ Trần Quý là 880 triệu đồng, họ Nguyễn Tiến Sĩ là hơn 700 triệu đồng. Cũng từ nguồn quỹ này, nhiều chị em gặp khó khăn ở các CLB đã được vay không lấy lãi để đầu tư phát triển kinh tế.
 
Chị Phan Thị Tửu là một trong những hộ gia đình được vay vốn của CLB con dâu dòng họ Hoàng Văn. Năm 2014, với số vốn vay CLB là 30 triệu đồng cùng với số tiền gia đình tích góp được, chị đã mạnh dạn đầu tư vào các loại cây ăn quả như táo, na, bưởi, và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi gà, thả lợn nái, thả cá. Đến nay, sau 5 năm, khu vườn nhà chị đã sai trĩu quả, đàn gà nhà chị đã lên đến 300 con gà và cả lợn nái, cá... bình quân mỗi năm, chị thu về hơn 120 triệu đồng. “Bên cạnh cho vay vốn, chị em trong CLB còn thường xuyên đến nhà động viên, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Nhờ vậy, sau 5 năm, gia đình tôi đã có kinh tế ổn định, lo cho con ăn học, sửa sang nhà cửa” chị Phan Thị Tửu vui vẻ nói.
 
 
Do là người dân nơi cửa biển nên hầu hết các chị em đều có tay nghề cao.
“Ở xã Xuân Liên, hầu hết các chị em đều có chồng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Việc thành lập các CLB con dâu dòng họ và hoạt động bền vững có ý nghĩa rất lớn không chỉ giúp chị em gắn kết tình cảm với nhau mà còn mang lại hiệu quả thiết thực ở nhiều mặt. Hiện nay, toàn xã đã có 12 CLB, ở mỗi CLB đều thì đua nhau trong mọi hoạt động để cùng giao lưu học hỏi, hỗ trợ, bổ sung để thành một quy chế hoạt động hoàn thiện, hiệu quả”, chị Trần Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đánh giá.
 
Không những chăm lo việc gia đình, dòng họ, phát triển kinh tế, các chị em CLB còn tích cực cùng Hội LHPN xã, địa phương tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ , thể dục thể thao, xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong quá trình xây dựng NTM, khi gặp khó đến đâu, các chị lại tổ chức đứng ra tuyên truyền các gia đình tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp tiền ngày công, làm vệ sinh môi trường, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, qua đó góp phần đưa xã Xuân Liên đạt chuẩn NTM vào năm 2017.
 
Có thể nói, CLB con dâu dòng họ ở xã Xuân Liên là mô hình độc đáo, hay với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Hiệu quả từ mô hình này cần tiếp tục được nhân rộng trong nhiều dòng họ và nhiều địa phương khác, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giữ gìn hạnh phúc gia đình, an ninh trật tự tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm