“Đôi mắt người Sơn Tây” - Nỗi đượm buồn thời tao loạn

Thái Dũng
17/12/2021 - 14:31
“Đôi mắt người Sơn Tây” - Nỗi đượm buồn thời tao loạn

Nhà thơ Quang Dũng chụp ảnh tại ngôi trường mà con gái (bìa phải) công tác ở huyện Lâm Hà, Lâm Đồng

Nói đến Quang Dũng (1921 - 1988) bên cạnh “Tây tiến” là nói đến “Đôi mắt người Sơn Tây”. Năm nay kỷ niệm tròn 100 năm sinh của nhà thơ và tuổi bài thơ đã ba phần tư thế kỷ nhưng sức hấp dẫn của thi phẩm không hề vơi giảm. Do đâu bài thơ hấp dẫn và có sức sống lâu bền như vậy?

Từng câu chữ trong bài thơ là tiếng lòng của thi sĩ, khởi nguồn từ cuộc gặp gỡ đượm màu buồn thương với người con gái Sơn Tây, tuy mới quen nhau đã "âm thầm thương mến" (chữ dùng của Chính Hữu) rồi chia tay giã biệt. Với tám khổ thơ thể tự do, tác giả nói lên được nhiều nỗi niềm xúc cảm.

Những câu thơ mở đầu vời vợi cảm xúc buồn thương: "Em ở thành Sơn chạy giặc về/Tôi từ chinh chiến cũng ra đi/Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt/Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì"... "Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em đã bao ngày em nhớ thương?" Tất cả những ký ức, những hình ảnh đẹp tiêu biểu ấy về quê nhà vẫn được lưu giữ trong lòng tác giả.

Giờ đây gặp được người em gái ấy như là hiện thân của quê hương vậy, thi sĩ nóng lòng muốn biết tình hình về người thân, liền dồn dập hỏi thăm tin tức: "Mẹ tôi, em có gặp đâu không?/Bao xác già nua ngập cánh đồng/Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ/Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?". Chỉ vài câu thơ dạng nghi vấn, tác giả vừa thể hiện được sự lo lắng, nỗi nhớ đau đáu người thân vừa tái hiện được thảm họa chết chóc đầy thương đau của đất nước thời loạn lạc.

Trong bài, hình ảnh đôi mắt xuyên suốt, xuất hiện khi trực tiếp, lúc gián tiếp qua "suối lệ", "lệ", "ráo lệ". Nói tới "đôi mắt" là nói đến cửa sổ của tâm hồn con người. Đôi mắt chứng kiến những đau thương của một thời kỳ đất nước tang tóc "Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn".

“Đôi mắt người Sơn Tây” - Nỗi đượm buồn thời tao loạn - Ảnh 1.

Nhà thơ Quang Dũng thời trẻ - Ảnh tư liệu

Đôi mắt ấy vừa có sự tương đồng cảnh ngộ, vừa có sự giao thoa giữa hai tâm hồn; mắt không chỉ chứng kiến những đau thương mất mát mà còn ẩn chứa nỗi nhớ và niềm tin vào tương lai: "Bóng ngày mai quê hương/Đường hoa khô ráo lệ". Cùng mạch cảm xúc trong trẻo ấy, tác giả bày tỏ niềm khát khao và tin tưởng một ngày không xa sẽ được trở lại quê nhà. Khổ thơ sau đã phác họa nên bức tranh thật đẹp về cảnh vật xứ Đoài: "Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc/Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng".

Màu sắc bức tranh quê hương ở đây thật tươi tắn: đồng lúa vàng ươm, sông nước trong xanh in dáng núi màu lam, tiếng sáo diều đêm trăng khuya… Cảnh bình dị mà thơ mộng, thanh bình biết bao. Khổ thơ khép lại toàn bài tác giả bày tỏ niềm tin vào ngày mai kháng chiến thắng lợi, hòa bình sẽ đem lại cuộc sống an vui rộn vang tiếng hát: "Bao giờ tôi gặp em lần nữa/Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/Còn có bao giờ em nhớ ta?".

Hòa với ước mong niềm vui hòa bình trở lại và tiếng ca rộn ràng vui tươi, thi sĩ hỏi và mong đợi ở người con gái "Còn có bao giờ em nhớ ta?". Trong câu thơ dạng nghi vấn này vừa như một tín hiệu sóng trao gửi tin yêu: ta đã nhớ thương em, còn em thì sao? Câu thơ lóe lên tia sáng của hy vọng khiến cho bài thơ viết về một hiện thực một thời kỳ đất nước còn đầy những thương đau nhưng không hề bi quan.

Thi phẩm càng được chắp cánh và lan tỏa nhanh, rộng khi cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương - một trong những tên tuổi lớn nhất của làng nhạc Sài Gòn kể từ 1950 - phổ nhạc. Tên gọi của ca khúc là "Mắt người Sơn Tây" trở nên rất nổi tiếng trong giới nghe nhạc Sài Gòn ở thập niên 1970, và người hát hay nhất là nam danh ca Duy Trác. Một điều đáng chú ý là Quang Dũng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Duy Trác đều là người Sơn Tây.

Bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" hấp dẫn người đọc bởi thi tứ gợi cảm, tình người chân thật trước thực trạng quê hương thương đau ly biệt bởi chiến tranh vừa gửi gắm được cảm xúc với người con gái yêu kiều của Xứ Đoài mà thi sĩ thầm yêu trộm nhớ.

Bài có khá nhiều dị bản, dưới đây là bài thơ rút từ Văn nghệ Xứ Đoài số đặc biệt (NXB Hội Nhà văn 4 - 2019) do con gái thi nhân, nhà giáo Bùi Phương Thảo, gửi đến.

ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY

Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em đã bao ngày em nhớ thương?

Mẹ tôi em có gặp đâu không

Những xác già nua ngập cánh đồng

Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ(1)

Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Từ độ thu về hoang bóng giặc

Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn

Đất đá ong khô nhiều suối lệ (2)

Em đã bao ngày lệ chứa chan?

Đôi mắt người Sơn Tây

U ẩn chiều lưu lạc

Buồn viễn xứ khôn khuây (3)

Cho nhẹ lòng nhớ thương

Em mơ cùng ta nhé

Bóng ngày mai quê hương

Đường hoa khô ráo lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa

Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca (4)

Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ

Còn có bao giờ em nhớ ta?

1949

Dị bản:

(1) Tôi cũng có thằng con bé dại

(2) Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ

(3) Cho nhẹ lòng nhớ thương

(4) Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm