pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đổi thay với phụ nữ dân tộc Thái ở Mường Sang
Những tiết mục văn nghệ của phụ nữ bản Vặt níu chân du khách
Người Thái có câu tục ngữ “Lai móc pin phấn – Lai cần pin bán” – “Nhiều mây trời mới đổ mưa – Nhiều người mới nên làng nên bản” để nói về tinh thần đoàn kết và tương trợ trong cộng đồng. Cũng với tinh thần này, các mô hình du lịch cộng đồng tại thôn bản đã được phát triển, với sự chung sức của chị em phụ nữ, để nỗ lực thoát nghèo và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Lường Thị Hồng Tươi – Nhóm du lịch cộng đồng bản Vặt
Như nhiều bản làng khác của vùng cao Tây Bắc, bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, mang vẻ đẹp bình yên và mộc mạc. Nhưng mỗi lần về thăm bản, chúng tôi lại cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt. Từ những căn homestay được xây dựng nhiều hơn, khang trang hơn đến các dịch vụ du lịch liên tục được cải thiện để phục vụ nhu cầu của du khách. Đặc biệt hơn, đó là sự đổi thay của những người phụ nữ dân tộc Thái nơi đây. Từ những phụ nữ thẹn thùng trong nhà, giờ đây họ trang điểm rạng rỡ, tự tin góp sức để phát triển du lịch, thay đổi cuộc sống của chính bản thân mình và tăng quyền năng trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Sau một chặng đường dài di chuyển đến với bản Vặt, ngay từ đầu bản chúng tôi đã bị thu hút bởi những âm thanh đặc trưng trong những điệu múa xòe của người Thái. Trên khoảng sân rộng, đội văn nghệ bản Vặt đang say sưa luyện tập. Ngạc nhiên hơn nữa, các thành viên trong đội không phải là những người phụ nữ trẻ hát hay múa dẻo mà là những cụ bà tóc đã điểm bạc.
Đây là đội văn nghệ của các phụ nữ cao tuổi trong bản. Thành viên tham gia đều từ 50 tuổi trở lên, nhưng trong từng ánh mắt, từng động tác của họ vẫn toát lên sự duyên dáng, uyển chuyển theo từng nhịp xòe, từng câu hát. Cứ như vậy, những du khách phương xa như bị "hớp hồn" theo từng điệu xòe nón, xòe khăn, xòe quạt, xòe vòng… của bà, các cô.
Nhiều thế hệ chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa
Chị Vì Thị Định và mẹ chồng là bà Hoàng Thị Nót đều tham gia đội văn nghệ biểu diễn phục vụ du khách. Trước đây, chị Định làm nông nghiệp, kinh tế gia đình do chồng làm chủ, từ khi tham gia hoạt động du lịch, mẹ con chị mỗi người có thêm thu nhập 200.000 đồng sau một buổi diễn văn nghệ. Khoản thu nhập này không chỉ giúp cải thiện kinh tế gia đình mà còn mang đến cho họ niềm vui, cơ hội giao lưu cùng du khách.
Ở bản, những cặp mẹ con – bà cháu cùng tham gia biểu diễn văn nghệ như gia đình chị Vì Thị Định không hiếm. Nhà bà Hà Thị Bịn cũng có cả con, cả cháu tham gia đội văn nghệ.
Bà Bịn kể: Ngày trẻ, bà vốn nổi tiếng múa đẹp trong vùng. Bà tham gia đoàn văn công của tỉnh Sơn La, đi biểu diễn khắp nơi. Những năm gần đây, bản Vặt nói riêng và huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói chung phát triển du lịch cộng đồng, bà trở thành một trong những "hạt nhân" của đội văn nghệ, góp phần trong các tiết mục múa hát đậm đà bản sắc dân tộc Thái. Bà còn rủ cả con dâu là chị Vì Thị Thương, các cháu ngoại Lò Ngọc Muốn (sinh năm 1994), Lò Ngọc Minh (SN 1997) và vận động các chị em khác trong bản cùng tham gia biểu diễn trong các chương trình văn nghệ.
Hiện nay, bản Vặt có 2 đội văn nghệ biểu diễn phục vụ du khách. Đó là đội văn nghệ của các chị, các em và đội văn nghệ của người cao tuổi. Dù ở độ tuổi nào, những người phụ nữ dân tộc Thái tại bản vẫn luôn cháy hết mình, giữ gìn được bản sắc riêng của dân tộc, quảng bá được những nét đẹp của người Thái ở Mộc Châu nói riêng và Tây Bắc nói chung đến với du khách. Những tiết mục văn nghệ, những điệu xòe đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của du lịch cộng đồng bản Vặt, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Nhờ hoạt động du lịch phát triển, kinh tế địa phương cũng đang khởi sắc từng ngày.
Bà Đinh Thị Hường, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, cho biết: Bản Vặt là 1 trong 2 bản du lịch cộng đồng tại Mộc Châu được tỉnh và các dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và đào tạo để giúp những người phụ nữ địa phương làm làm du lịch cộng đồng, tự chủ kinh tế, tham gia tích cực trong các hoạt động xã hội.
Không chỉ được tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng làm du lịch, làm homestay, phụ nữ trong bản còn được tập huấn, hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Đội văn nghệ bản Vặt được thành lập để hiện thực hóa mục tiêu này. Cán bộ dự án sưu tầm các bài hát, điệu múa, lên kịch bản chương trình để chị em phụ nữ thể hiện các tiết mục văn nghệ giao lưu với du khách. Những lớp học không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng mà còn truyền thông về bình đẳng giới, giúp phụ nữ địa phương tự tin hơn.