Đội thiện nguyện dùng xuồng cao su cứu dân vùng lũ miền Tây Nghệ An

Đình Nguyên
24/07/2025 - 14:45
Đội thiện nguyện dùng xuồng cao su cứu dân vùng lũ miền Tây Nghệ An

Trong thời gian ngắn, nước sông Lam dâng cao gây ngập lụt ở 19/36 thôn thuộc xã Con Cuông, Nghệ An

Lũ dâng nhanh, nhấn chìm hàng chục thôn ở các xã: Con Cuông, Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), khiến nhiều hộ dân mắc kẹt. Giữa dòng nước xiết, đội thiện nguyện kịp thời tiếp cận bằng xuồng cao su, phối hợp với chính quyền đưa người dân đến nơi an toàn.

Những con thuyền giữa dòng nước dữ

Trận mưa lớn kéo dài sau bão số 3 (bão Wipha) đã khiến nhiều xã vùng cao ở các huyện miền Tây Nghệ An như Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Kỳ Sơn,… chìm trong biển nước. Đường sá bị chia cắt, nhiều thôn bản bị cô lập hoàn toàn. Trong lúc người dân hoang mang, nước lũ lên nhanh trong đêm thì những chiếc xuồng cao su của đội thiện nguyện bất ngờ xuất hiện, như một phép màu giữa cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Họ không phải lực lượng chuyên nghiệp. Không còi hụ hay đồng phục, cũng chẳng ai được phân công. Nhưng từ nhiều hướng, các thành viên trong đội thiện nguyện đã tìm về điểm nóng lũ lụt, mang theo xuồng, áo phao, dây thừng và một trái tim không ngại hiểm nguy. Họ phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, lao mình vào vùng ngập sâu, đưa từng em bé, người già, thai phụ… từ những căn nhà ngập quá đầu gối ra nơi an toàn.

Đội thiện nguyện dùng xuồng cao su cứu dân vùng lũ miền Tây Nghệ An- Ảnh 1.

Anh Hoàng Thế Bảo, thành viên đội thiện nguyện, bế cụ ông hơn 90 tuổi thoát khỏi nuóc lũ

Tại xã Anh Sơn, nước lũ tràn về trong đêm khiến hơn 100 hộ dân chìm trong biển nước. Anh Hoàng Thế Bảo, thành viên đội thiện nguyện từ Thanh Chương, kể lại: "Chúng tôi chèo xuồng đến nơi lúc 22 giờ đêm. Mọi thứ tối om, chỉ có tiếng người kêu cứu vẳng từ xa và ánh đèn pin le lói. Đến gần, thấy cả nhà bị nước cuốn nghiêng, cụ già bấu vào cột gỗ, trẻ nhỏ run rẩy trong lòng mẹ. Không nghĩ gì nhiều, anh em chỉ biết chèo thật nhanh".

Cả đêm đó, anh Bảo và đồng đội đưa được 34 người ra khỏi vùng nguy hiểm. "Chèo xuồng trong nước lũ không dễ. Dòng chảy xiết, rác và cây đổ chắn đường. Chỉ cần lệch tay là xuồng lật. Nhưng nghĩ đến ánh mắt sợ hãi của người dân, đặc biệt là những cụ già và trẻ nhỏ, anh em tự nhủ không được phép chùn bước", anh Bảo nói, giọng nghẹn lại.

Đội thiện nguyện dùng xuồng cao su cứu dân vùng lũ miền Tây Nghệ An- Ảnh 2.

Đội thiện nguyện sử dụng xuồng cao su gắn máy, phối hợp cùng chính quyền địa phương để hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn

Những người lặng thầm giữa gian nan

Đội thiện nguyện này không có tên gọi cố định, không cơ cấu tổ chức. Họ là những thanh niên, người lính xuất ngũ, nhiệp ảnh gia, kiến trúc sư, công nhân… ở khắp nơi, kết nối với nhau qua mạng xã hội. Khi có thông tin vùng nào gặp nạn, chỉ cần một dòng kêu gọi, vài chục người sẵn sàng bốc máy lên đường. Mang theo không chỉ phương tiện cứu hộ, mà còn cả mì tôm, nước sạch, bánh sữa, áo quần khô… như một lực lượng "hậu cần" lưu động.

Anh Trần Đình Bằng, kiến trúc sư ở Thanh Chương, cho biết: "Khi thấy người dân cần, tôi không thể ngồi yên. Gia đình lúc đầu lo lắm nhưng họ vẫn động viên: 'Đi đi, mình trẻ khỏe không đi, thì còn ai đi nữa".

Đội thiện nguyện dùng xuồng cao su cứu dân vùng lũ miền Tây Nghệ An- Ảnh 3.
Đội thiện nguyện dùng xuồng cao su cứu dân vùng lũ miền Tây Nghệ An- Ảnh 4.

Những trái tim thiện nguyện đưa từng em bé, người già, thai phụ… ra nơi an toàn

Không có bảo hiểm, không có hỗ trợ tài chính, mỗi chuyến đi đều là đánh đổi giữa an toàn cá nhân và sự sống của người khác. Có những lần đi, sau cả ngày lội nước, tay phồng rộp, da chân nhăn nheo, cả nhóm co ro trong một căn nhà ngập nửa mét nước, ăn vội gói mì rồi ngủ tạm để sáng sớm lại tiếp tục hành trình.

Tại xã Con Cuông, trong thời gian ngắn, nước sông Lam dâng cao gây ngập lụt ở 19/36 thôn. Do nước lên nhanh, người dân bị kẹt trong dòng nước lũ, nhóm thiện nguyện của anh Bằng đã phối hợp cùng lực lượng chức năng sơ tán hơn chục hộ dân, trong đó có hàng chục trẻ nhỏ và người bệnh. Những trường hợp đáng nhớ là có nhiều cụ già liệt giường, phải đưa ra ngoài bằng cách đặt lên xuồng cao su, lót gối và che bạt kín. Chứng kiến cảnh đó, nhiều người dân rơi nước mắt. Một cụ ông xúc động: "Không có các chú thanh niên này, chắc tôi nằm lại trong nước lũ rồi".

Không ít lần các thành viên đội thiện nguyện bị trượt ngã, bị thương nhẹ, hoặc thậm chí suýt bị lũ cuốn. Nhưng sau mỗi lần như thế, họ lại siết chặt tay nhau, tiếp tục lên xuồng. "Mỗi người mình cứu được là thêm một gia đình nguyên vẹn. Vậy là đáng rồi", anh Bảo nói.

Đội thiện nguyện dùng xuồng cao su cứu dân vùng lũ miền Tây Nghệ An- Ảnh 5.

Trong đêm, đội thiện nguyện dùng xuồng cao su cứu nhiều người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn

Khi nước lũ rút dần, những chiếc xuồng cao su lại được xếp gọn, đợi lần xuất quân tiếp theo. Các thành viên quay trở về công việc thường nhật: người về trường đứng lớp, người về studio ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc sống, người về lại căn phòng vẽ nên những ngồi nhà ấm cúng, người về lại mái nhà nhỏ ven sông... Nhưng có một điều không ai quên: ánh mắt biết ơn, cái bắt tay run run giữa đêm lũ, hay tiếng khóc vỡ òa khi người thân được cứu.

Có lẽ điều kỳ diệu nhất không phải là chiếc xuồng cao su vượt dòng nước xiết, mà là tinh thần tương thân tương ái vẫn luôn chảy trong huyết mạch của người Việt. Trong hoạn nạn, người với người dìu nhau đi qua bóng tối.

Miền Tây Nghệ An vẫn còn nhiều nỗi lo sau mưa lũ: dịch bệnh, thiếu nước sạch, lương thực chưa kịp chuyển vào các bản xa. Nhưng nhờ những bàn tay không quản ngại hiểm nguy, hy sinh thầm lặng ấy, vùng cao đã bớt lạnh lẽo hơn trong những ngày đầy khó khăn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm