pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghệ An: Lũ lớn dâng cao vượt mốc lịch sử, nhiều bản làng bị chia cắt, cô lập

Nước lũ kèm theo nhiều loại rác tràn vào nhà dân, gây hư hại nhiều đồ đạc, vật dụng. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Tối 22 và rạng sáng ngày 23/7, trên địa bàn các địa phương miền Tây tỉnh Nghệ An xuất hiện mưa cường suất lớn, diễn ra trong thời gian dài, nước lũ trên các sông suối đột ngột dâng cao, nhanh do lượng nước từ thượng nguồn đổ về mạnh khiến hàng trăm hộ dân bị ngập lụt, trôi và hư hại nhiều đồ đạc, vật dụng sinh hoạt.
Nhiều bản làng ở các xã Nhôn Mai, Nga My, Tương Dương, Mường Xén bị chia cắt do sạt lở đường giao thông, nước ngập sâu bủa vây.
Đỉnh điểm ngập lụt có nơi ngập sâu hơn 3m. Người dân đã phải vất vả di dời, chạy lũ và di chuyển đồ đạc, vật dụng trong đêm khuya. Không ít gia đình đã mất đồ đạc, vật dụng có giá trị.
Người dân điêu đứng trước lũ lớn vượt mốc lịch sử
Sau hành trình hàng tiếng đồng hồ vượt quốc lộ 7, nhóm phóng viên chúng tôi đến xã Con Cuông. Từ cầu Khe Diêm (Km88+520) trên Quốc lộ 7, dễ dàng nhận thấy những cụm dân cư nằm cạnh tuyến đường quốc lộ này bị ngập chìm trong nước lũ, hàng cột điện nằm ven bờ sông Lam đã bị nước lũ nhấn chìm gần hết.

Người dân di chuyển đồ đạc, vật dụng chạy lũ. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông là vùng có hàng trăm hộ dân bị ngập lụt với mức độ khác nhau; trong đó có nhiều nhà ngập sâu đến gần 3m.
Tuyến đường 7 huyết mạch nối liền xã Con Cuông đi các xã miền núi Tương Dương, Mường Xén, Kỳ Sơn lên cửa khẩu Nậm Cắn bị chia cắt, giao thông tê liệt bởi điểm ngập lụt đầu tiên tại thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông.
Điểm ngập lụt này cơ quan chức năng đã lập chốt, cắt cử lực lượng túc trực để cấm các loại phương tiện, người dân qua lại nhằm đảm bảo an toàn.
Theo nhiều người dân xã Con Cuông, trong xã đã có hàng trăm hộ dân ở nhiều vùng dân cư bị ngập lụt, cô lập từ hơn 1 giờ ngày 23/7.
Nước lũ trên thượng nguồn đổ về sông Lam quá nhanh mang theo nhiều cành cây khô, bùn đất màu đục ngàu và rác đã dâng nhanh làm các hộ dân sinh sống ven sông Lam đã trở tay không kịp.
Người dân phải vội vàng kêu gọi nhau di dời khỏi nhà, bỏ lại nhiều đồ đạc, vật dụng trong nhà. Những vật nuôi như chó, lợn, gà, vịt cũng không thể di chuyển hết trong đêm.
Ông Võ Quang Tâm, thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông ngậm ngùi chia sẻ: "Gia đình tôi có một bãi đất trống nuôi gia súc, chủ yếu là trâu, bò. Chiều ngày 22/7, mực nước trên sông Lam còn nhỏ. Tuy nhiên đến chiều và tối cùng ngày thì dâng lên quá nhanh cuốn trôi toàn bộ 10 con trâu, 3 con bò của gia đình. Ước tính thiệt hại khoảng gần 300 triệu đồng."
Ông Nguyễn Thái Hùng, thôn Vĩnh Hoàn cũng cho biết, năm 1988, địa bàn đã từng xảy ra một trận lũ rất lớn. Tuy nhiên trận lũ năm nay mực nước lũ còn dâng cao hơn, thời gian nước dâng rất nhanh, khủng khiếp hơn.
"Giờ thì nhà tôi và nhiều hộ dân khác trong xã đã ngập hết. Chúng tôi không biết xoay sở thế nào khi mực nước lũ vẫn tiếp diễn dâng cao. Chỉ tính trong gần 1 giờ đồng hồ, nước đã dâng lên hơn 10cm," ông Hùng nói.

Nước lũ dâng cao đỉnh điểm với mực nước gần chạm tới nóc nhà của người dân. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Tại các vùng bị ngập sâu trên địa bàn xã Con Cuông, người dân đã dùng thuyền nhỏ để di chuyển; dùng những vật dụng xô, chậu, thau để đựng nước mưa để sinh hoạt.
Trưa 23/7, người dân tiếp tục mò tìm vật dụng, đồ dùng trong nhà dưới mực nước sâu, đục ngàu và di chuyển lên vùng cao hơn.
Để phòng tránh thiệt hại do nước sông Lam tiếp tục dâng cao, người dân đã hỗ trợ nhau lùa gia súc, gia cầm lên những vùng cao hơn. Điều đáng lo là nhiều hộ dân do nhà bị chìm sâu trong nước lũ nên không biết xoay sở, sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình như thế nào.
Lũ dữ hoành hành trên diện rộng khắp miền núi phía Tây Nghệ An
Hành trình di chuyển hàng trăm km trên tuyến Quốc lộ 7 lên “tâm lũ” Mường Xén, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh người dân chạy lũ, tìm vớt đồ đạc, di chuyển gia súc, gia cầm, vật dụng lên khu vực cao hơn.
Theo ghi nhận của chính quyền các địa phương, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 Wipha gây mưa lớn, cùng với việc các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, trong tối 22/7 và rạng sáng 23/7, nhiều xã miền núi, biên giới phía Tây Nghệ An đã xảy ra ngập lụt cục bộ, nhiều bản làng bị chia cắt do đường giao thông liên bản bị “suối dữ” dâng ngập, dòng chảy xiết gây chia cắt, tê liệt giao thông giao thông; trong đó, các xã Yên Hòa, Mỹ Lý, Quế Phong, Tri Lễ, Qùy Châu, Nga My... bị ảnh hưởng rất nặng; nặng nề nhất là xã Mường Xén.

Khu vực dân cư bị nước lũ ngập sâu và cô lập trong nhiều ngày qua. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Hàng chục bản làng với hàng nghìn nhân khẩu bị ngập lụt, cô lập, hàng trăm gia đình rơi vào hiểm nguy trước nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá từ đồi, núi.
Đơn cử tại xã Quế Phong, cầu treo bản Quạnh dài gần 60m nối bản Hiền với bản Quạnh đã bị nước cuốn trôi trong chiều ngày 22/7. Có 9 hộ gia đình bản Pún và bản Cu có nguy cơ bị sạt lở đất và lũ quét đã được đã di dời đến nơi an toàn.
Tại xã biên giới Tri Lễ, tối 22/7, lượng nước đổ về sông suối có xu hướng tăng khiến nhiều hộ bị ngập. Tuyến đường từ xã Tri Lễ đi xã Tương Dương có nhiều điểm bị nứt, nguy cơ đứt gãy đường rất cao; 30 hộ dân bản Tân Thái (xã Tri Lễ) bị cô lập hoàn toàn do đường liên bản bị sạt lở; 10 hộ dân bản Nậm Nhóng cũng bị cô lập do đất sạt lở chặn hai đầu đường.
Tại xã Quỳ Châu, khuya ngày 22/7, nước lũ từ thượng nguồn đổ dồn dập khiến mực nước sông Hiếu dâng gây ngập lụt tại phận dốc Bù Bài (quốc lộ 48). Chính quyền địa phương phải cắm biển, bố trí lực lượng cấm các phương tiện qua lại và tiến hành cứu hộ các phương tiện tại khu vực bị ngập...
Ông Lê Văn Lương, Bí Thư Đảng uỷ xã Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão số 3, nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn, hiện nước đang dâng lên, gây ngập, giao thông chia cắt, cô lập cục bộ.
Trước tình hình khẩn cấp, từ chiều ngày 22/7 tới giờ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lượng có mặt tại điểm ngập lụt, đưa người dân đến nơi an toàn. Trước mắt, đảm bảo an toàn về người là trên hết.
Đến hiện tại tình hình thiên tai cực đoan trên địa bàn chưa gây thiệt hại về người. Tài sản của người dân thì thiệt hại quá lớn nhưng chưa thống kê hết được.
Ông Lô Đình Thụ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã Mường Xén, tỉnh Nghệ An cho biết, trước mắt chính quyền địa phương đang huy động mọi lực lượng cùng người dân tiến hành dọn dẹp, khơi thông để thuận tiện cho việc đi lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn chưa có thiệt hại về người.

Trưa 23/7, nước lũ trên sông Lam vẫn đổ về mạnh, dâng nhanh khiến hàng chục ngôi nhà ven sông của người dân xã Con Cuông bị chìm trong nước. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Ngày 23/7, ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An cho biết, lưu lượng nước đổ về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đã giảm một nửa, còn 6.200 m3/s so với tối qua (ngày 22/7). Hiện, thủy điện Bản Vẽ đang xả lũ với lưu lượng 4.300 m3/s.
Sáng ngày 23/7, đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An do ông Lê Hồng Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn đã trực tiếp đến địa bàn các xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An để kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 tại những khu vực, địa bàn xung yếu nhất.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Hồng Vinh, trước mắt, vấn đề ưu tiên hàng đầu là di dời toàn bộ người dân khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đá.
Chính quyền địa phương các xã cần huy động mọi lực lượng, phối hợp với lực lượng biên phòng đóng chân trên địa bàn, lực lượng công an, dân quân để tham gia hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, gia súc, di dời người dân đến nơi an toàn; đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại những khu vực, địa điểm người dân di dời, sơ tán đến.