pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đôi vợ chồng người Mông thoát nghèo, trở thành chủ nhân 400 gốc mận ở Mộc Châu
Vợ chồng Lầu - Chứ
Ai đã từng đặt chân đến vùng đất Mộc Châu xanh mướt cây cỏ quanh năm, không khí trong lành chắc hẳn sẽ biết đến bản Nà Ka - nơi có 1 thung lũng trồng mận tuyệt đẹp.
Đằng sau bức tranh thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc là những người lao động hăng say làm nên trái mận căng mọng trải khắp. Với nhiệt huyết, khát khao thoát nghèo, những chàng trai, cô gái trong thung lũng ấy đã "chạm" đến giấc mơ của cả ông bà, cha mẹ.
A Lầu là một thanh niên như thế, ôm bao lý tưởng với cây mận - thứ gắn bó với anh từ khi sinh ra lớn lên và giờ đây nó đã giúp anh thay đổi cuộc đời. A Lầu dựng 1 căn lán nhỏ ở tiểu khu Pa Khen để chăm nom 400 gốc mận. Có lẽ ngay trong cái tên anh đã có sự gắn bó máu thịt với bản làng nhỏ cùng màu cây mận thay đổi 4 mùa.
Sau nhiều năm học làm kinh tế, làm giàu trên chính quê hương, chàng trai người Mông thuộc diện hộ nghèo năm nào đã trở thành ông chủ của 400 gốc mận. Nhưng vẫn nụ cười chất phác, anh tìm được hạnh phúc từ những thứ đơn giản và bình dị nhất bởi "Cô ấy giúp mình rất nhiều".
Chàng trai nghèo mất 104kg thịt để lấy vợ
Quay trở lại hơn 1 thập kỷ trước, A Lầu cũng như bao chàng trai, cô gái Mông đến tuổi cập kê chỉ mong tìm cho mình 1 người bạn đời. Khác với nhiều cô gái thời ấy, Chứ xinh xắn, dễ thương nhưng không hề dễ động lòng với trai bản.
Người đàn ông có chút già giặn hơn nhiều so với tuổi 29 nở nụ cười tươi rói khi nhắc đến vợ mình: "Mình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Gặp cô ấy ở lễ hội ném pao ngày Tết, lúc đầu cũng định tán chơi thôi, ai ngờ sau lại yêu thật, muốn lấy làm vợ".
A Lầu cho biết người Mông bỏ tục bắt vợ từ lâu, họ cũng rất tiến bộ, cưới xin đều phải đặt tình cảm làm nền móng. Nhà Chứ cách nhà Lầu 5km nhưng anh chàng cũng rất dè dặt, 1 tuần chỉ dám tới chơi 2 lần, xem phản ứng của cô, anh mới dám tỏ tình.
Vài tháng sau kể từ ngày quen biết, A Lầu xin phép bố mẹ cho cưới Chứ. Mẹ anh có hỏi con trai: "Phải yêu thật mới cho lấy, yêu mấy hôm mà bỏ là không được đâu" nhưng A Lầu vẫn chắc nịch muốn hỏi cưới cô Chứ về làm vợ.
Người Mông cũng khá quan trọng sính lễ, nhà gái có thể lấy lễ vật (trâu, bò, lợn, gà) hoặc quy đổi ra tiền mặt. Mẹ Lầu cho biết dù nhà nghèo nhưng bà vẫn cố gắng chuẩn bị tươm tất cho con trai.
Để có được vợ, A Lầu đã phải đầu tư 7,2 triệu sính lễ, quy ra thịt lợn đúng 104kg. Lầu cũng rất cảm động khi Chứ vẫn chọn anh dù gia cảnh 2 nhà khác hẳn nhau: "Lúc lấy vợ là năm 2010, nhà mình nghèo lắm, nằm trong hộ nghèo nhất bản Pa Khen. Nhà vợ thì khá giả hơn. Đám cưới cũng làm được 50 mâm đãi khách".
Bước đột phá của chàng trai nghèo
Chứ gả về nhà Lầu, làm dâu bản nhưng cũng chưa ngày nào được thảnh thơi. Bố Lầu mắc nhiều bệnh, đi lại chữa trị rất tốn kém. Suốt những năm 2 vợ chồng cùng nhau chăm bố, không làm được ra kinh tế cho gia đình. Đến năm 2018, bố Lầu mất, anh phải gánh 1 khoản nợ 900 triệu đồng. Đó là số tiền rất lớn với 1 gia đình vốn đã nhiều năm nằm trong hộ nghèo như nhà anh.
"Bắt đầu từ năm 2015, bố mình ốm nặng nhất, nằm 1 chỗ, mình đã nghĩ nhất định phải thoát khỏi cảnh này. Thấy mình tìm tòi, học hỏi, trên huyện cũng giúp đỡ. Mình tham khảo các phương pháp của Hội nông dân, quyết làm hết mình với cây mận - 'gia tài' duy nhất của bố mẹ từ năm 2004", A Lầu tâm sự.
Nghiêm túc bước vào thay đổi toàn bộ công việc hàng ngày của bố mẹ, Lầu đã chăm sóc cây mận theo phương pháp mới, hiện đại tân tiến. Anh không ngừng học hỏi, thực hiện cách làm phân, thuốc và nhiều quá trình giúp cây mận phát triển tốt hơn.
Lầu cho biết, vợ anh hỗ trợ rất nhiều trong suốt 5 năm anh lăn lộn với cây mận, thậm chí cô còn biết tỉa cây hơn anh, quán xuyến hết việc nhà, con cái.
Giờ đây, A Lầu đã trả hết nợ, còn xây được căn nhà khang trang, anh rất hạnh phúc khi đã chọn đúng con đường, "sống với cây mận, hết mình và nỗ lực thay đổi từng ngày cùng nó".
Vợ làm nên thành công của chồng, 13 năm hôn nhân càng yêu hơn
"Vợ chồng mình chưa bao giờ cãi nhau to. Ngày xưa, lúc cưới còn ít tuổi, chưa hiểu về cách ăn nói ứng xử nên chưa hòa hợp nhiều, giờ càng ngày càng yêu vợ hơn. Vợ mình dễ tính, cần cù lắm. Không có cô ấy thì mình không có ngày hôm nay", Lầu trải lòng.
Hiện tại, mẹ Lầu thường xuyên lên lán giúp các con trông coi mận và chăm 2 cháu nội. Nhắc đến cô con dâu gắn bó với gia đình mình 13 năm, mẹ Lầu không ngớt lời khen: "Trước cũng không hợp lắm đâu nhưng mẹ chỉ dạy cho. Con dâu ngoan, tình cảm lắm. Các con mà cãi nhau, tôi chưa cần biết đúng sai thế nào cứ bênh con dâu trước đã, làm thế con dâu nó mới thương, rồi bình tĩnh lại ngồi nói chuyện sau".
Mẹ Lầu thường xuyên lên lán giúp các con trông coi mận và chăm 2 cháu nội. Ảnh: VV
Ông bố 2 con cũng rất lãng mạn, tâm lý khi ngày lễ nào cũng có hoa, quà tặng vợ. Cứ lúc nào có điều kiện, vợ chồng Lầu đưa nhau đi du lịch, dù chỉ quanh đây nhưng cũng làm Chứ hạnh phúc vô cùng. Anh thổ lộ: "Vất vả nhiều rồi, nhất là vợ mình nên mình muốn đưa cô ấy đi chơi, thăm thú nhiều hơn".
Cuối cùng, sau những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, với tình yêu thương và đoàn kết của cả gia đình, họ đã có được những thứ xứng đáng. Nếu coi cao nguyên Mộc Châu như Đà Lạt của Tây Bắc, luôn biết cách để lấy cảm tình của du khách thì mỗi câu chuyện của con người nơi đây lại khiến ta muốn nhớ và lưu lại trong kí ức.
Năm đó và cả những sau này, mận chín đỏ trên cành rợp ngàn tình yêu, ước mơ và hi vọng…