Đối xử bất bình đẳng giới trong gia đình có thể bị phạt tối đa lên tới 30 triệu đồng

Nguyễn Long
07/12/2022 - 21:03
Đối xử bất bình đẳng giới trong gia đình có thể bị phạt tối đa lên tới 30 triệu đồng

Ảnh minh họa.

Theo Nghị định số 125/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính bị phạt từ 3-5 triệu đồng.

Bình đẳng giới không chỉ góp sức cho xã hội giàu mạnh, văn minh mà trong gia đình là ngọn nguồn của hạnh phúc. Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hoá của con người, của gia đình hạnh phúc. Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong xã hội và trong gia đình mang một ý nghĩa lớn đối với sự giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống văn hoá của dân tộc. 

Văn hoá gia đình là nền tảng của văn hoá xã hội, ở đó vai trò của người phụ nữ với chức năng sàng lọc và giữ gìn văn hoá dân tộc mang ý nghĩa đặc biệt. Để phụ nữ làm được chức năng quan trọng này với gia đình và dân tộc, trước hết họ phải được bình đẳng để tiến bộ và theo kịp thời đại. 

Đối xử bất bình đẳng giới trong gia đình có thể bị phạt tối đa lên tới 30 triệu đồng - Ảnh 1.

Gia đình êm ấm luôn luôn là điểm tựa cho con người vượt qua mọi thử thách - Ảnh minh hoạ

Trong gia đình, vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc, luôn luôn là điểm tựa cho con người vượt qua mọi thử thách.

Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là ở cuộc sống hiện đại hóa công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới trong gia đình góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; và bình đẳng giới trong gia đình góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.

Chính vì thế, các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình có thể bị phạt tối đa lên tới 30 triệu đồng.

Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.

Nghị định áp dụng mức phạt khác nhau đối với các hành vi vi phạm khác nhau trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Cụ thể, Nghị định quy định phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp vì định kiến giới; xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

Hành vi xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho người thuộc một giới tính nhất định khi bầu cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Không thực hiện việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới bị phạt từ 7-10 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng áp dụng đối với hành vi: Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập; từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.

Mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng áp dụng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

Trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình, Nghị định quy định đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính bị phạt từ 3-5 triệu đồng.

Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

Hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính bị phạt từ 7-10 triệu đồng.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

* Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm