Hội LHPN huyện Hoài Ân: 6 giải pháp để hạn chế bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới

N.Minh
06/12/2022 - 12:55
Hội LHPN huyện Hoài Ân: 6 giải pháp để hạn chế bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới

Huyện Hoài Ân có 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Ba Na và H’re

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Hội LHPN huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) đã triển khai nhiều hoạt động để từng bước thực hiện thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Hoài Ân là huyện trung du của tỉnh Bình Định, nơi có 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Ba Na và H're. Trải qua các giai đoạn xây dựng và phát triển, diện mạo Hoài Ân đang đổi thay từng ngày. 

Nằm ở phía Bắc của tỉnh, huyện Hoài Ân là vùng đất nối liền dải đồng bằng ven biển phía đông với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ở phía tây. Là một địa bàn xung yếu của tỉnh Bình Định, có tầm quan trọng về kinh tế và quốc phòng, Hoài Ân đồng thời là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và văn hóa.

Hội LHPN huyện Hoài Ân: 6 giải pháp để hạn chế tối đa bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 1.

Hoài Ân là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và văn hóa

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (15/11 đến 15/12/2022), Hội LHPN huyện Hoài Ân đã triển khai nhiều hoạt động để từng bước thực hiện thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chị Bùi Thị Thanh Hoa - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân - xung quanh vấn đề này.

PV: Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm nay, Hội LHPN huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) đã có những chương trình hành động, hoạt động cụ thể nào, thưa chị?

Chị Bùi Thị Thanh Hoa: Thực hiện chương trình công tác tháng 12, tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Hội LHPN huyện Hoài Ân chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức sinh hoạt các chi Hội theo định kỳ tuyên truyền luật Bình đẳng giới, sinh hoạt câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; câu lạc bộ không sinh con thứ 3; tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hoài Ân giai đoạn 2021-2023 và giai đoạn 2021-2025, thu hút đông đảo cán bộ hội viên, phụ nữ, nhân dân tham gia, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới từ trong mỗi gia đình trong giai đoạn hiện nay.

PV: Là huyện miền núi với 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Bana và H're, mỗi dân tộc với một tập tục sinh hoạt, truyền thống văn hóa gia đình khác nhau, việc truyền thông thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới có những rào cản, khó khăn gì?

Hội LHPN huyện Hoài Ân: 6 giải pháp để hạn chế tối đa bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân Bùi Thị Thanh Hoa

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân Bùi Thị Thanh Hoa: Mặc dù điều kiện kinh tế của mỗi gia đình tại địa phương đang trên đà phát triển nhưng về mặt xã hội, một số nơi vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo nên việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều thách thức. Điển hình là tư tưởng mang tính định kiến về giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, đặc biệt tại một số hộ gia đình vấn đề gia trưởng, trọng nam khinh nữ, sinh con trai để nối dõi tông đường, tình trạng rượu chè đánh đập vợ con, tình trạng phụ nữ ly hôn có chiều hướng gia tăng.

PV: Chị có thể chia sẻ một số kết quả tiêu biểu về công tác thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của huyện mình?

Chị Bùi Thị Thanh Hoa: Trong thời gian qua, Hội LHPN huyện Hoài Ân rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội phụ nữ cơ sở thực hiện phong trào thi đua và 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp Hội, đặc biệt với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới và các hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã giúp Hội LHPN huyện Hoài Ân đang từng bước thực hiện thúc đẩy vấn đề Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình được nâng lên vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như: Quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, sinh con trai hay con gái, chăm sóc nuôi dạy con cái… trên cơ sở chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau tạo tạo điều kiện cho vợ chồng tham gia hoạt động công tác xã Hội.

Công tác cán bộ nữ được các cấp quan tâm nhiều cán bộ nữ trưởng thành giữ nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng, đưa vào quy hoạch tỷ lệ nữ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra… Sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ chia sẽ của cả vợ và chồng giúp cho sự phát triển của gia đình được ổn định và bền vững.

Hội LHPN huyện Hoài Ân: 6 giải pháp để hạn chế tối đa bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 3.

Hội LHPN huyện Hoài Ân triển khai nhiều hoạt động để từng bước thực hiện thúc đẩy vấn đề Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

PV: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ làm gì để hạn chế tối đa bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới?

Chị Bùi Thị Thanh Hoa: Để nâng cao năng lực phát triển toàn diện cho phụ nữ, bảo đảm bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, theo tôi cần có những giải pháp như sau:

Thứ nhất: Làm tốt công tác tham mưu với Đảng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước" và đẩy mạnh thực hiện Luật Bình đẳng giới; xây dựng chương trình hành động và phối hợp với các ngành, đoàn thể hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho hội viên, đoàn viên tại địa phương. Tham mưu xây dựng thí điểm mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng theo Luật phòng chống bạo lực gia đình; thành lập mô hình nhà tạm lánh  để bảo vệ phụ nữ; đồng thời đề xuất với chính quyền áp dụng hình thức xử phạt đối với những trường hợp xãy ra BLGĐ nghiêm trọng gây nguy hại cho phụ nữ.

Thứ hai: Tổ chức tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên về nội dung cơ bản của Luật bình đẳng giới, tăng cường tuyên truyền giáo dục các vần đề giới, bình đẳng giới trong gia đình được quy định trong các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Từ đó, mỗi người ý thức tốt về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc"

Thứ ba: Phối hợp với chính quyền địa phương, với ngành Tư pháp, Công an trong công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình và tham gia giải quyết các vụ bạo lực gia đình có liên quan đến phụ nữ xảy ra trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ ý thức và tự phấn đấu vươn lên, tự giải phóng mình; không ngừng cố gắng học tập nâng cao kiến thức để khẳng định vai trò ví trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ cần phải dịu dàng, khéo léo thuyết phục, kêu gọi sự cảm thông, sẻ chia trách nhiệm của người chồng trong công việc gia đình, vợ chồng phải tôn trọng nhau "Chồng nóng thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa mấy đời cơm khê"

Thứ tư: Đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường (đặc biệt là các trường THPT), giúp cho thanh thiếu niên nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống. Giúp các em ý thức được trách nhiệm trong xây dựng gia đình sau này.

Hội LHPN huyện Hoài Ân: 6 giải pháp để hạn chế tối đa bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 4.

Hội LHPN huyện Hoài Ân tập huấn về phân loại rác thải cho hội viên, phụ nữ

Thứ năm: Chủ tịch Hội phụ nữ xã/thị trấn khi thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống BLGĐ, phải nghiên cứu kỹ các văn bản luật pháp để có kiến thức chuyên sâu và phương pháp làm việc; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội làm công tác tư vấn, hòa giải tại cộng đồng, giúp chị em có kiến thức và kỹ năng thực hành trong các hoạt động tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân để hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả tốt hơn.

Thứ sáu: Nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò gia đình và bình đẳng giới. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về bình đẳng giới. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hành vi bạo lực gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình được bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau thì xã hội sẽ đạt được dân chủ, công bằng và văn minh

Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; trước hết mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức xây dựng gia đình; sự quan tâm vào cuộc thực hiện tốt Luật phòng chống Bạo lực gia đình của các cấp, các ngành, các tổ chức, các đoàn thể và cộng đồng xã hội. Trong đó Hội phụ nữ các cấp đóng vai trò nòng cốt.

Tôi tin rằng, với những giải pháp đã - đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới, vấn đề Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, sẽ đạt được những kết quả khả quan, bảo đảm bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn huyện Hoài Ân.

PV:Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chị!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm