Dọn kho đồ cũ, ngồi cả buổi với ký ức hồi xưa

Minh Ngọc
29/10/2021 - 10:10
Dọn kho đồ cũ, ngồi cả buổi với ký ức hồi xưa

Ảnh minh họa

Ký ức về những ngày xưa luôn được bắt đầu bằng những thứ nhỏ nhặt nhất như một tấm ảnh cũ, một món đồ chơi hay đôi khi là một cuốn sách đầu đời. Khi dùng từ "hồi xưa", tôi luôn nghĩ về những năm tháng tuổi thơ.

Ngày còn là một đứa trẻ, với tôi thì cũ kỹ chỉ là một khái niệm mơ hồ. Những gì tôi còn nhớ từ "ngày xưa", thời trước lúc đi học lớp 1, là mỗi ngày đều dài bất tận với hoạt động chính là ăn và chơi. Nhưng mọi thứ thay đổi khi một đứa trẻ đến tuổi cần rời xa vòng tay bao bọc của người lớn để tới trường, bắt đầu một giai đoạn mới. Đó là khoảnh khắc đầu tiên tôi nhận thức được khái niệm "cũ".

Món đồ chơi kia hết tuổi để chơi rồi, chiếc áo yêu thích hình con mèo, con chó mặc mòn hết ngày này qua ngày khác mà chỉ vài tháng sau tự nhiên chật ních, đành phải làm giẻ lau nhà. Không còn những buổi sáng ngủ dậy thật muộn, lúc bị bắt nạt ở trường sẽ không thể có người thân xuất hiện ngay lập tức để còn khóc nhè, ăn vạ được. Tại sao mọi thứ lại xáo trộn nhanh đến vậy?

Hồi xưa, trong ngày đầu tiên bị "ép" đi học mẫu giáo, tôi đã cào rách mặt bố và la hét ăn vạ suốt quãng đường từ nhà đến trường chỉ cách vài bước chân. Tôi thấy đơn giản là mọi thứ đang vui, ở nhà đang thích, tại sao phải đi học, tại sao phải gặp những người lạ? Tới trường, tôi thấy có vô số đứa bé như tôi, đang gào lên, khóc đến cạn nước mắt không chịu vào lớp, mặc cho người lớn dỗ dành rồi dọa nạt các kiểu. Nhưng chỉ chưa đến một tuần sau, tôi bỗng đổi ý vì nhận ra ở mẫu giáo có nhiều đồ chơi hơn ở nhà, lại có bao nhiêu bạn nhỏ như mình để chơi cùng, trong khi người lớn cứ đi cả ngày đến tối mới về, lại còn hay bắt tôi đi ngủ sớm.

Trẻ con lớn rất nhanh, khiến những món đồ xung quanh chúng nhanh chóng bị cũ và không còn giá trị sử dụng. Con người sinh ra đã là một thực thể chuyển động và phát triển không ngừng, trong khi đồ đạc được tạo ra luôn đứng yên.

Từ bé đến nay, tôi chỉ chuyển nhà có một lần. Trong suốt quãng thời gian dài dằng dặc đó, tôi tích trữ rất nhiều đồ, có lẽ cũng do ảnh hưởng từ bố mẹ. Với bố tôi, một món đồ cũ nếu vẫn còn sử dụng được thì nó vẫn đem lại niềm vui, mà nếu hỏng rồi thì vẫn có thể sửa hoặc tái sử dụng sang một chức năng khác. Trong khi đó, mẹ tôi luôn có câu cửa miệng là "vứt bớt cho đỡ rác nhà", nhưng một ngày tôi phát hiện ra bà cũng giữ rất nhiều đồ trong tủ mà hàng chục năm qua chẳng bao giờ sử dụng đến.

Dọn nhà là thứ công việc mà ai nghĩ đến cũng thấy ngại, thấy hãi hùng. Khi bắt đầu rồi, nó ngốn thời gian kinh hoàng. Cái này vứt hay không vứt? Cái kia mua lúc nào vậy nhỉ? Cái này tại sao hồi xưa tìm mãi không thấy? Chỉ cần lục lại được đống ảnh cũ trong quyển album là ngồi trầm ngâm cả buổi ngắm nhìn. Một cuốn sách hồi trước đi tìm mãi không thấy đâu, hóa ra nó lại ở đây. Một món đồ từng rất yêu thích nhưng bị thất lạc, đến lúc tìm thấy thì cảm giác như gặp lại một người bạn cũ...

Tuổi thơ sẽ trôi đi trước khi cả những đứa trẻ nhận ra thời kỳ ấy đã kết thúc để kịp trao tặng nó một lời chào.

Những món đồ thuộc về thời thơ ấu chính là những thứ bị cất vào trong nhà kho một cách nhanh chóng nhất. Tới ngày dọn kho, chúng lại vô tình xuất hiện ở ngay cánh cửa như là những ký ức thân thuộc nhất, những thứ thuộc về "hồi xưa".

Đồ đạc trở nên cũ khi ta lớn lên. Khi sắp xếp lại không gian trong nhà, đặc biệt là khi chuyển nhà hay dọn nhà vào dịp cuối năm, mỗi món đồ đều gợi nhớ kỷ niệm dù chỉ như là những thước phim tua chậm không rõ nét. Đôi khi, một món đồ cũ bất ngờ trở lại cũng khiến con người ta bỗng dưng bị mắc kẹt ở đâu đó giữa lưng chừng tiếc nuối và thực tại cần giải thoát.

Dù gì, đồ đạc cũng đã cũ và chúng ta cũng đã có một khoảng thời gian thật vui vẻ khi xưa.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm