pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với Cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An
Các đại biểu xem những bức ảnh về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo về tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn cho cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Đáng chú ý là giai đoạn đồng chí là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1937 - 1941). Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là chiến sĩ cách mạng kiên cường, ưu tú, trọn đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941), tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ra tại xã Vĩnh Yên, TP Vinh (Nghệ An). Năm 1926, ở tuổi 16, Nguyễn Thị Minh Khai bắt đầu tham gia Hội Phục Việt - một tổ chức yêu nước ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp vào Đảng và phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện các đảng viên, công nhân trong khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho Đảng, là lực lượng nòng cốt đã đấu tranh quyết liệt trong cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh 1930 - 1931.
Mùa hè năm 1930, được sự tín nhiệm và giới thiệu của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử ra ngoại quốc và hoạt động trong Văn phòng chi nhánh Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục về lý luận những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm hoạt động bí mật.
Tháng 9/1934, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vinh dự là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được cử tham gia Đoàn đại biểu Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva. Đến cuối năm 1937, đồng chí về công tác tại Sài Gòn và được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ và là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 30/7/1940, cơ sở Đảng bị lộ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt sau khi dự phiên họp của Xứ ủy Nam Kỳ và kết án tử hình. Tháng 8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí ra xử bắn. Trước mũi súng quân thù, đồng chí đã hy sinh oanh liệt khi mới 31 tuổi.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là con đường đầy chông gai, gian khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đồng chí luôn phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, vẹn nguyên tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng, giữ vững niềm tin cách mạng và khí tiết, phẩm chất đạo đức người chiến sĩ Cộng sản.
Tại Hội thảo, các tham luận của các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã làm nổi bật những cống hiến của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An.
Tuy cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kịp hoàn thành nhiều công việc quan trọng của Đảng và nhân dân giao phó, để lại một tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất, vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân.
Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được lịch sử khắc ghi cho muôn đời sau.