pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đóng góp quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Phụ nữ dân tộc Thái địu gạo phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ
Góp một nửa sức người phục vụ chiến dịch
Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tổng tiến công chiến lược với quy mô và độ khốc liệt chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong đó, hậu cần - giao thông vận tải được xác định là "mặt trận then chốt" để làm nên thắng lợi. Trên mặt trận ấy, phụ nữ chính là lực lượng góp phần giữ cho dòng tiếp tế không bao giờ đứt đoạn.
Theo thống kê, trong tổng số hơn 4,7 triệu ngày công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp tới 2.381.000 ngày công, chiếm 50% lực lượng dân công. Từ vùng xuôi đến miền ngược, từ người Kinh, Thái, Tày, Mường, Mông đến người Dao, Hoa… đều có mặt.
Họ tham gia làm đường, phá bom nổ chậm, đắp cầu, chống lầy, mở tuyến, dựng phà, đảm bảo giao thông thông suốt giữa bom đạn.
Tuyến đường tiếp tế đi qua các địa danh hiểm trở như đèo Pha Đin, đèo Cả - nơi mỗi ngày địch ném 160 đến 300 quả bom. Dù vậy, nhờ sự kiên cường của những đội dân công, trong đó phụ nữ là chủ lực, giao thông vẫn được giữ vững, không một ngày đứt đoạn.
Trên những con đường bị cày xới bởi bom đạn, những "chiến sĩ áo nâu" vẫn xẻ núi, bạt rừng, luồn qua vách đá dựng đứng để kịp thời đưa lương thực, đạn dược vào trận địa.
Có những người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, chưa từng quen lao động nặng, nhưng vẫn gánh 50 - 60kg đạn pháo 105 ly vượt đèo, băng rừng. Trên sông Nậm Na, nơi 103 thác nước cuồn cuộn ngăn đường vận chuyển, phụ nữ vẫn vượt thác, điều khiển mảng, thức suốt 30 đêm để soi đèn dẫn lối cho đoàn thuyền lương ra trận.

Phụ nữ tỉnh Cao Bằng đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Tiếp vận, cứu thương, hậu cần nơi tiền tuyến
Không chỉ mở đường, vận chuyển, phụ nữ Việt Nam còn hiện diện ở khắp các điểm nóng của mặt trận Điện Biên Phủ trong vai trò tiếp vận, tải thương và phục vụ hậu cần tại chỗ - những nhiệm vụ nặng nhọc, nguy hiểm và đòi hỏi về thể lực, sự kiên cường.
Phụ nữ Tây Bắc và các tỉnh miền xuôi là lực lượng chủ yếu nấu cơm, nấu nước, dựng lán, làm hầm cho thương binh, nuôi bộ đội. Nhờ những bàn tay âm thầm ấy, bài toán hậu cần chiến dịch đã được giải quyết.
Bộ đội được ăn đủ tiêu chuẩn 0,8kg gạo mỗi ngày, thương binh được đưa kịp về hậu tuyến và chăm sóc chu đáo. Và phía sau con số khô khan ấy là mồ hôi, nước mắt, đôi khi là máu - từ những người mẹ, người chị, người em nơi tuyến sau.
Điểm tựa hậu phương
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ được làm nên bởi những trận đánh nơi tiền tuyến, mà còn được vun đắp từ chính hậu phương vững chắc - nơi phụ nữ trở thành chỗ dựa tinh thần và vật chất cho chiến trường.

Văn công biểu diễn phục vụ bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Khi phần lớn nam giới ra trận, phụ nữ là người lo toàn bộ sản xuất, đảm bảo lương thực, vận động con em nhập ngũ, tiếp sức người cho chiến dịch. Những người mẹ sẵn sàng động viên con trai, con rể, cả con gái lên đường ra mặt trận. Nhiều gia đình có từ 3 đến 4 quân nhân, có mẹ tiễn cả hai con gái và con dâu cùng nhập ngũ.
Trên mặt trận đấu tranh vũ trang tại các vùng tạm bị chiếm, phụ nữ cũng không đứng ngoài cuộc.
Gần 1 triệu chị em tham gia dân quân du kích, nhiều người trực tiếp chiến đấu, phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công, bao vây, giải tỏa hàng loạt đồn bốt ở Bắc Giang, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Đông… tạo thế trận vây ép rộng khắp, phân tán lực lượng địch, hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch chủ lực ở Điện Biên.
Đặc biệt, cuộc đấu tranh chống bắt lính, địch vận, ngụy vận là một mũi giáp công quan trọng. Phụ nữ đã tổ chức các hình thức đấu tranh linh hoạt và kiên quyết trên mặt trận này.
Kết quả, theo báo cáo của tướng Nava, trong số 16.000 lính Việt Nam bị bắt vào quân đội Pháp, có 14.000 người đã đào ngũ, tỉ lệ bất tuân mệnh lệnh lên đến 90% - một thất bại nặng nề trong chiến lược "lấy người Việt trị người Việt" của thực dân.
Ngoài ra, khắp hậu phương, những phong trào gửi quà, gửi thư, đón thương binh diễn ra sôi nổi. Những "hội mẹ chiến sĩ", "hội chị em hậu phương" góp công góp của, viết hàng nghìn bức thư động viên chiến sĩ, gửi áo ấm, khăn tay, mảnh chăn… ra chiến trường. Những món quà tưởng chừng nhỏ bé ấy, lại mang theo cả hơi ấm của lòng dân, sức mạnh của niềm tin và tình yêu nước.

Bà Trần Thị Nhĩ (SN 1936, cựu thanh niên xung phong tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ) tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024). Ảnh: Tuấn Dũng
***
Nhiều phụ nữ từng góp sức cho Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đã không còn, nhưng hình ảnh, công lao và tinh thần cống hiến của họ vẫn là di sản lịch sử sống động.
Năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động chuỗi hoạt động "Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên" - như một cách tri ân, đồng thời khơi dậy tinh thần Điện Biên Phủ trong hành động của phụ nữ hôm nay.
Với quy mô toàn quốc, chương trình đã huy động được gần 6,1 tỷ đồng tiền mặt và quà tặng cho phụ nữ, trẻ em nghèo, gia đình chính sách; thu hút hàng trăm nghìn hội viên, phụ nữ cả nước tham gia dân vũ, giao lưu, kết nối cộng đồng.
Đó chính là biểu hiện sinh động của việc mang tinh thần chiến thắng lừng lẫy năm xưa bước vào kỷ nguyên mới hôm nay - bằng trái tim nhân ái, ý chí tự cường và hành động cụ thể vì cộng đồng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gần qua 3/4 thế kỷ nhưng tinh thần Điện Biên - tinh thần vượt khó, đồng lòng, vì độc lập - vẫn đang được gìn giữ, phát huy trong kỷ nguyên xây dựng đất nước hôm nay.
-----
* Các số liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ trong bài được trích từ tham luận "Phụ nữ Việt Nam góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ" của TS. Lưu Thị Tuyết Vân (Viện Sử học, 2004)