Đồng hành cùng nữ doanh nhân chuyển đổi số

PV
09/10/2022 - 08:24
Đồng hành cùng nữ doanh nhân chuyển đổi số

Ảnh minh họa.

Trước thềm Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10), bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại, thuộc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã có những chia sẻ cùng PNVN về các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số dành cho nữ doanh nhân.

+ Xin chào bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Xin bà chia sẻ những hỗ trợ cụ thể của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để hỗ trợ chị em phụ nữ tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 vừa qua?

Trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời gian đại dịch bùng phát cũng như thời gian khi dịch Covid-19 tạm lắng, phía Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương đã triển khai những hoạt động thiết thực để nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, trực tiếp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh để xúc tiến đầu ra cho sản phẩm thị trường nội địa và thị trường quốc tế.

Đồng hành cùng nữ doanh nhân chuyển đổi số - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại, thuộc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ về chuyển đổi số

Cụ thể về mặt chính sách, chúng tôi đã có một số hoạt động nổi bật:

Thứ nhất, chúng tôi tiến hành sửa đổi Thông tư số 40/2020. Thông tư này là Thông tư sửa đổi Thông tư số 11/2019, bổ sung những hình thức xúc tiến thương mại mới nhằm hỗ trợ làm sao các hoạt động liên quan đến xúc tiến đầu ra cho sản phẩm một cách hiệu quả hơn các hình thức mới. Ví dụ như: ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số này hay xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Thứ hai là đẩy mạnh việc trình Chính phủ phê duyệt Đề án số 1968, và đã được phê duyệt vào ngày 22/11/2021. Đó là đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại cho giai đoạn 2021-2030.

Thứ ba, là hoạt động chúng tôi cho rằng rất thiết thực đối với các chị em phụ nữ, là trực tiếp phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế ITC (một đơn vị của Liên Hợp Quốc và Tổ chức thương mại quốc tế) triển khai các hoạt động liên quan đến dự án các hoạt động của dự án hỗ trợ cho doanh nhân nữ trong khuôn khổ của dự án tại Việt Nam và triển khai trên 25 nước của ITC. Trong khuôn khổ của hoạt động hợp tác này, chúng tôi đã triển khai khá nhiều hoạt động có hiệu quả trên thực tế để hỗ trợ cho các doanh nhân nữ.

Đồng hành cùng nữ doanh nhân chuyển đổi số - Ảnh 2.

Các nữ doanh nhân tham dự diễn đàn Kế nối doanh nhân nữ: Cùng nhau phát triển trong nền kinh tế số

+ Đó là những hoạt động về mặt chính sách, còn những hoạt động thực tế thì sao, xin bà chia sẻ cụ thể hơn?

Về mặt hoạt động thực tế, trong thời gian vừa rồi, đặc biệt trong thời gian đại dịch bùng phát, Cục xúc tiến thương mại đã chuyển đổi các hoạt động xúc tiến thương mại từ hoạt động truyền thống như Hội chợ, triển lãm, hội họp và bán hàng trực tiếp lên môi trường số để phù hợp với các giai đoạn cách ly xã hội cũng như giai đoạn hạn chế đi lại do đại dịch. Theo tính toán của chúng tôi, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương đã phối hợp triển khai hàng triệu phiên giao dịch, kết nối kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và trong đó có các doanh nhân nữ.

Với các sàn thương mại điện tử trong nước, chúng tôi làm việc với các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Tiki, Sen Đỏ… ký các thỏa thuận hợp tác nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp và tư vấn hỗ trợ mở các gian hàng, vận hành các ngân hàng và chuyển giao kỹ thuật cho các đối tượng là các doanh nghiệp để mọi người có thể tự vận hành một cách có hiệu quả và bền vững.

Đối với hoạt động liên quan đến các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba,  Amazon, chúng tôi có những chương trình phối hợp rất thiết thực như triển khai các khóa huấn luyện trực tiếp và trực tuyến trên khắp toàn quốc để nâng cao năng lực, hướng dẫn, huấn luyện tư vấn và chuyển giao công nghệ và kỹ thuật để cho các doanh nghiệp của chúng ta có thể tự tin vận hành gian hàng có hiệu quả.

Tập trung vào các doanh nhân nữ, trong khuôn khổ dự án Shetrades, chúng tôi phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế ITC hỗ trợ cho trên 600 doanh nghiệp nữ tham gia trực tiếp và trực tuyến các khóa huấn luyện, đào tạo. Các nội dung  liên quan đến lập kế hoạch kinh doanh và cách thức làm thế nào chúng ta khắc phục những khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Đến hiện nay, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều các chương trình huấn luyện 1-1 hỗ trợ chị em tham gia vào các sàn thương mại điện tử, tận dụng các công cụ số để có thể xúc tiến sản phẩm của mình một cách có hiệu quả.

Đồng hành cùng nữ doanh nhân chuyển đổi số - Ảnh 3.

Các nữ doanh nhân tìm hiểu về chuyển đổi số

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nữ doanh nhân đã bắt đầu làm quen với chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Từ góc độ quản lý, bà có thể chia sẻ những khó khăn chị em đang phải đối diện?

Cục Xúc tiến thương mại có khá nhiều kinh nghiệm thực tế khi làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong khuôn khổ Shetrades, chúng tôi làm việc trực tiếp với nữ, thì theo nhận định chung và kinh nghiệm bản thân, tôi thấy các nữ doanh nhân luôn có một tinh thần rất tuyệt vời, Chị em luôn lạc quan tiếp nhận cái mới, đặc biệt là đối với việc chuyển đổi số. Các chị em rất sẵn sàng thường xuyên tiếp cận với chúng tôi, hỏi những câu rất đơn giản như chuyển đổi số là gì? Cách thức tiến hành làm sao? Bây giờ phải bắt đầu từ đâu? Chúng tôi nên sử dụng bộ công cụ gì vào phần mềm nào là phù hợp nhất?...

Tuy nhiên, chuyển đổi số cần phải có lộ trình. Trong khuôn khổ của đề án 1968 của Bộ Công thương đã được Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi có một nhóm đối tác nghiên cứu và tìm hiểu, hiện tại trên thị trường chúng ta có rất nhiều các công cụ, nhiều phần mềm mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể là áp dụng vào trong thực tế sản xuất kinh doanh cũng như quản lý.

Ngay Cục Xúc tiến thương mại cũng có nghiên cứu phát triển một số những công cụ phần mềm để hỗ trợ đối tượng là doanh nghiệp nữ và một số các doanh nghiệp đặc thù như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã… Tuy nhiên, tôi cũng có tư vấn nhỏ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã hay các hộ kinh doanh, chúng ta nên có một đơn vị chuyên ngành tư vấn cho chúng ta nên sử dụng cái gì, nên làm trước nên làm gì sau… Có sự tư vấn làm một cách có hệ thống thì thứ nhất là sẽ tiết kiệm được các nguồn lực từ nhân sự cho đến tài chính; thứ hai là chúng ta sẽ có một nhãn quan chiến lược, chúng ta sẽ hiểu một bức tranh tổng thể về chuyển đổi số... để có sự liên kết, liên thông chia sẻ dữ liệu. 

Dù là doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp cỡ vừa, chúng ta nên có sự tham vấn, tham khảo, tư vấn từ những đơn vị chuyên ngành để chúng ta tiến hành triển khai các hoạt động liên quan đến sử dụng phần mềm nền tảng hay các hoạt động chuyển đổi số của chúng ta một cách bài bản khoa học, tiết kiệm chi phí và có hiệu quả trên thực tế.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với ý nghĩa số 1 và 0 là hai số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ của công nghệ thông tin và công nghệ số. Gắn với chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm