pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khởi công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn trên cả nước với tổng số vốn 445.000 tỷ đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự sự kiện tại các điểm cầu có các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung – Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TPHCM đến tất cả các công trình, dự án.
Theo tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ đồng, tổng vốn các dự án khánh là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng.
Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.

Thủ tướng kỳ vọng, đây sẽ là những công trình quan trọng, những công trình có tính "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng" trên bản đồ thế giới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhìn lại để tiến xa hơn, trở nên mạnh mẽ và kiêu hãnh hơn
Phát biểu tại buổi lễ, với tinh thần "thần tốc, táo bạo" của những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975, Thủ tướng chính thức tuyên bố khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn, quan trọng của Trung ương và các địa phương trên cả nước trong năm 2025.
Thủ tướng nêu rõ, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình của cả dân tộc ta đã trở thành hiện thực với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cách đây 50 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đã làm cho mọi người, mọi nhà thỏa lòng mong ước sau nhiều năm kháng chiến, kiến quốc anh dũng mà kiên cường; hy sinh, mất mát nhưng đầy kiêu hãnh và tự hào.
Chặng đường 50 năm thống nhất đất nước không chỉ là hành trình để chúng ta ghi nhớ những trang sử hào hùng của dân tộc, chiêm nghiệm những bài học kinh nghiệm, mà còn ghi lại quá trình phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, nhìn lại để tiến xa hơn, nhìn lại để trở nên mạnh mẽ và kiêu hãnh hơn, cùng hướng tới tương lai với hào khí, niềm tin và động lực mãnh liệt, sắt son, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của đất nước ta.
Hành trình 50 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang 95 năm của Đảng, 80 năm xây dựng và bảo vệ đất nước, đã chứng minh "Đảng ta không ngừng trưởng thành và càng trở nên vĩ đại hơn, đất nước ta không ngừng lớn mạnh, giàu đẹp và tự cường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao", ngày càng khẳng định chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu: "Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp". Và để đạt mục tiêu đó, một trong 3 đột phá chiến lược được xác định là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khởi công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là phấn đấu thực hiện thành công 2 mục tiêu chiến lược 100 năm.
Chúng ta ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế để tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tiếp theo; tập trung sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Đảng ta xác định, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là phải tập trung nguồn lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chiến lược đồng bộ, hiện đại, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, tháo gỡ mọi nút thắt, hóa giải mọi khó khăn, điểm nghẽn, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành sớm các dự án trọng điểm ngay trong năm 2025 như: Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I; Nhà ga T3 Nội Bài; Sân bay Gia Bình (Bắc Ninh); Trung tâm triển lãm quốc gia Hà Nội; hoàn thành, đưa vào khai thác trên 3.000 km đường bộ cao tốc trải dài trên khắp các vùng miền của đất nước; cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa…; tăng tốc khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, Cao tốc Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Cảng biển Hòn Khoai (Cà Mau), Cần Giờ, Liên Chiểu; dự kiến khởi công Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026… Đây là những công trình mang tính chất "xoay chuyển tình thế, thay đổi trạng thái" hạ tầng chiến lược của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thực hiện nghi thức gắn biển công trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Những công trình "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam
Thủ tướng nhấn mạnh, hòa chung không khí phấn khởi của cả nước chuẩn bị chào mừng ngày lễ lịch sử 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tri ân đồng bào, đồng chí đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta, Chính phủ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm, trải dài 3 miền Bắc - Trung - Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỷ đồng.
Trong đó, khánh thành 47 công trình với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: 5 dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227 km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268 km; hồ chứa nước Krong Pách Thượng (Đắk Lắk) phục vụ tưới tiêu cho trên 14.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân; Trung tâm Y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và đưa vào sử dụng một số công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...
Đặc biệt, chúng ta rất vui mừng chứng kiến Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp lễ trọng đại của đất nước, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch; mong muốn điều này sẽ tác động tích cực tới tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để cơ bản hoàn thành dự án này trong năm 2025.
Cùng với đó, khởi công mới 33 công trình với quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước như: Nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, TP. Hà Nội; Dự án thành phần 1, 2 thuộc tuyến vành Đai II TPHCM; Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới; nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Cà Mau; đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Trung tâm thương mại AEON Hải Dương; Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III; Bệnh viện đa khoa Cà Mau; kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề; khu đô thị lấn biển Cần Giờ (TPHCM); một số khu nhà ở xã hội, tái định cư tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai…
Theo Thủ tướng, các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội được khởi công, khánh thành hôm nay trên khắp mọi miền đất nước đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tới dự lễ Khánh thành Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tại điểm cầu TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng kỳ vọng, đây sẽ là những công trình quan trọng, những công trình có tính "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng" trên bản đồ thế giới và cuối cùng là mang lại lợi ích cho người dân, người dân được thụ hưởng thành quả từ các công trình, dự án này.
Thủ tướng đánh giá, việc khánh thành và khởi công các công trình hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế:
- Mang ý nghĩa chiến lược, hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển hạ tầng chiến lược toàn diện, bao trùm, khắc phục các điểm nghẽn về giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng và không gian phát triển mới về kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng cho các địa phương, các vùng miền và cả nước; là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
- Khơi dậy và củng cố niềm tin, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với quan điểm "Dân là gốc" của Đảng, Nhà nước ta; sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư.
- Khẳng định giá trị văn hóa của Việt Nam "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cụ thể, đo lường, lượng hóa, cân đong đo đếm được", góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với doanh nghiệp, người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Thể hiện khát vọng, tự tin, bản lĩnh, giá trị cốt lõi con người Việt Nam, bản lĩnh kiên cường với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt lên mạnh mẽ của đất nước và nhân dân ta.
- Tạo đột phá về kết nối kinh tế, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế; kết nối rộng khắp, đồng bộ, toàn diện, nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng của đất, rừng, sông, nước... góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân các vùng có dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Đề cao trách nhiệm, lòng yêu nước với sự nỗ lực vượt bậc, chủ động, tích cực, sáng tạo, quyết liệt, làm việc không ngừng nghỉ của các chủ thể có liên quan, nhất là các công nhân trên công trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút triển khai giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ làm thủ tục lên tàu bay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
6 bài học kinh nghiệm lớn
Theo Thủ tướng, với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", để có được những kết quả vừa qua, chúng ta đã cùng nhau nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại mà từ đó có thể rút ra 6 bài học kinh nghiệm lớn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng chiến lược nói riêng:
Một là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp, các ngành, các địa phương với tinh thần: Nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, làm việc nào dứt việc đó, làm việc gì ra việc nấy.
Hai là, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", tranh thủ sự ủng hộ, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp. Với phương châm: Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.
Ba là, tăng cường sự hiệp đồng, phối kết hợp giữa các lực lượng; giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; giữa Nhà nước với nhân dân; giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân bảo đảm khoa học, hiệu quả, phù hợp và thống nhất. Mỗi chủ thể nỗ lực, cố gắng để cả nước cùng cố gắng với tinh thần: "Cùng chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển và cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào".

Thủ tướng và các đại biểu trải nghiệm một số dịch vụ tại Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bốn là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho các địa phương; đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, phê bình xử lý, khen thưởng kịp thời, chính xác. Phát huy tính tự lực, tự cường, tự tin vươn lên từ bàn tay khối óc của mình; dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại. Cùng nhau thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển lớn mạnh, trưởng thành hơn, tự tin hơn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Năm là, tập trung tháo gỡ các rào cản về thể chế, nỗ lực cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm tin cho các chủ thể có liên quan. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc phân công bảo đảm 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền"; để "dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ đôn đốc".
Sáu là, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các công trình trọng điểm của đất nước, xây dựng, phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo không khí hăng say làm việc, với tinh thần trách nhiệm cao nhất "Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước"; kịp thời động viên, khen thưởng, tuyên truyền, khắc họa gương người tốt, việc tốt trên công trường, vận động người dân, tạo sự đồng thuận, đồng lòng triển khai các dự án, công trình.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội; tri ân các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm; cảm ơn sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, công nhân, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các địa phương, các cơ quan báo chí ở cả 3 miền đất nước, đã tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, khắc phục các khó khăn, thời tiết bất lợi, phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", làm việc "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết; làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm"…; huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, máy móc, áp dụng những giải pháp kỹ thuật hiện đại để đưa các dự án vào vận hành, khai thác trong thời gian qua và ngày hôm nay.
Thủ tướng đặc biệt cảm ơn bà con nhân dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, đã tình nguyện nhường đất, dời nhà, di chuyển nơi ở, nơi thờ tự, nơi chôn cất, mồ mả để triển khai thực hiện các dự án.

Thủ tướng tham quan khu vực kiểm tra an ninh tại Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Những điểm tựa, đòn bẩy để phát triển đất nước
Theo Thủ tướng, việc khởi công, khánh thành các công trình, dự án hôm nay có vai trò, ý nghĩa rất to lớn trong kết nối nội tỉnh, nội vùng; liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, liên quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nói riêng và của đất nước nói chung.
Với tinh thần "đã cố gắng thì càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm thì càng quyết tâm cao hơn nữa; đã hiệu quả rồi thì càng hiệu quả hơn nữa" để phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng đề ra các yêu cầu trong triển khai tổ chức thực hiện thời gian tới.
Đối với các công trình, dự án khánh thành, các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản các dự án và các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình đã nhường đất cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, an cư lạc nghiệp; tận dụng tối đa lợi thế của các dự án để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bao trùm, toàn diện; không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đối với các công trình, dự án khởi công , chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công ngay các dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, không đội vốn, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư.
Các địa phương phải tập trung công tác giải phóng mặt bằng; hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết nhanh các thủ tục về mỏ vật liệu, đổ thải để chủ động triển khai dự án đúng kế hoạch, mục tiêu.
Quá trình triển khai dự án, Thủ tướng đề nghị thực hiện "3 có, 2 không", trong đó "3 có" là có lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của gười dân, có lợi của doanh nghiệp; "2 không" không tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của nhân dân.
Các địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển nhà ở xã hội; phấn đấu hiện thực hóa chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trước năm 2030; cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 để mọi người dân đều được hưởng niềm vui có nhà, có chỗ ở ổn định, khang trang, an cư lạc nghiệp sau 80 năm độc lập của dân tộc.
Thủ tướng kêu gọi, mỗi cá nhân, mỗi chủ thể tham gia dự án luôn nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa là với nhân dân, với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn và môi trường, với tinh thần "tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước".
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án hạ tầng chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng để chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, cũng như các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025 như kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân, 80 năm Ngày thành lập nước… Đây sẽ là những điểm tựa, đòn bẩy góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Thủ tướng nêu rõ: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, với tinh thần nỗ lực vượt bậc "biến nguy thành cơ", "chủ động, khôn khéo, linh hoạt để thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế"; với phương châm "kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", chúng ta tin tưởng rằng, với trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam đã được thử thách, hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm văn hiến dựng nước và giữ nước, tiếp tục tỏa sáng để đưa đất nước ta vươn lên tầm cao mới, đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự Lễ khánh thành 2 công trình giao thông: Công trình làm mới đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn từ Quốc lộ 1 đến cầu Suối Nhum) và Công trình đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự Lễ khánh thành 2 công trình giao thông tại Bình Thuận - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Công trình làm mới đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn từ Quốc lộ 1 đến cầu Suối Nhum) do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư được khởi công ngày 25/11/2020, hoàn thành đoạn từ Quốc lộ 1 đến cầu Suối Nhum ngày 10/4/2025.
Đoạn đường này có chiều dài 17,8 km, nền đường rộng 28m, chiều rộng mặt đường 8m x 2 = 16 m, dải phân cách giữa rộng 11m, chiều rộng lề gia cố mỗi bên 0,5 m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm; xây dựng mới 3 cầu; đầu tư đồng bộ hạng mục điện chiếu sáng, cây xanh và hệ thống đảm bảo an toàn giao thông.
Tổng mức đầu tư của công trình làm mới đường trục ven biển ĐT.719B là hơn 1.274 tỷ đồng (tính cả dự án 25,6 km).
Công trình Đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B) được khởi công ngày 16/11/2021 và hoàn thành ngày 31/12/2024; có chiều dài 7,7 km; chiều rộng nền đường 37 m, chiều rộng mặt đường 8m x 2 = 16 m, dải phân cách giữa rộng 9m, lề đường mỗi bên 6m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm; xây dựng mới 3 cầu; đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh và hệ thống đảm bảo an toàn giao thông. Tổng mức đầu tư của công trình là hơn 419,9 tỷ đồng.
Đây là 2 công trình hạ tầng giao thông chiến lược, được tỉnh ưu tiên đầu tư nhằm kết nối với trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và hoàn thiện tuyến đường ven biển quốc gia về phía Nam thành phố Phan Thiết. Góp phần định hướng phát triển không gian ven biển, mở rộng không gian đô thị; kết nối giao thông đồng bộ, nâng cao năng lực vận tải; phát huy và lan tỏa động lực do công trình mang lại để khai thác hiệu quả tiềm năng quỹ đất khá rộng lớn và nhiều tiềm năng của khu vực này, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế biển,…
Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nâng cao đời sống người dân tại các khu vực dự án đi qua và của địa phương. Đây không chỉ là những tuyến đường giao thông, 2 công trình này còn mang biểu tượng cho ý chí vươn lên, cho tinh thần đoàn kết và tầm nhìn phát triển bền vững của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ thông xe kỹ thuật 2 đoạn cao tốc đi qua tỉnh Hà Tĩnh (Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng):

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ thông xe kỹ thuật 2 đoạn cao tốc đi qua tỉnh Hà Tĩnh (Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng) - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có tổng chiều dài tuyến khoảng 35,28 km đi qua địa phận các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, có mức đầu tư là 7.643,57tỷ đồng. Đoạn tuyến có 3 nút giao: Nút giao QL8A, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ kết nối cửa khẩu Cầu Treo, Thị xã Hồng Lĩnh; nút giao Đường tỉnh 548, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc kết nối Thị trấn Nghèn, Khu di tích lịch sử Ngã 3 Đồng Lộ, QL1A và nút giao với Đường tỉnh 550, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà kết nối với TP. Hà Tĩnh, QL1A.
Dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có tổng chiều dài khoảng 54,2km, đi qua địa phận các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh, có tổng mức đầu tư dự án là 9.734,62 tỷ đồng. Đoạn tuyến có 3 nút giao: Nút giao Cẩm Quan QL1 , xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên qua tuyến nối ra QL1A đi Trung tâm huyện Cẩm Xuyên, Khu du lịch Thiên Cầm; nút giao Kỳ Trung, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh ra QL1A kết nối Trung tâm huyện Kỳ Anh và nút giao QL12C, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh kết nối Khu kinh tế Vũng Áng và Thị xã Kỳ Anh.
Giai đoạn phân kỳ, 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4 làn xe.
Giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120 km/h, quy mô 6 làn xe.
Sau khi thông xe kỹ thuật, 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng dự kiến đưa vào khai thác tuyến chính ngày 28/4/2025, hoàn thành dự án trước 30/6/2025.

2 đoạn cao tốc đi qua tỉnh Hà Tĩnh (Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng) có tổng chiều dài khoảng 90 km - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng góp phần hoàn thiện trục giao thông Bắc – Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển giữa các tỉnh miền Trung và cả nước; mở ra không gian phát triển mới, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ.
Hai đoạn cao tốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh, góp phần tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, hHệ thống giao thông hiện đại giúp người dân địa phương tiếp cận nhanh chóng hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục và các tiện ích khác, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường do giảm lưu lượng xe trên các tuyến đường cũ.
Tại Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên giai đoạn III:

Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên giai đoạn III - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Với tổng mức đầu tư 324,72 tỷ đồng, dự án là cơ hội để Đại học Thái Nguyên từng bước hoàn thiện mô hình quản trị, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo, mở rộng quy mô và chất lượng nghiên cứu.
Cụ thể, dự án sẽ đầu tư xây dựng nhà thí nghiệm và giảng đường lớn Trường Đại học Khoa học, Trung tâm Y học gia đình và thực hành khám chữa bệnh Trường Đại học Y Dược, Nhà giảng đường và thực hành N3 Trường Ngoại ngữ, Trung tâm Thí nghiệm thực hành các khoa Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Nhà Đa năng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh. Đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình phụ trợ Đại học Thái Nguyên gồm: Nhà ăn, nhà để xe.
Ngoài ra, dự án còn đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin kết nối toàn Đại học Thái Nguyên: Xây dựng nền tảng kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung Đại học Thái Nguyên, gồm 2 thành phần trực tiếp tích hợp, chia sẻ dữ liệu và kho dữ liệu dùng chung; xây dựng hệ thống quản lý hành chính tập trung Đại học Thái Nguyên; xây dựng hệ thống nền tảng sinh viên số Đại học Thái Nguyên; bổ sung tài nguyên tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tập trung Đại học Thái Nguyên.
Việc khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên - giai đoạn III là cơ hội để Đại học Thái Nguyên từng bước hoàn thiện mô hình quản trị, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo, mở rộng quy mô và chất lượng nghiên cứu, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Thái Nguyên - xứng đáng là trung tâm đào tạo hàng đầu của khu vực và cả nước, hướng tới trở thành đại học số, đại học xanh, trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp theo hướng hiện đại và hội nhập.
Tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự Lễ khánh thành dự án thành phần đường cao tốc đoạn Vân Phong-Nha Trang:

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành dự án thành phần đường cao tốc đoạn Vân Phong-Nha Trang - Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Dự án thành phần đoạn Vân Phong-Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng chiều dài 83,35 km, đi qua địa bàn 04 huyện, thị xã gồm huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Vĩnh và huyện Diên Khánh của tỉnh Khánh Hòa.
Điểm đầu (Km 285+000) kết nối đường dẫn cửa phía nam hầm Cổ Mã, thuộc địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối (Km 368+350) kết nối điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang-Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tổng mức đầu tư của dự án là 11.808 tỷ đồng.

Dự án thành phần đoạn Vân Phong-Nha Trang trên tuyến Bắc-Nam phía đông có tổng chiều dài 83,35 km
Với khối lượng phải thực hiện của dự án rất lớn, để đưa dự án về đích trước thời hạn (khoảng 8 tháng) các đơn vị thi công đã huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân sự, thiết bị và chuẩn bị nguồn vật liệu ngay từ khi khởi công với khoảng trên 2.500 nhân sự, trên 1.200 thiết bị tại thời điểm cao điểm (gấp khoảng 1,5 lần nhân sự, thiết bị theo yêu cầu) để triển khai đồng loạt các hạng mục.
Dự án hình thành góp phần hoàn thành mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra (đến năm 2025 đưa vào khai thác 3000 km đường bộ cao tốc, đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5000 km), cũng như phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3000 km đường bộ cao tốc” vào năm 2025. Dự án cũng góp phần hoàn thành đa mục tiêu: Giải ngân vốn đầu tư công, mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ cho các địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, tăng giá trị gia tăng của đất đai, thuận lợi cho kêu gọi xúc tiến đầu tư, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự Lễ khởi công Trung tâm thương mại AEON Hải Dương:

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự Lễ khởi công Trung tâm thương mại AEON Hải Dương - Ảnh: VGP/Hải Minh
Trung tâm Thương mại Aeon Hải Dương được xây dựng tại phường Thạch Khôi và xã Liên Hồng (TP. Hải Dương), thuộc khu vực phía đông đại lộ Võ Nguyên Giáp.
Trung tâm thương mại AEON Hải Dương là trung tâm thương mại cộng đồng quy mô vừa đầu tiên do AEON Việt Nam phát triển tại khu vực phía Bắc, có tổng diện tích sàn khoảng 3,6 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.180 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Trung tâm thương mại AEON Hải Dương - Ảnh: VGP/Hải Minh
Trung tâm thương mại AEON Hải Dương dự kiến đi vào hoạt động năm 2026, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo khoảng 1.000 cơ hội việc làm mới, góp phần tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao của tỉnh Hải Dương và đống góp tích cực vào sự phát triển bền vững của khu vực.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự lễ khởi công Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ-Vinhomes Green Paradise, TPHCM:

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự lễ khởi công Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Ảnh: VGP/Thu Sa
Cùng dự tại điểm cầu này, có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, đại diện lãnh đạo Thành phố, các sở ban ngành, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup dự chương trình.
Tọa lạc tại huyện Cần Giờ, Vinhomes Green Paradise có diện tích lên đến 2.870 ha. Dự án không chỉ tạo lập không gian sống, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, mà còn hướng tới việc hình thành trung tâm tài chính dịch vụ mới, kết nối với mạng lưới kinh tế biển phía Nam, góp phần mở rộng không gian phát triển của TPHCM.
Trong tổng nguồn vốn 445 nghìn tỷ đồng đầu tư 80 dự án, công trình được khởi công hôm nay, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ Vingroup - Vinhomes Green Paradise.
Dự án hứa hẹn tạo ra hàng chục ngàn việc làm, thúc đẩy thương mại, tăng thu ngân sách và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Khi đi vào vận hàng, nơi đây sẽ đóng vai trò là điểm đến quan trọng trong chiến lược đưa TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, du lịch quốc tế theo đúng định hướng của thành phố.
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính dự Lễ khởi công dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại và du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An:

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính dự Lễ khởi công dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại và du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An - Ảnh: VGP/Giang Thanh
Tại tỉnh Long An tổ chức Lễ khởi công, khánh thành đồng loạt 05 các dự án, công trình trọng điểm có vai trò tạo động lực và không gian phát triển mới cho tỉnh, bao gồm Lễ khởi công dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại, du lịch xã Thanh Phú, huyện Bến Lức; Lễ khởi công dự án Khu dân cư Mai Bá Hương, Lễ động thổ Khu công nghiệp Tandoland; Lễ thông xe đường tỉnh 823D - trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An-TPHCM và Lễ khánh thành dự án nhà máy sản xuất phụ kiện và phụ tùng cho ngành ô tô của Công ty Shiliduo với tổng giá trị đầu tư của các dự án trên 28,8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại và du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức của Liên danh Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển DB - Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark với quy mô hơn 220 ha, tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng là dự án mang ý nghĩa chiến lược trong việc định hình và phát triển hệ sinh thái đô thị kiểu mẫu, đảm bảo sự cân bằng giữa kinh tế-cộng đồng-sinh thái, hình thành không gian sống chất lượng cao, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đồng thời tích hợp đầy đủ các chức năng thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế và du lịch… đáp ứng xu thế đô thị hóa bền vững.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP dự khởi công Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng tại nút giao Mai Sơn giao với đường cao tốc Bắc - Nam thuộc địa phận xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (điểm đầu của dự án).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP dự khởi công Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng tại nút giao Mai Sơn giao với đường cao tốc Bắc - Nam thuộc địa phận xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (điểm đầu của dự án) - Ảnh: VGP/Gia Huy
Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có điểm đầu tại nút Mai Sơn giao với đường cao tốc Bắc - Nam (thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), điểm cuối tại đầu cầu vượt sông Đáy (thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Tổng chiều dài tuyến đường là 25,3 km, tốc độ thiết kế 120 km/h, bề rộng nền đường 24,75 m gồm (4 làn xe hoàn chỉnh) và các công trình phụ trợ trên tuyến.
Dự án có tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương là 4.865 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng. tThời gian thực hiện từ năm 2024-2026; chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ…