Hỏi: Tôi không phải là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và cũng không đam mê nghệ thuật. Tuy nhiên, trời phú cho tôi một gương mặt khá ăn ảnh và làn da mịn. Cách đây 2 năm tôi có làm đại diện cho một thương hiệu mỹ phẩm của một quốc gia châu Á có Văn phòng giao dịch tại Việt Nam. Gần đây tôi được bạn bè mời tham gia vào vai quần chúng trong một vài bộ phim chủ yếu đóng cảnh ăn uống, nhảy nhót trong quán bar, nhà hàng. Người đại diện của hãng mỹ phẩm biết chuyện mời tôi đến đề nghị chấm dứt hợp đồng và đòi tôi phải bồi thường với lý do làm ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của thương hiệu sản phẩm đã ký kết trong hợp đồng. Mặc dù hợp đồng còn trên 1 năm nữa mới hết hạn.
Xin hỏi Báo PNVN việc đề nghị chấm dứt hợp đồng như vậy có đúng không?
Nguyễn Lê Mỹ Hạnh (TP.HCM)
Suzy đại diện thương hiệu mỹ phẩm The Face Shop. Ảnh mang tính minh họa |
Trả lời:
Theo quy định pháp luật, việc chị và hãng mỹ phẩm có ký kết hợp đồng thì mọi vấn đề tranh chấp phát sinh phải dựa trên các điều khoản cụ thể của hợp đồng. Nếu hợp đồng đã ký có điều khoản sai, không đúng quy định pháp luật thì phải áp dụng các quy định của pháp luật điều chỉnh nội dung của điều khoản đó cho phù hợp. Cần phải xem xét kỹ phía hãng mỹ phẩm và chị ký hợp đồng là loại hợp đồng gì, ví dụ là loại hợp đồng uỷ quyền hay là loại hợp đồng dịch vụ. Vì với mỗi loại hợp đồng này, Bộ luật Dân sự năm 2005 có một số quy định giống nhau và khác nhau.
Đối với Hợp đồng dịch vụ, Khoản 2 Điều 521 Bộ luật Dân sự quy định:
“2. Trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Còn đối với Hợp đồng uỷ quyền, tại Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định:
" Điều 584. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền
Bên được uỷ quyền có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện công việc theo uỷ quyền và báo cho bên uỷ quyền về việc thực hiện công việc đó;
- Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện uỷ quyền về thời hạn, phạm vi uỷ quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi uỷ quyền;
- Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc uỷ quyền;
- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc uỷ quyền;
- Giao lại cho bên uỷ quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc uỷ quyền theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.”
Như vậy, nếu trong hợp đồng giữa chị và hãng mỹ phẩm có điều khoản quy định về bồi thường thiệt hại, quy định rõ nếu chị làm diễn viên trong phim mà đóng cảnh ăn uống, nhảy nhót trong quán bar, nhà hàng thì phải bồi thường thiệt hại với số tiền bao nhiêu chẳng hạn thì nhiều khả năng chị phải bồi thường thiệt hại. Còn nếu trong hợp đồng không đề cập đến việc bồi thường thiệt hại; hành vi của chị cũng chưa đến mức làm ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của thương hiệu sản phẩm thì chị không phải bồi thường thiệt hại. Ngược lại, chị còn có quyền yêu cầu hãng mỹ phẩm phải tiếp tục thực hiện các điều khoản của hợp đồng vì hợp đồng còn trên 1 năm nữa mới hết hạn.
Điều 424 Bộ luật Dân sự quy định:
“Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Hợp đồng đã được hoàn thành;
- Theo thoả thuận của các bên;
- Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;
- Hợp đồng bị huỷ bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
- Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định”.
Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy
Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật. Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty Luật Hà Huy –Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.