'Cuộc chiến' việc làm với robot

16/09/2015 - 15:48
Nhiều bộ phim viễn tưởng đề cập tới những cuộc chiến đấu của loài người chống lại sự “xâm lăng” của các đội quân người máy. Liệu chiến thắng sẽ thuộc về ai?
Người máy ngày càng thông minh hơn
Cách đây khoảng 15 năm, hãng Honda của Nhật Bản từng vô cùng tự hào khi giới thiệu Asimo - robot có nhiều khả năng “siêu phàm” được cho là thông minh nhất vào thời bấy giờ. Nhưng hiện nay, chú robot ấy đã nhanh chóng trở thành “đồ cổ” khi nó tỏ ra quá ngờ nghệch và vụng về so với những robot thế hệ mới.

Những thế hệ Robot càng về sau càng thông minh và hoàn thiện

Mới đây, các nhà phát triển của Guadian đã tạo ra một loại robot báo chí đặc biệt có tên Guardbot. Nó có khả năng viết được những bài báo đúng nghĩa, có chính kiến riêng biệt và đi kèm các thông tin phân tích, bình luận như các nhà báo thực thụ. Dự án này không hề mơ hồ mà hoàn toàn dựa trên các logic nhất định. Theo các nhà phát triển, những công việc như quét tin và copy các mục tin tức cơ bản hàng ngày luôn bị xem là nhàm chán, lãng phí thời gian, nhân lực. Trong khi đó, máy tính có thể đảm nhận phần công việc này để các nhà báo tập trung vào việc viết những thể loại phân tích hay điều tra có mức độ phức tạp và tinh tế hơn.
Như vậy, không chỉ có những robot dưới hình thù là thiết bị kỹ thuật chuyên dụng thực hiện các thao tác trong lĩnh vực y tế, xây dựng, khai khoáng… mà robot còn từng bước tiến sâu vào đời sống thường ngày của con người. Trong vài năm gần đây, có thể “điểm mặt” một số robot phục vụ đắc lực cho con người như: Robot thử quần áo do một công ty của Estonia chế tạo, có khả năng thay đổi thành 2.000 dạng cơ thể khác nhau giúp thử y phục cho người mua; Robot gội đầu của Panasonic phục vụ những người cao tuổi và bị liệt; Robot phục vụ quầy rượu của một nhóm sinh viên ĐH Saarland ở Đức có khả năng hiểu được ngôn ngữ tự nhiên và sau đó thực hiện lệnh đưa ra một cách chính xác như con người, với cơ sở dữ liệu chứa sẵn về mọi công thức pha chế cocktail…

 Từ hỗ trợ, dần dần robot còn thay thế được con người trong một số công việc

Chưa hết, gần đây các nhà nghiên cứu Mỹ còn chế tạo thành công robot có khả năng nói và biểu lộ cảm xúc như con người có tên Zeno R25. Sản phẩm này được chế tạo với các đặc điểm và tính năng giống con người, mô phỏng các hành động và biểu lộ cảm xúc của con người, được coi là một giải pháp hữu ích dành cho trẻ tự kỷ vốn thường gặp các vấn đề liên quan đến khả năng hiểu và bộc lộ cảm xúc.
Với vai trò là một phương tiện giải trí, robot có khả năng đọc sách, kể chuyện cười, nói chuyện, trả lời câu hỏi bằng cách tìm kiếm câu trả lời trực tuyến và thậm chí nhảy theo nhạc. Giá khởi điểm của loại robot này khoảng 16.000 USD, nhưng khi được sản xuất đại trà thì mức giá chỉ còn khoảng 2.700 USD.
 
“ĐỐI THỦ TIỀM TÀNG”
Năm 2013, Công ty Boston Dynamics đã chế tạo ra Atlas - robot có hình dạng giống con người tiên tiến nhất hiện nay. Atlas cao 1,9m, nặng 150kg, có thể thực hiện hàng loạt chuyển động tự nhiên như người và sở hữu một máy tính để kiểm soát mọi hoạt động theo thời gian thực. Như vậy, có thể dự báo trong tương lai không xa sẽ xuất hiện những robot có hình thù và các hoạt động cơ bản giống hệt con người. Nhưng nhiều người lại không vội mừng. Bởi một nghiên cứu được công bố gần đây do ĐH Oxford thực hiện, cho thấy hơn 47% công việc tại Mỹ đang bị đe dọa sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi các robot trong vài thập niên tới.

Nhiều công việc đang bị đe dọa sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi robot

Không chỉ là chuyện tương lai, từng có những người giúp việc bị sa thải khi từ năm 2005, Công ty Mitsubishi-Heavy Industries (Nhật Bản) đã chế tạo người máy Wakamaru có khả năng nhận biết được 10 khuôn mặt và hiểu rõ 10.000 từ, có thể giúp trông nhà, cảnh báo trộm hay canh chừng người bệnh khi chủ nhà đi vắng.
Do đó, mối quan tâm hàng đầu là người lao động cần phải có những kỹ năng gì để có thể tồn tại trong thị trường lao động bị cạnh tranh bởi công nghệ cao ở một tương lai không xa? Nếu lạc hậu so với công nghệ và không có các kỹ năng cần thiết, người lao động có thể đối mặt với nguy cơ thất nghiệp - theo cảnh báo của Charles Fadel, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo nhân lực của Mỹ.
Nhận thấy được vấn đề cấp bách trên, một số quốc gia đã đưa ra giải pháp để chủ động giải quyết vấn đề. Năm nay, Chính phủ Anh đã yêu cầu học sinh phải học lập trình phần mềm ngay từ khi bước vào trường tiểu học (5 tuổi) cho đến ít nhất 16 tuổi. Fabio Rosati, giám đốc điều hành của thị trường việc làm tự do online Elance, cho biết, các nhu cầu sử dụng lao động có nhiều kỹ năng IT sẽ tăng cao trong 2-3 năm sắp tới.

Nhà sáng chế nổi tiếng Ray Kurzweil của Google dự đoán vào năm 2029, robot sẽ có thể nói chuyện với người, học hỏi từ kinh nghiệm và hiểu được hành vi của con người, thậm chí còn tốt hơn chính con người. Máy móc lúc đó chắc chắn sẽ biết “tán tỉnh” người khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm