pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự án 8: Nhiều ông chồng "quay xe" cùng vợ gánh vác việc nhà
Hội LHPN huyện Lục Ngạn đã đẩy mạnh tập huấn, truyền thông cho 81 tổ cộng đồng tại 81 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn
Bà Lý Thị Liên, Chủ tịch hội LHPN huyện Lục Ngạn, đã có những chia sẻ về thuận lợi cũng như kinh nghiệm khi thực hiện Dự án 8 trong các cấp hội tại địa bàn.
- Sau 3 năm triển khai Dự án 8, chị nhận thấy hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" đã đem lại hiệu quả gì cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn?
Đây là một trong những nội dung khó nhất của dự án và phải làm từ từ và lâu dài. Bởi đây là việc thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Để làm tốt nội dung này, Hội đã đẩy mạnh tập huấn, truyền thông cho 81 tổ cộng đồng tại 81 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện cùng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Lục Ngạn tổ chức Hội thảo tháo gỡ khó khăn vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án 8 đối với 15 xã thực hiện Dự án 8. Đến ngày 31/12/2023 đã thực hiện đạt trên 90% nội dung hoạt động năm 2023.
Đến thời điểm này, Hội LHPN huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cấp, vận hành địa chỉ tin cậy cho hơn 70 thành viên của mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng tại 14 xã: Đèo Gia, Phú Nhuận, Sa Lý, Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Minh, Hộ Đáp, Phong Vân, Tân Hoa, Tân Lập, Kim Sơn, Thanh Hải, Biên Sơn, Kiên Thành; tổ chức 1 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu địa chỉ tin cậy cho 110 chị là Chi hội trưởng, Chi hội phó, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng.
Đồng thời, thực hiện hoạt động "Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý" tập trung vào các nội dung: Xây dựng thương hiệu, đăng ký các tiêu chuẩn theo quy định, xây dựng truy xuất nguồn gốc và tập huấn về quản lý chất lượng". Rà soát thực trạng, nguồn lực tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn xã thực hiện Dự án 8.
Qua rà soát các xã trên địa bàn thực hiện Dự á 8, không có tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Trước tình trạng này, Hội LHPN huyện đã đề nghị UBND huyện điều chỉnh việc cấp thêm kinh phí hỗ trợ từ 3 xã Tân Sơn, Sa Lý, Phong Minh, chuyển cho 6 xã là Tân Sơn, Sa Lý, Đèo Gia, Phú Nhuận, Tân Lập, Hộ Đáp tập huấn với kinh phí hỗ trợ 50 triệu/1 mô hình.
- Vấn đề đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, hiện nay Hội thực hiện đến đâu và có khó khăn gì không?
Hội đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn vận hành Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" cho 77 đồng chí là Chủ tịch Hội LHPN, Bí thư đoàn thanh niên, dẫn trình viên và thành viên của Câu lạc bộ thủ lĩnh.
Hội LHPN các xã đã tổ chức được 85 cuộc "tiền đối thoại" để chuẩn bị tổ chức các Hội nghị đối thoại chính sách tại các cụm thôn. Đến nay, các xã tổ chức được 22 cuộc đối thoại chính sách tại cụm thôn, bản.
Tại hội nghị hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã đã tham gia thảo luận, đưa ra 10 nội dung câu hỏi, ý kiến băn khoăn, kiến nghị, đề xuất về các nội dung như: phòng, chống bạo lực gia đình, việc tuyên truyền chính sách bình đẳng giới; bảo vệ phụ nữ, trẻ em khi bị bạo lực …
Các ý kiến, kiến nghị của hội viên phụ nữ đã được các đồng chí lãnh đạo xã, công chức chuyên môn giải đáp, trả lời ngay tại Hội nghị, đồng thời cung cấp, chia sẻ các thông tin về kinh tế xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn xã đến với hội viên, phụ nữ.
Về trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng thì đến cuối năm nay mới thực hiện.
- Qua quá trình thực hiện, chị thấy có những kinh nghiệm gì muốn chia sẻ?
Trong quá trình thực hiện Dự án, có thể thấy sự chuyển biến cũng bắt đầu rõ nét hơn. Đầu tiên là nhận thức của người dân, phần nào đó thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết chăm lo đến đời sống của mình, chăm lo cho con cái, gia đình. Mọi người quan tâm chia sẻ với nhau, chia sẻ gánh vác việc nhà của người chồng cho người vợ, quan tâm, chăm lo cho gia đình hơn.
Tuy nhiên, do đây là dự án mới nên trong quá trình thực hiện còn có nhiều vướng mắc. Ví dụ như các cuộc đối thoại chính chưa hiệu quả do chưa có nhiều ý kiến chất lượng. Ngoài ra còn có khó khăn về nguồn kinh phí để duy trì các Tổ truyền thông và Câu lạc bộ Thủ Lĩnh của sự thay đổi; Trình độ của cán bộ Hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn hạn chế… nên cũng ít nhiều ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện các nội dung.
- Xin cảm ơn chị!