Dự án Luật Cảnh sát cơ động: Cần làm rõ "biện pháp vũ trang" để tránh lạm dụng

PV
15/02/2022 - 14:04
Dự án Luật Cảnh sát cơ động: Cần làm rõ "biện pháp vũ trang" để tránh lạm dụng

Cảnh sát cơ động diễn tập phòng chống khủng bố. Ảnh minh họa: K.T

Thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động sáng nay (15/2), nhiều ý kiến cho rằng quyền hạn của Cảnh sát cơ động quá rộng, cần quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác; quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ, tránh lạm quyền.

Sáng 15/2, tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật CSCĐ.

Về quyền hạn của CSCĐ, một số ý kiến cho rằng, quyền hạn của CSCĐ quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác; quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ, tránh lạm quyền.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận thấy, quy định về quyền hạn của CSCĐ được xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan và cơ bản kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, dự thảo Luật chỉ quy định các quyền hạn cần thiết nhằm bảo đảm cho CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất được giao.

Cho ý kiến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: Cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan trong thực hiện chức năng nhiệm vụ CSCĐ đặc biệt trong quá trình thực hiện biện pháp vũ trang của lực lượng CSCĐ. "Khi thực hiện các biện pháp vũ trang của lực lượng chức năng nói chung và lực lượng CSCĐ nói riêng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân,… trong đó có cả trong nước và quốc tế. Do đó, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Dự án Luật Cảnh sát cơ động: Cần làm rõ "biện pháp vũ trang" để tránh lạm dụng - Ảnh 1.

Phiên thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát cơ động

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu có điều khoản quy định về giải thích từ ngữ. Quy định này cần cụ thể, rõ ràng, đảm bảo Luật CSCĐ sau khi ban hành có tính khả thi cao, phát huy hiệu quả trên thực tế.

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị, cân nhắc quy định rõ về biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, biện pháp vũ trang là biện pháp vô cùng quan trọng thuộc 1 trong 20 nhóm nhiệm vụ quyền hạn của công an nhân dân nói chung được quy định trong Luật Công an nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, các luật có liên quan cũng chưa có quy định cụ thể về biện pháp vũ trang. Bên cạnh đó, các văn bản dưới luật cũng chưa quy định thế nào là biện pháp vũ trang, trong khi đó thì dự thảo luật quy định CSCĐ là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội,… "Biện pháp vũ trang rất quan trọng trong luật cảnh sát cơ động, tuy nhiên nội hàm lại không rõ. Cần cân nhắc, nên chăng có quy định cho rõ để các cơ quan có cơ sở yên tâm thực hiện nhiệm vụ và có tính ràng buộc phạm vi áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ tránh sự lạm dụng nếu có,...".

Nhấn mạnh việc thực hiện quyền hạn CSCĐ có liên quan nhiều đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền như trường hợp vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài,…

Dự án Luật Cảnh sát cơ động: Cần làm rõ "biện pháp vũ trang" để tránh lạm dụng - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết: Nên cân nhắc quy định rõ về "biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang" và một số khái niệm khác mà các luật khác chưa quy định. Đây là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về nội hàm.

Về các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong 12 nhóm nhiệm vụ mới chọn 3 vấn đề quy định cụ thể còn lại các quy định khác mà các luật khác đã quy định rõ thì không cần quy định lại nhưng cần rà soát cho cụ thể và nhiệm vụ của CSCĐ.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là một trong những nội dung quan trọng dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản rõ, nội dung giải trình có căn cứ. Tuy nhiên, đề nghị rà soát làm rõ hơn nhiệm vụ chủ trì phối hợp của CSCĐ trong thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tránh chồng chéo với các lực lượng khác và cần phải điều chỉnh, viết rõ nhiệm vụ của CSCĐ.

Về quyền hạn của CSCĐ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo đã dự kiến tiếp thu, chỉnh lý về quyền hạn CSCĐ thể hiện được quan điểm của đại biểu Quốc hội không chồng chéo về quyền hạn với lực lượng khác. Tuy nhiên, do thực hiện quyền hạn CSCĐ có liên quan nhiều đến hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm