Dự án “treo” hơn 2 thập kỷ ở quận Thanh Xuân: Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đề xuất 4 phương án xử lý

Nguyễn Cảnh Dũng
27/03/2023 - 14:31
Dự án “treo” hơn 2 thập kỷ ở quận Thanh Xuân: Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đề xuất 4 phương án xử lý

Căn nhà của gia đình chị Phùng Thị Nhi ở tổ 10 phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) không được sửa chữa, xây mới do nằm trong quy hoạch

Báo PNVN đã có bài viết “Hà Nội: Dự án công viên "treo" hơn 2 thập kỷ, hàng trăm hộ dân khốn khổ chịu đựng” phản ánh về cuộc sống vô cùng khó khăn của hàng nghìn người dân thuộc tổ 9 và 10 phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Mới đây, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã đưa ra 4 phương án nhằm tháo gỡ cho công trình này.

Theo UBND quận Thanh Xuân, năm 2001, đơn vị này được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ triển khai dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã vướng mắc do khiếu kiện của nhân dân phường Hạ Đình liên quan đến việc cấp đất giãn dân tại khu vực Công viên hồ điều hòa Hạ Đình. 

Sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất một số giải pháp tháo gỡ, trong đó có nội dung điều chỉnh cục bộ chi tiết 1/2000. Ngày 16/3/2007, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất trên. 

Tuy nhiên, khi triển khai lập quy hoạch chi tiết, lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đưa ra phương án bố trí một phần diện tích trong công viên để xây dựng nhà ở cao tầng tái định cư tại chỗ cho toàn bộ các hộ dân nhưng 74,14% số phiếu không đồng thuận.

Ngày 20/8/2013, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với UBND quận Thanh Xuân lập quy hoạch điều chỉnh trình UBND thành phố xem xét phê duyệt. Nhiều phương án được đưa ra nhưng cuối cùng mọi việc vẫn chưa tìm được lối ra. Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội lại giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chủ trì, tổ chức nghiên cứu định hướng quy hoạch chi tiết khu vực công viên cây xanh hồ điều hòa Hạ Đình. Đến ngày 30/12/2022, đơn vị này đã đưa ra 4 phương án.

Đầu tiên là giữ lại khu đất của Khu tập thể Cục quân khí đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khu dân cư hiện có tồn tại từ những năm 1980-1985 nằm phía cổng nhà máy nước và khu giãn dân X4 ven hồ Hạ Đình. (khoảng 108 thửa đất). Tái định cư toàn bộ số hộ dân của các thửa đất còn lại vào quỹ nhà tái định của Thành phố.

Phương án 2 là giữ lại khu đất của Khu tập thể Cục quân khí đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khu dân cư hiện có tồn tại từ những năm 1980-1985 nằm phía cổng nhà máy nuớc và khu giãn dân X4 ven hồ Hạ Đình. Trên cơ sở đánh giá đầy đủ về tình trạng pháp lý của khu dân cư hình thành từ năm 1992-1996 do UBND xã Khựơng Đình tự cấp đất giãn dân, đề xuất giữ lại, cải tạo chỉnh trang. Đối với dân cư tự chuyển đổi đất nông nghiệp qua các thời kỳ, không có chứng minh về pháp lý, đề xuất tái định cư tại chỗ.

Phương án 3 là giữ lại khu đất của Khu tập thể Cục quân khí, khu dân cư hiện có tồn tại từ những năm 1980-1985 nằm phía cổng nhà máy nước và khu giãn dân X4 ven hồ Hạ Đình. Tái định cư toàn bộ số dân cư của các thửa đất còn lại vào quỹ đất đất hỗn hợp.

Phương án cuối cùng là giữ lại khu đất của Khu tập thể Cục quân khí đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khu dân cư hiện có tồn tại từ những năm 1980-1985 nằm phía cổng nhà máy nước và khu giãn dân X4 ven hồ Hạ Đình. Trên cơ sở đánh giá đầy đủ về tình trạng pháp lý của khu dân cư hình thành từ năm 1992-1996 do UBND xã Khương Đình tự cấp đất giãn dân.

Ngày 22/2/2023, UBND quận Thanh Xuân đã có công văn gửi Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và cho biết, đơn vị này đã tổ chức cuộc họp về việc lấy ý kiến đối với 4 phương án trên và thống nhất đề chọn phương án 3 và phương án 4. Tuy nhiên, phương án 4 phụ thuộc vào việc điều chỉnh quy hoạch đối với khu vực nhà máy nước Hạ Đình…

Các hộ dân nằm trong quy hoạch dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình đang rất kỳ vọng UBND quận Thanh Xuân và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp để "gỡ khó" cho họ khi đã 22 năm dự án vẫn "treo". Tuy nhiên, do nguồn gốc đất của hàng trăm hộ dân rất khác nhau nên việc đưa ra một phương án tối ưu, hài hòa cho tất cả là điều không đơn giản.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm