Hà Nội: Dự án công viên “treo” hơn 2 thập kỷ, hàng trăm hộ dân khốn khổ chịu đựng

Nguyễn Cảnh Dũng
19/03/2023 - 16:25
Hà Nội: Dự án công viên “treo” hơn 2 thập kỷ, hàng trăm hộ dân khốn khổ chịu đựng

Gia đình chị Phùng Thị Nhi (tổ 10, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải hàn một gác xép làm nơi nghỉ ngơi

Hơn 20 năm qua, hàng trăm hộ dân tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) phải sống trong những căn nhà xập xệ nhưng không thể sửa chữa, cũng không thể xây mới. Họ như bị giam hãm trong chính ngôi nhà của mình bởi một dự án dang dở - Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình.
Những căn nhà xập xệ trên đất "vàng"

Mời chúng tôi vào nhà, chị Phùng Thị Nhi (tổ 10, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải mất chừng 5 phút thu dọn đồ đạc mới có được một chỗ ngồi cho khách. Gọi nhà cho sang, thực tế, nhà chị Nhi chỉ có bộ khung sắt, phía trên lợp mái tôn và 2 bên nhờ tường nhà hàng xóm che chắn. 

Phía dưới, gia đình chị Nhi làm chỗ sinh hoạt chung, phía trên hàn một gác lửng đủ đặt 2 chiếc đệm cho vợ chồng và 2 đứa con ngủ. Căn nhà vá chằm vá đụp bằng các loại tấm lợp, vải bạt, ni lông và đồ đạc để ngổn ngang. 

"Tôi có 2 người con, cháu lớn đã học sắp xong đại học. Suốt mấy chục năm qua, cả gia đình vẫn phải sống khốn khổ thế này. Có đất nhưng không thể xây nhà, mỗi lần nhà dột nát quá, phải sửa lại mái cũng phải làm chui lủi. Thương nhất là các con đã lớn vẫn phải ngủ chung với bố mẹ trên gác xép, rất bất tiện", chị Nhi chua chát.

Dự án “treo” hơn 2 thập kỷ, hàng trăm hộ dân khốn khổ chịu đựng - Ảnh 1.

Căn nhà chật chội, tồi tàn của gia đình chị Phùng Thị Nhi (tổ 10, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Nhà chị Nhi nằm trên mảnh đất rộng gần 100m2, tọa lạc ở vị trí "vàng" với 2 mặt tiền thoáng đãng và chỉ cách đường Nguyễn Xiển khoảng 20 mét. Phía đối diện là những ngôi nhà cao tầng khang trang, nằm san sát nhau nhưng ở bên này, gia đình chị Nhi và hàng trăm hộ khác lại đang phải sống trong khu ổ chuột đúng nghĩa vì đất "dính" vào Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình. 

Chị Nhi cho biết, gia đình chị mua được mảnh đất giãn dân hợp pháp được TP Hà Nội cấp từ năm 1993 nhưng khi mới dựng được căn nhà tạm, nhà chị Nhi và khoảng 200 hộ khác thuộc tổ 10 đã bất ngờ được thông báo nằm trong Dự án công viên hồ Hạ Đình. Điều đáng nói là dự án được phê duyệt từ năm 2002 - năm con trai lớn nhà chị Nhi chào đời và nay cháu chuẩn bị tốt nghiệp đại học nhưng dự án vẫn còn dang dở.

Chung cảnh ngộ như nhà chị Nhi là trường hợp của Tổ trưởng tổ dân phố số 10 - gia đình bà Nguyễn Thị Liên. Bà Liên cho biết, mảnh đất gia đình bà đang ở được mua năm 1987. Trước đó, vào năm 1983, Nhà nước đã tiến hành cấp cho một cán bộ của Công ty bóng đèn và phích nước Rạng Đông. 

Dự án “treo” hơn 2 thập kỷ, hàng trăm hộ dân khốn khổ chịu đựng - Ảnh 2.

Khu phố thuộc tổ 9, phường Hạ Đình, bị “dính” quy hoạch “treo” 21 năm

Tuy nhiên, gia đình này sau đó đã vào miền Nam nên bà Liên mua lại và sinh sống từ đó đến nay. 

Có nhiều dự án chậm triển khai, có dự án chậm đến cả chục năm, ảnh hưởng lớn đến quyền của người dân khi họ có đất hợp pháp, có nhà hợp pháp nhưng không được phép xây dựng, sửa chữa. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định về trường hợp chậm tiến độ quá 48 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. Việc quy định thời gian thực hiện dự án đầu tư, cũng như quy định chế tài thu hồi đất khi vi phạm thời gian thực hiện dự án là rất cần thiết, là cơ sở pháp lý để loại trừ những dự án chậm tiến độ, dự án “treo”. Tuy nhiên, dự thảo cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án “treo” để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí”.

Luật sư Nguyễn Cao Hạnh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội)

"Mảnh đất gia đình tôi mua hoàn toàn hợp pháp nhưng hơn 20 năm nay không được sửa chữa hay xây mới vì vướng phải dự án. Nhà đã xây gần 40 năm, hiện xuống cấp trầm trọng nhưng 9 con người, gồm vợ chồng tôi, vợ chồng 2 người con, 2 đứa cháu và một cụ bà vẫn phải sinh sống. Hàng trăm hộ khác cũng rơi vào cảnh bi đát như nhà tôi chỉ vì một dự án "treo" hơn 2 thập kỷ qua", bà Liên bức xúc.

Phải sống trong những căn nhà tồi tàn, nhếch nhác nhưng đa số người dân đều phải chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có một số hộ "chấp nhận vi phạm" vì không thể làm khác được, trong đó có Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 - gia đình ông Đặng Đình Đảm. Ông Đảm khẳng định, đã mua mảnh đất hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng từ năm 1993, nguồn gốc là đất giãn dân được UBND thành phố Hà Nội ký cấp đất theo Quyết định số 2216. 

Dự án “treo” hơn 2 thập kỷ, hàng trăm hộ dân khốn khổ chịu đựng - Ảnh 4.

Khu phố trông nhếch nhác thuộc tổ 10, phường Hạ Đình, bên con phố Nguyễn Xiển sầm uất

Thế nhưng, khi đang sinh sống ổn định, vào ngày 17/2/2002, ông Đảm và hàng trăm hộ dân khác vô cùng bất ngờ khi nhận được công văn cho biết, nhà ông nằm trong dự án. "Đã nằm trong dự án nghĩa là không được sửa chữa, xây mới nhưng dự án "treo" hàng chục năm, nhà xuống cấp, tôi đành vi phạm vì không sửa không thể ở được. 

Tôi đã 3 lần vi phạm, lần gần đây nhất là vào năm 2018 và bị chính quyền xử phạt 25 triệu đồng. Làm Tổ trưởng tổ dân phố nhưng tôi phải làm sai, buồn lắm", ông Đảm ngao ngán nói.

Bao giờ "cởi trói" cho người dân?

Ông Đảm, bà Liên và nhiều hộ dân khác tại tổ 9, tổ 10 phường Hạ Đình nói rằng, đến giờ họ vẫn không hiểu vì sao năm 2002, khi làm quy hoạch khu công viên hồ Hạ Đình, UBND quận Thanh Xuân và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội lại báo cáo rằng đã kiểm tra hiện trạng và xác định khu vực chỉ là đất trống, ao hồ, khiến toàn bộ khu dân cư nằm trong khu giãn dân đã bị quy hoạch thành đất công viên. 

Dự án đã đình trệ 21 năm nay khiến cho đời sống của hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Họ đã không thẩm định, không kiểm tra, lỗi này thuộc về UBND quận Thanh Xuân thời điểm đó (năm 2002) và đẩy người dân vào cảnh sống nhếch nhác, tạm bợ như ngày hôm nay. Tổ dân phố đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết. 

Chúng tôi không biết dự án giờ "sống chết" thế nào nhưng người dân đã cạn kiệt sức chịu đựng. Các cấp chính quyền cũng đã về kiểm tra và thực tế nguồn gốc đất chúng tôi ở là hợp pháp. Họ hứa sẽ điều chỉnh quy hoạch nhưng hơn 2 thập kỷ rồi mọi việc vẫn thế, dân rất khổ sở và bức xúc", ông Đảm nói.

Dù đã "đánh liều" sửa chữa và chấp nhận bị phạt nhưng cả gia đình lên đến 4 thế hệ nhà ông Đảm hiện vẫn phải sinh sống trong ngôi nhà chật chội bên ngõ 460 phố Hạ Đình. Thành viên nhỏ nhất chưa đến một tuổi, người cao tuổi nhất là mẹ ông Đảm năm nay đã bước sang tuổi 92. 

Do gia đình khá khó khăn nên năm nay, cụ bà vẫn hàng ngày phải ngồi bán quán trà nhỏ trước nhà để có thêm thu nhập. Ông Đảm còn một người con trai chưa lập gia đình. Nếu người này lấy vợ, ông Đảm chưa biết tính toán thế nào để đủ chỗ ở.

Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Việt Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình, thừa nhận, cuộc sống của người dân nằm trong dự án rất khó khăn. Đặc biệt, nhà đã xây dựng nhiều năm, hiện xuống cấp, hư hỏng nhưng không được sửa chữa, xây dựng. UBND phường Hạ Đình cũng đã báo cáo cơ quan chức năng cấp trên giữ nguyên hiện trạng các nhà dân và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế.

Theo tìm hiểu của PV, Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình đã triển khai xong hồ điều hòa nhưng phần công viên cây xanh đã không triển khai được. Báo cáo của UBND phường Hạ Đình cho biết, theo quy hoạch của UBND thành phố Hà Nội, khu vực hồ Hạ Đình (bờ hồ) được xác định là đất quy hoạch Công viên cây xanh hồ điều hòa Hạ Đình. 

Tuy nhiên, hiện trạng rà soát, thống kê sơ bộ trong khu vực quy hoạch trên (thuộc tổ dân phố số 9 và một phần tổ dân phố số 10 phường Hạ Đình) có khoảng 649 thửa đất, với khoảng 520 thửa có công trình trên đất. Trong đó, có các thửa đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở từ năm 2003-2005, có 102 thửa đất có nguồn gốc là đất giãn dân do UBND thành phố Hà Nội cấp…

Từ thực trạng trên, phường Hạ Đình đề xuất xem xét điều chỉnh lại quy hoạch Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình. Thực tế nếu triển khai, việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng như tái định cư cho hàng trăm hộ dân đã được cấp đất hợp pháp nói trên là rất tốn kém. 

Người dân nằm trong dự án cũng cho biết, họ sẽ không đồng ý di dời để thực hiện một phần công viên cây xanh trong Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm