pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: Hàng trăm hộ dân sống khổ vì dự án "treo"
Nhà sập nhưng không thể xây mới của 1 hộ dân tại tổ 4b, phường Thanh Nhàn
Nhếch nhác bởi dự án "treo"
Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyễn Thị Hòa (khu dân cư 4b, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được xây dựng từ hơn 40 năm trước. Nhà nay đã xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc từng mảng, có chỗ nứt toác nhưng bà Hòa không thể xây mới.
"Trước đây nhà lợp bằng fibrô xi măng nhưng vì vỡ và thủng khắp nơi, dột tứ phía nên chính quyền đã đồng ý để tôi lợp lại mái tôn. Nhà tôi nằm trong diện thu hồi đất để thực hiện dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhưng đã hơn 20 năm, dự án vẫn chưa triển khai và gia đình tôi vẫn phải sống trong cảnh khốn khổ thế này", bà Hòa chua chát.
Trong căn nhà cấp 4 chật chội, đồ đạc ngổn ngang, không có nổi một chỗ ngồi cho khách, bà Hòa phải xách ghế ra vỉa hè. "Trong nhà chỉ có một lối đi lại, mỗi khi có khách đến nhà… lại phải ra vỉa hè ngồi vậy", bà Hòa giãi bày.
Bà Đặng Thị Liên Hương - Tổ trưởng Tổ dân phố 4b - cho biết, trên địa bàn tổ dân phố có gần 300 hộ đang sinh sống thì có tới 50% nhà cửa xuống cấp, xập xệ, nhiều thế hệ cùng sinh sống, thậm chí có nhà còn bị sập khi đang ở như gia đình bà Hoàng Thị Yến.
Theo bà Hương, nhà bà Yến trước kia có 4 thành viên sinh sống nhưng cách đây hơn 1 năm, căn phòng là nơi ở của 2 người con bỗng đổ sập nên hiện các con bà Yến phải đi ở chỗ khác. Ngôi nhà sập giờ cũng không thể sửa chữa vì... chẳng còn gì để sửa.
Đi một vòng quanh tổ 4b là hình ảnh những con ngõ rất nhếch nhác, những ngôi nhà xuống cấp, lụp xụp. Có nhiều gia đình còn tận dụng cả ngõ làm chỗ sinh hoạt như nấu ăn, thậm chí là để xoong nồi, xô chậu.
"Mặc dù chính quyền phường tạo điều kiện được sửa chữa, cải tạo nhỏ nhưng chúng tôi mong thành phố Hà Nội sớm có phương án rõ ràng. Nếu Nhà nước lấy đất làm công viên thì sớm giải tỏa, còn nếu không phải sớm đưa ra khỏi quy hoạch để dân xây sửa nhà cửa, ổn định cuộc sống", bà Hương nói.
Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được lập từ năm 1970. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thu hồi hơn 26 ha đất tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng để giao cho chủ đầu tư là Công ty thương mại và đầu tư phát triển Hà Nội (thuộc Thành đoàn Hà Nội) tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đến nay đã thực hiện GPMB được 18ha, hiện còn khoảng 8ha chưa GPMB, trong đó gồm toàn bộ địa bàn dân cư số 4a, 4b và một phần dân cư số 1, số 2, phường Thanh Nhàn với hơn 800 hộ dân.
Suốt 22 năm qua, những hộ dân nằm trong diện thu hồi đất không được cấp sổ đỏ, không được cấp phép xây nhà và không được nhập - tách khẩu. Nhà cửa xuống cấp, hư hỏng nhưng không thể xây mới nên phải sống trong cảnh tạm bợ, người dân rất bức xúc nhưng những kiến nghị vẫn chưa được giải quyết.
Theo tìm hiểu của PV, đất của những hộ dân nằm trong diện thu hồi không phải đất lấn chiếm mà đất thuộc làng Thanh Nhàn trước đây và có trường hợp liền thổ, có trường hợp đã có giấy chứng nhận. Đất thổ cư nên việc thu hồi sẽ tốn rất nhiều kinh phí. Ngoài ra, để tìm quỹ đất tái định cư cho số hộ dân nói trên là điều không hề đơn giản.
"Các hộ dân đều có mong muốn Hà Nội sớm điều chỉnh quy hoạch, đưa các hộ dân ra khỏi dự án để có thể xây sửa nhà, xây nhà, đảm bảo đời sống, quyền lợi hợp pháp. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến và tôi hy vọng sẽ có những điểm mới để 'gỡ' khó cho chúng tôi", ông Nguyễn Văn Tiến - tổ dân phố 4b - chia sẻ.
Giải pháp nào để xử lý dự án "treo"?
Luật sư Nguyễn Cao Hạnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nói rằng, thời gian vừa qua có rất nhiều dự án chậm triển khai, có dự án chậm đến cả chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người dân khi họ có đất hợp pháp, có nhà hợp pháp nhưng không được phép xây dựng, sửa chữa.
Theo ông Hạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cho trường hợp đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi theo kế hoạch nhưng chưa thực hiện thì người dân vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Có như vậy mới giải quyết được những khó khăn do dự án "treo" gây ra, tránh thiệt thòi cho người dân.
Bên cạnh đó, Dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án "treo" để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả.
"Dự thảo hiện có quy định về trường hợp chậm tiến độ quá 48 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. Việc quy định này là rất cần thiết, tôi kỳ vọng đây sẽ là cơ sở để xóa bỏ các dự án chậm tiến độ", luật sư Hạnh nói.
Tại Điều 74 về việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nêu: "Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm kể từ ngày phê duyệt và được tiếp tục cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định".
Về nội dung này, Luật gia Trần Quốc Tuấn - Chi hội Luật gia (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, quy định này là phù hợp nhằm giảm bớt tình trạng quy hoạch các dự án nhưng không thực hiện đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, gây thiệt thòi cho người dân trong vùng dự án kéo dài.