pnvnonline@phunuvietnam.vn
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có tiếng nói đại diện phụ nữ trong quy hoạch
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo
Nhiều khái niệm vẫn chung chung
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội - cho rằng, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), còn nhiều khái niệm chung chung cần được làm rõ. Đơn cử như hiện nay người dân rất bức xúc việc thu hồi đất cho xây dựng công trình công cộng, trong khi đó các điều luật trong Dự thảo giải thích chung chung, rất khó hiểu.
Ông Tuyến cho rằng, khi thu hồi đất cần phải làm rõ theo các tiêu chí như phải đem lại lợi ích chung cho người dân, nếu không làm rõ thì dễ lạm dụng thu hồi đất để phục vụ lợi ích nhóm. Ngoài ra, về khái niệm "Nhà nước thu hồi đất với dự án lấn biển". Vậy lấn biển là gì, quy mô bao nhiêu, mục đích của dự án lấn biển là gì thì Nhà nước thu hồi?
Dự thảo Luật cũng cần định nghĩa cụ thể việc thu hồi đất phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo hay khái niệm Nhà nước thu hồi đất đô thị để thực hiện dự án không phải là đất ở, vậy thế nào là đất đô thị không phải là đất ở...
Về vấn đề bồi thường hỗ trợ tái định cư, giá đất thế nào là giá thị trường? Theo ông Tuyến đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. "Vấn đề này cứ loanh quanh suốt 30 năm nay, đến giờ vẫn cãi nhau. Dự thảo ghi giá đất được Nhà nước xác định là phù hợp với giá thị trường. Khái niệm "phù hợp" hiểu sao cho đúng, thế nào là phù hợp, nên quy định 80% giá thị trường là được", ông Tuyến đưa ra ý kiến.
Về tái định cư, Dự thảo Luật có quy định "tốt hơn nơi ở cũ". Ông Tuyến cũng đặt câu hỏi: Căn cứ vào cái gì đề nói là tốt hơn nơi ở cũ? Cần phải quy định cụ thể, tiêu chí gì, như thế mới đánh giá được tốt hơn nơi ở cũ.
Ông Tuyến góp ý cần sửa đổi về quy định khi thu hồi đất nông nghiệp. Dự thảo quy định nếu trong độ tuổi lao động sẽ được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, vậy quá tuổi lao động thì sao, họ chỉ nhận được tiền? Không chuyển đổi nghề, tiền hỗ trợ họ dùng mấy năm hết thì họ lấy gì để sinh nhai tiếp?
Việc lấy ý kiến của người dân về thu hồi đất vào phương án bồi thường tái định cư, theo ông Tuyến vẫn mang tính hình thức. Ông cũng đặt câu hỏi: Nếu 85% người dân không đồng ý thì phương án có thay đổi không?
Trong khi đó, phương hướng công khai quy hoạch trên Cổng thông tin điện tử và tại trụ sở cơ quan nhà nước, ông Tuyến cho rằng sẽ không mang lại hiệu quả. Thực tế người dân chỉ đến cơ quan nhà nước khi có việc, vì thế nên công bố tại các điểm dân cư. Còn việc công bố trên cổng thông tin, vậy những vùng sâu, vùng xa không có mạng internet thì sao?
Đồng quan điểm với ông Tuyến về vấn đề giá đất, TS Châu Hoàng Thân - Giảng viên khoa Luật, Đại học Cần Thơ - cho rằng: Nguyên tắc định giá đất "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường mới" rất định tính giữa kết quả định giá đất với giá thị trường. "Điều này sẽ tạo nên những mâu thuẫn, bất đồng về giá đất được quyết định và không thể xác định thế nào là sát, là phù hợp", TS Châu Hoàng Thân nói.
Cần lấy ý kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Tại Chương V của Dự thảo đã quy định cụ thể về Hội đồng thẩm định, thẩm quyền quyết định, phê duyệt, rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời quy định trách nhiệm, thẩm định, tư vấn, công bố, công khai, tổ chức thực hiện và báo cáo thực hiện.
Vấn đề quan trọng là lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại Điều 68 và giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi Luật Đất đai có hiệu lực sửa đổi thi hành quy định tại Điều 76.
Điều 68 khoản 1, khoản 2, khoản 3 quy định lấy ý kiến các cơ quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện nhưng không có quy định về việc lấy ý kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
"Tôi đề nghị bổ sung việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện vì Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân là hai tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho tiếng nói của phụ nữ, của nông dân - đây là hai chủ thể rất quan trọng, cần có tiếng nói đại diện cho giới phụ nữ và đại diện cho giai cấp nông dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vì Việt Nam là nước nông nghiệp, vì phụ nữ chiếm trên 50% dân số", bà Hòa nói.
Trong khi đó, nói về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai trong Dự thảo Luật, TS. Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV - cho rằng, Điều 20 Dự thảo Luật đã có quy định hoàn toàn mới so với Luật Đất đai hiện hành về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai.
Theo đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; tham gia ý kiến đối với dự án có sử dụng đất do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp; tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết phải thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất; tham gia xây dựng bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất; tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai theo quy định của pháp luật.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng việc tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai, cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… không chỉ có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương mà phải có cả sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp", TS. Nguyễn Văn Pha góp ý.
Tại "Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" do Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chiều ngày 2/3, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung như:
1. Đánh giá việc thể chế những điểm mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các luật khác có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
2. 9 vấn đề trọng tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xin ý kiến nhân dân mà Chính phủ đã hướng dẫn theo Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022.
3. Các quy định liên quan đến vai trò của MTTQ, các tổ chức CT-XH trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW nhấn mạnh vai trò MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai hay chưa?
4. Nội dung trọng tâm Hội LHPN Việt Nam chủ trì nghiên cứu: (1) Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; (2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; đặc biệt chú trọng đề xuất kiến nghị lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật, các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất.
Ngoài ra, các đại biểu có thể góp ý vào tất cả các nội dung mà đại biểu quan tâm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Ví như, vai trò của các tổ chức Chính trị- xã hội trong Luật đất đai; Vấn đề giới trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; thu hồi đất và bồi thường; Thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; đất nông lâm trường…
Kết luận hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cảm ơn ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu. Bà Nguyễn Thị Minh Hương cũng mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp qua văn bản của các đại biểu để tổng hợp gửi Ban soạn thảo Dự án luật.