Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Phải xem xét tính khả thi về quy định hỗ trợ tái định cư

Minh Châu
02/03/2023 - 16:34
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Phải xem xét tính khả thi về quy định hỗ trợ tái định cư

Một khu tái định cư tại Sài Đồng, Q.Long Biên (Hà Nội). Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định về các điều kiện để xây dựng các khu tái định cư như hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền... Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, cần phải xem xét lại tính khả thi của các quy định này.

"Điều kiện tương đương" là gì?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - đánh giá rất cao về những quy định mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, luật sư Hậu cũng đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất "xem xét lại tính khả thi" như việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 89 Dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định trước khi thu hồi đất phải xây dựng khu tái định cư.

Đồng thời, tại Điều 106 Dự thảo Luật quy định về các điều kiện để xây dựng các khu tái định cư (hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền) và thứ tự ưu tiên lựa chọn địa điểm tái định cư (tại địa bàn cấp xã nơi có đất bị thu hồi; đến địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố nơi có đất thu hồi, rồi mới đến địa bàn khác có điều kiện tương đương).

"Dự thảo Luật đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống của người dân khi quy định rằng phải xem xét về nhiều khía cạnh của khu tái định cư rồi mới được phép xây dựng. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại tính khả thi của các quy định này trên thực tế bởi hiện tại, quy định này vẫn còn một số bất cập", luật sư Hậu nói.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Phải xem xét tính khả thi về quy định hỗ trợ tái định cư - Ảnh 1.

Theo chuyên gia, khái niệm "khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người dân có chỗ ở, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" còn chung chung. Ảnh minh họa

Ông Hậu đưa ra ví dụ cụ thể như điều kiện "phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền". Theo luật sư, đối với những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số thì phong tục, tập quán có sự khác biệt so với đại đa số địa phương. Nếu rơi vào trường hợp tại địa bàn xã lẫn địa bàn huyện đều không có đất để bố trí tái định cư thì buộc phải bố trí tại các địa bàn khác có điều kiện tương đương nào?

"Điều kiện tương đương ở đây là gì, là về mặt địa lý tương đương hay là về các tiêu chí được địa phương đề ra, bởi nếu bố trí người dân tộc thiểu số sang một địa bàn với các phong tục, tập quán hoàn toàn khác nơi ở cũ thì sẽ không đáp ứng được một trong các điều kiện của khu tái định cư mà luật quy định", ông Hậu đặt câu hỏi và mong muốn được cho ý kiến về các quy định liên quan đến nguyên tắc thực hiện và điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Dự thảo Luật.

Về vấn đề thu hồi đất, tái định cư cho người dân trong Dự thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá, Dự thảo có nhiều điểm tiến bộ, đáng được ghi nhận nhưng về vấn đề thu hồi đất, tái định cư cho người dân vẫn còn nhiều điểm cần phải làm rõ.

Theo ông Dũng, Dự thảo nêu nguyên tắc là khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người dân có chỗ ở, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc làm rõ các khái niệm như thế nào là người dân có chỗ ở tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ? Tốt hơn về diện tích, về hạ tầng, tiện ích xung quanh hay tốt hơn về cái nào?

"Luật phải làm rõ được những ý đó. Những chỉ tiêu, tiêu chí đó đều hoàn toàn có thể làm được nên việc dẫn chung chung nội dung như trên sẽ khó cho Luật đi vào đời sống khi được ban hành", ông Dũng chia sẻ.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Phải xem xét tính khả thi về quy định hỗ trợ tái định cư - Ảnh 2.

Những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng sinh sống của đồng bào DTTS thì phong tục, tập quán có sự khác biệt so với đại đa số địa phương. Ảnh minh họa

Ông Dũng cũng cho rằng đây là một lỗ hổng và cơ quan nhà nước cần phải bịt lại. Ông Dũng lấy ví dụ về hiện trạng có nhiều chủ đầu tư dự án hứa hẹn trên giấy tờ là tiện ích có trường học, cơ sở hạ tầng nhưng đến khi phân lô, bán hết nhà rồi thì tiện ích xây chậm hoặc không xây mà sử dụng vốn làm cái khác.

Cần bổ sung quy định tư vấn pháp luật miễn phí

Cũng liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách, pháp luật đất đai đối với vùng miền núi nói chung và với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng.

Theo ông Hương, để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, cần nghiên cứu, có quy định cụ thể hơn phù hợp với đặc thù khó khăn của miền núi, hải đảo và tập quán của đồng bào DTTS. Trong đó cần làm rõ nội dung chính sách Bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ (khoản 2 Điều 89).

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho rằng, cần quan tâm các vấn đề như giá trị bồi thường về đất và chính sách hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng phải tương đương với giá trị thực hiện (vật chất và các lợi ích khác) của các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất.

Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm để người bị thu hồi đất là DTTS có sinh kế ổn đinh, bảo đảm thu nhập phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Phải xem xét tính khả thi về quy định hỗ trợ tái định cư - Ảnh 3.

Cần xem xét bổ sung quy định tư vấn pháp luật miễn phí trong các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, thu hồi đất đối với một số cộng đồng DTTS thuộc nhóm rất ít người. Ảnh minh họa

Nếu tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì phải được giao đất ngay và phải phù hợp với tập quán sản xuất, sinh kế của người bị thu hồi đất (nếu có quỹ đất). Nếu chuyển nghề phi nông nghiệp thì việc đào tạo, dạy nghề phải gắn với nhu cầu thị trường địa phương (không dạy nghề mà thị trường địa phương không có nhu cầu hoặc ít nhu cầu; không ép buộc, dạy các nghề theo kế hoạch của Nhà nước).

UBND cấp tỉnh/huyện hoặc doanh nghiệp (sử dụng đất thu hồi) có trách nhiệm liên hệ tìm việc làm (trong/ngoài địa phương) phù hợp với trình độ, tay nghề của người có đất bị thu hồi, phối hợp với đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động trong việc tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động.

Có chính sách hỗ trợ thỏa đáng (hỗ trợ "một cục") để khuyến khích, động viên người dân tự liên hệ, tìm công việc phù hợp (trong các doanh nghiệp, hợp tác xã…) hoặc tìm mua đất chỗ khác, cơ quan thực hiện thu hồi đất xác minh và chi trả cho người dân tự giải quyết.

Ông Hương cũng đưa ra số liệu điều tra DTTS năm 2019. Theo đó, có khoảng 20% người DTTS không đọc thông, viết thạo tiếng Việt, trong thực tế số liệu này có thể còn cao hơn, nhất là ở vùng kinh tê-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, điều này dẫn đến khi tham gia làm các thủ tục hành chính, dân sự…, người dân phải thông qua người khác.

Hiện nay, Luật Đất đai và các quy định pháp luật chưa có quy định về việc cung cấp kiến thức pháp luật, tư vấn cho người DTTS trước khi thực hiện các giao dịch đất đai hoặc làm các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.

Luật Trợ giúp pháp lý (ngày 20/6/2017) đã quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, việc trợ giúp chỉ được thực hiện khi có yêu cầu. Trên thực tế, hầu hết người dân không biết mình có quyền này, cũng như các quyền khác liên quan đến đất đai, vì thế mà họ dễ gặp rủi ro khi thưc hiện các cam kết, thỏa thuận mà chưa ý thức hết được quyền và trách nhiệm của mình.

Từ đó ông Hương đề nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét bổ sung quy định yêu cầu có hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí như một công đoạn bắt buộc trong các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, thu hồi đất đối với một số cộng đồng DTTS thuộc nhóm rất ít người, có nhiều khó khăn nhằm bảo đảm người DTTS nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình trước khi thực hiện các giao dịch về đất đai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm