Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần ưu tiên có đất sản xuất, đảm bảo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Cảnh Dũng
27/02/2023 - 15:19
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần ưu tiên có đất sản xuất, đảm bảo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 4 điều khoản quy định riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, các chính sách đối với DTTS trong các điều luật chưa thể hiện được nguyên tắc “…có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế” cho đồng bào DTTS.

Cần quy định rõ ràng các chính sách ưu tiên

Tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đã nêu ra những khó khăn của vùng đồng bào DTTS, điều này có tác động rất lớn đến việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật về đất đai đối với đồng bào DTTS nói riêng.

Theo ông Hương, đây là vùng có điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, địa hình đa dạng, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của đồng bào, nhất là về mùa mưa lũ. Trình độ phát triển của hầu hết các DTTS còn thấp và không đều nhau; 53 DTTS có phong tục, tập quán riêng, nhất là các DTTS ở vùng cao, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn (ĐBKK) còn nhiều hủ tục lạc hậu, nhận thức và thực hiện chính sách, pháp luật nhiều mặt hạn chế.

KT-XH của vùng chậm phát triển; cơ sở hạ tầng yếu kém; tài nguyên ngày cạn kiệt, môi trường bị suy thoái, đất sản xuất bị thu hẹp do bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển; trên các vùng núi dốc, đất đai bị xói mòn, bạc màu, khả năng canh tác ngày càng giảm và thường xuyên bị sạt lở, bồi lấp; chất lượng nguồn nhân lực thấp: tỷ lệ chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt còn khá cao; tỷ lệ lao động người DTTS đã qua đào tạo chỉ đạt 6,2%, gần bằng 1/3 tỷ lệ bình quân chung cả nước…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nói rắng, các quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa của các văn bản dưới Luật và tổ chức thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS. Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí nhiều chương trình nguồn lực đã thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, trong đó có đồng bào DTTS. Theo kết quả điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS năm 2019, cả nước có 24.532 hộ DTTS thiếu đất ở, 210.400 hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất.

Trong điều kiện của vùng đồng bào DTTS&MN, hầu hết các diện tích đất đã được giao đến các chủ sử dụng đất (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân), nhu cầu về đất của đồng bào ngày càng tăng, trong khi quỹ đất của các địa phương để giải quyết không nhiều và có xu hướng bị thu hẹp (do thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư; bị thiên tai, bão lũ, hoang hóa…). Do đó, việc thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào là nhiệm vụ cấp bách và cần được xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, bảo đảm phù hợp thực tiễn, có tính khả thi.

Ông Hương cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Luật cho thấy các quy định đối với đồng bào DTTS có 4 điều khoản quy định riêng cho DTTS. Tuy nhiên đề nghị thể chế đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; các chính sách đối với DTTS trong các điều luật chưa thể hiện được nguyên tắc nêu tại Điều 17 quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là: "… có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế", do đó cần tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung.

Cần ưu tiên có đất sản xuất, đảm bảo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Từ đó ông Hương đề xuất, về chính sách "tạo điều kiện" như dự thảo Luật, cần sửa thành "ưu tiên" theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Cần quy định rõ các chính sách ưu tiên áp dụng đối với đồng bào DTTS; đồng thời thể hiện rõ các chính sách này ở các điều khoản khác trong dự thảo Luật, nêu rõ đối tượng DTTS, không để chung với nhóm đối tượng khác.

Cần thiết kế lại Điều 17 gồm 4 khoản: Khoản 1: Quy định nguyên tắc chung việc bảo đảm chính sách đất đai cho đồng bào DTTS trong dự thảo Luật; Khoản 2: Quy định các mục chính sách cụ thể, ưu tiên cho đồng bào DTTS; Khoản 3: Quy định trách nhiệm của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương về việc ban hành chính sách đất đai cho đồng bào DTTS; Khoản 4: Quy định về trách nhiệm của Nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS. Để thuận lợi cho việc thi hành Luật, có thể nghiên cứu phương án giao Chính phủ có nghị định riêng cho DTTS. "Để thuận lợi cho việc thi hành Luật, có thể nghiên cứu phương án giao Chính phủ có nghị định riêng cho DTTS", ông Quàng Văn Hương nói.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cũng cho rằng, cần làm rõ nội dung chính sách bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm để người bị thu hồi đất là dân tộc thiểu số có sinh kế ổn đinh, bảo đảm thu nhập phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn.

Nếu người dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì phải được giao đất ngay và phải phù hợp với tập quán sản xuất, sinh kế của người bị thu hồi đất nếu có quỹ đất. Nếu chuyển nghề phi nông nghiệp thì việc đào tạo, dạy nghề phải gắn với nhu cầu thị trường địa phương không dạy nghề mà thị trường địa phương không có nhu cầu hoặc ít nhu cầu; không ép buộc, dạy các nghề theo kế hoạch của Nhà nước.

UBND cấp tỉnh, huyện hoặc doanh nghiệp sử dụng đất thu hồi có trách nhiệm liên hệ tìm việc làm phù hợp với trình độ, tay nghề của người có đất bị thu hồi, phối hợp với đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động trong việc tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động…

"Luật Lâm nghiệp và dự thảo Luật Đất đai vẫn "vênh" nhau"

Theo ông Quàng Văn Hương, có một số điểm đang chưa có sự thống nhất giữa Dự thảo Luật Đất đai với một số Luật hiện hành. Cụ thể, tại điểm C khoản 1 và khoản 3 về đất lâm nghiệp không thống nhất với Luật Lâm nghiệp. 

Luật Đất đai xác định đất lâm nghiệp là đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng (không bao gồm các diện tích núi đá, thảm thực vật đang được phục hồi, đất đồi núi chưa thành rừng); trong khi Luật Lâm nghiệp coi "đất lâm nghiệp" gồm cả diện tích đất chưa có rừng (gồm cả diện tích núi đá, thảm thực vật đang được phục hồi, đất đồi núi chưa thành rừng) được quy hoạch thành rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

"Sự khác biệt trong quy định về "đất lâm nghiệp" giữa ngành tài nguyên môi trường và ngành nông nghiệp đã dẫn tới sự sai lệch đáng kể về số liệu thống kê giữa hai ngành, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Cần làm rõ về bất cập giữa Luật Lâm nghiệp và dự thảo Luật, xem quy định của Luật nào đúng trong thực tế hơn; trên cơ sở đó kiến nghị sửa luật kia cho tương ứng, hoặc áp dụng theo Điều 4 của dự thảo Luật", ông Hương góp ý.

Cần ưu tiên có đất sản xuất, đảm bảo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Luật Lâm nghiệp và dự thảo Luật Đất đai vẫn "vênh" nhau. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Ngô Văn Hồng - Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) - cho rằng, đất, rừng vừa là tài nguyên thiên nhiên vừa là yếu tố sản xuất quan trọng đối với trong ngành lâm nghiệp. Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, đất rừng và rừng chịu sự điều chỉnh của 2 Luật; Luật Đất đai 2013 điều chỉnh các quan hệ liên quan đến đất rừng, trong khi đó rừng với tư cách là tài nguyên, tài sản trên đất chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 và nay là Luật Lâm nghiệp 2017.

Thực tiễn cho thấy, mặc dù đất rừng và rừng có mối quan hệ mật thiết với nhau, rừng là tài nguyên, tài sản gắn liền với đất lâm nghiệp nhưng bị phân tách và được điều chỉnh bằng 2 luật khác khau, giao cho 2 ngành khác nhau chịu trách nhiệm quản lý, nên đã gặp khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai trên thực tế do có sự sự bất cập, thậm chí mâu thuẫn trong một số quy định của hai Luật.

"Luật Lâm nghiệp 2017 đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với bối cảnh của đất nước, như đẩy nhanh quá trình xã hội hóa nghề rừng, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý rừng… 

So với Dự thảo Luật Đất đai hiện nay, mặc dù đã có những tiếp thu quan trọng nhằm đảm bảo hài hoà giữa hai hệ thống pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần được nghiên cứu, tiếp thu bổ sung đầy đủ để tránh chồng chéo, thống nhất khi Luật Đất đai được ban hành", ông Ngô Văn Hồng chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm